Lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ, sử dụng vật dụng tái chế thiết kế ra sản phẩm xe buồm tận dụng năng lượng gió để vận hành là cách học đầy thú vị của học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (quận 7) trong tiết học STEM bài học môn khoa học.
Điều đặc biệt là tiết học được mở ra tại không gian sân trường, tham gia vào tiết học còn có đông đảo phụ huynh trong lớp, cùng hỗ trợ, cổ vũ con em mình trong thiết kế sản phẩm.
Học đi đôi với hành
Với 48 học sinh, lớp 5/2 được chia thành 6 nhóm. Trước khi bước vào tiết STEM bài học chế tạo xe buồm, học sinh đã được học các tiết cung cấp kiến thức nền về vai trò của năng lượng, các năng lượng tự nhiên có vai trò như thế nào và chọn ra loại năng lượng có thể chế tạo được sản phẩm. Trong tiết thứ 2, 3, các nhóm cùng nhau thảo luận, lên ý tưởng cho chiếc xe buồm và đưa ra các bản thiết kế, vật dụng để chế tạo sản phẩm.
Thiết kế sản phẩm xe buồm từ vỏ hộp sữa, các thành viên trong nhóm 1 đã phân công nhiệm vụ bạn thì trang trí vỏ hộp sữa, bạn thì khoan bánh xe, bạn lại dùng súng bắn keo để dính cánh buồm…
Đầy hào hứng với sản phẩm của nhóm, Phạm Minh Đức – học sinh lớp 5/2, thành viên nhóm 1 chia sẻ, khó nhất là làm sao gắn chặt được cánh buồm vào với thân xe để không sứt ra trong quá trình xe di chuyển.
Trong khi đó, nhóm 2 lại mang đến sản phẩm xe buồm từ que gỗ. Đỗ Linh An – thành viên nhóm 2 nói, khó nhất khi thiết kế đó là khi sử dụng súng bắn keo bởi nếu không cẩn thận thì có thể trúng vào tay hoặc vào các bạn…
“Tiết học rất vui khi chúng em được cùng nhau lên ý tưởng và chế tạo sản phẩm. Trước đây, em rất sợ sử dụng súng bắn keo nhưng thông qua các tiết học STEM, em có thể sử dụng được dụng cụ này để chế tạo ra các sản phẩm gắn với bài học…” – Linh An cho hay.
Không chỉ dừng ở chế tạo sản phẩm, các nhóm còn rất tự tin giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình để phụ huynh… chốt giá, quy ra phần thưởng cho các nhóm.
Chứng kiến con mạnh dạn, tự tin cùng các bạn thiết kế sản phẩm, sử dụng súng bắn keo rất thành thục trong tiết học, chị Thu Trang đầy ngạc nhiên vì đây là điều chính chị còn chưa làm được. Trong suốt tiết học, chị thấy con đầy hào hứng, vui vẻ, nắm kiến thức khi tương tác nhiệt tình với giáo viên…
“Được học và hành như thế này thì phụ huynh rất ủng hộ bởi giúp các con vừa được học kiến thức mà thêm tự tin, chủ động, con học thêm được các kỹ năng về làm việc nhóm, sử dụng dụng cụ… Tiết học giúp tôi hiểu thêm về việc học của con mình để có thêm sự hỗ trợ, chia sẻ với con và giáo viên, nhà trường” – chị Thu Trang bày tỏ.
Theo thầy Trịnh Minh Quân – giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2, tiết học STEM bài học mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm gắn kiến thức bài học với việc giải quyết một vấn đề cụ thể, chứ không chỉ dừng ở kiến thức khô khan, thuần túy. Được học, song song với tự tay mình làm ra các sản phẩm học sinh rất thích thú. Các em được làm việc nhóm, trải nghiệm, học và phát triển thêm được nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng sử dụng các dụng cụ hữu ích trong cuộc sống, phù hợp với mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra.
