Thông qua hoạt động trồng cây xanh hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phòng chống phá rừng…
Thầy trò Trường Phổ thông DTBT TH Trà Tập trồng cây bảo vệ môi trường
1. Sáng sớm, sương từ đỉnh núi Ngọc Thiên theo gió giăng ngang qua các bản làng Trà Tập như tấm vải lụa. Hồ Khát Vọng – học sinh lớp 5/4 vui vẻ vác chiếc cuốc trên vai, cùng bạn bè đi từ các thôn xóm tập trung về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (DTBT TH) Trà Tập. Ngày lễ hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã được thầy giáo Lê Đình Tuấn – Tổng phụ trách Đội thông báo từ tuần trước. Được trực tiếp cầm cuốc trồng cây, Hồ Khát Vọng hào hứng và mong đến cuối tuần để được tham gia. “Lâu nay em được bố mẹ cho lên rẫy cuốc đất, làm cỏ rồi đến mùa đi thu hoạch ngô, lúa chứ chưa được trồng cây xanh lâu năm. Hôm nay được các thầy cô hướng dẫn cách trồng, bón phân, tưới nước rồi chăm sóc hàng tuần để đợi cây lớn, em thấy rất vui”. Cẩn thận tháo vỏ bọc ươm cây, em Hồ Thị Tháy Huyền, học sinh lớp 5/1 cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm trồng cây xanh. Em cũng được các thầy cô giới thiệu về lợi ích của cây giúp giữ đất, giữ rừng. Vì vậy, khi được tự tay trồng cây em thấy rất vui vì mình đã góp phần bảo vệ môi trường sống”.
Các em học sinh háo hức hưởng ứng ngày Tết trồng cây 2023
2. Nhận được thông báo của nhà trường, bà Hồ Thị Năm – phụ huynh em Hồ Thành Bảo, học sinh lớp 5/1 nghỉ hẳn một buổi lên rẫy để tham gia trồng cây cùng nhà trường và học trò. Là nông dân, am hiểu khí hậu và thổ nhưỡng nên bà Năm hướng dẫn thêm cho giáo viên trẻ và học sinh về kinh nghiệm đào hố, bón phân, cách trồng cây cho đứng gốc thật chắc chắn, tránh gió bão và vừa có thể dễ dàng bén rễ lên nhanh chóng. Bà Năm nói, người đồng bào thiểu số ở Trà Tập cũng như nhiều vùng núi cao khác luôn quan niệm, sống ở rừng phải dựa vào rừng và bảo vệ rừng. Rừng là ngôi nhà của thiên nhiên, chở che đồng bào trước thiên tai, bão lũ. Vì thế, người đồng bào luôn ý thức việc bảo vệ rừng như bảo vệ chính ngôi nhà của mình.
Cô giáo Trà Thị Thu – giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Tắk Pổ chia sẻ: “Qua việc trồng cây lần này, bản thân tôi thấy các em học sinh rất thích thú với trải nghiệm. Khi tôi phổ biến chương trình của Tổng phụ trách Đội về việc gom giấy vụn, chai nhựa, lon nước ngọt… gây quỹ để tổ chức trồng cây xanh, các em hưởng ứng rất tích cực. Nhiều em mang phế liệu gom nhặt được từ quá trình sử dụng ở nhà, nhìn thấy trên đường đi học, thậm chí giờ ra chơi cũng đi tìm nhặt xung quanh trường. Tôi mong các em sẽ có thêm ý thức bảo vệ môi