“Việc tổ chức các tiết học STEM bài học thì khó khăn nhất với giáo viên là khâu chuẩn bị, bởi STEM đòi hỏi nhiều về thực hành. Vì vậy, dụng cụ thực hành nhiều và có sự kỹ lưỡng, tùy theo từng bài học. Do đó, việc tổ chức tiết học mở về bài học STEM, giáo viên mong muốn phụ huynh có thể quan sát được một cách thực tế nhất việc học của con ở trên lớp, tham gia cùng với con, mang đến sự hào hứng cho các em và đồng thời qua đó phụ huynh cũng hiểu hơn về STEM bài học để có sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với giáo viên, học sinh và nhà trường trong thực hiện các tiết học này, hướng tới phát triển toàn diện học sinh…” – thầy Quân nói thêm.
Cần vai trò dẫn dắt của hiệu trưởng
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm đẩy mạnh giáo dục STEM, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Cô Lê Thị Ngọc Nga – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trong hè trường đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ, trang bị cho thầy cô vững vàng kiến thức, tự tin trong xây dựng kế hoạch triển khai bài học STEM ở từng khối lớp.
Theo đó, mỗi khối chủ động xây dựng các bài học STEM để chia sẻ, học hỏi. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn sẽ luân phiên chia sẻ về STEM. Đặc biệt, nhà trường tổ chức nội dung sinh hoạt cộng đồng, với sự tham gia của cả 5 khối lớp, để thầy cô cùng chia sẻ những cái hay mình đang làm, qua đó cũng gỡ khó cho những giáo viên còn đang vướng, tạo sự chủ động, mạnh dạn cho đội ngũ trong thực hiện. Ngoài STEM bài học, STEM còn được nhà trường đưa đến với học sinh qua đa dạng hình thức: Tích hợp trong bài dạy ở nhiều môn học bằng những dự án nhỏ để học sinh củng cố kiến thức, hoàn thiện thêm kỹ năng; CLB STEM Robotics…
Hiệu trưởng này nhìn nhận, đến thời điểm này, STEM vẫn là một trong những nội dung còn khá mới mẻ với bậc tiểu học. Do vậy, để STEM có thể triển khai hiệu quả trong trường học, mang lại những lợi ích cho học sinh theo đúng mục tiêu mà chương trình mới đặt ra, song song với bồi dưỡng đội ngũ, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ sáng tạo, nhà trường tăng cường tuyên truyền để phụ huynh hiểu và đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ thầy và trò trong các tiết STEM. Với tiết học mở STEM, nhà trường mong muốn khi phụ huynh cùng tham gia hoạt động với con sẽ hiểu hơn về giáo dục STEM; thấy các con sáng tạo, tự tin thể hiện năng lực sẽ hiểu hơn về phương pháp giáo dục của giáo viên, nhà trường, tạo gắn bó giữa nhà trường, gia đình, hiểu về Chương trình GDTP 2018…
“Chương trình mới học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn phải gắn với trải nghiệm, ở tất cả các môn học. Vì vậy rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh” – cô Nga nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, để giáo dục STEM tiểu học triển khai hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của hiệu trưởng. Chỉ khi hiệu trưởng có tư tưởng cởi mở, nhận thức đúng về vai trò của STEM trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì mới tạo điều kiện, khuyến khích cũng như xây dựng những chương trình tập huấn đội ngũ, tạo động lực để giáo viên mạnh dạn làm…
“STEM cần đi từ những nấc thang đầu tiên, bắt đầu từ chính khối lớp 1. Điều quan trọng nhất là giáo viên cần được nhà trường định hướng, trao quyền để được sáng tạo, mạnh dạn triển khai và cần có “vai” chuyên gia để dẫn dắt… Để học sinh lên được ý tưởng và đưa ra thiết kế thì chính bản thân giáo viên phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm để định hướng, gợi mở giúp hạn chế thấp nhất những thiếu sót của học sinh, các em tự mình nhìn nhận ra những hạn chế có thể xảy ra với các ý tưởng của mình, chứ không phải đợi đến khi học sinh thất bại mới chỉ ra vì sao các em thất bại…” – TS. Thu Trang nêu.
Yến Hoa
Bình luận (0)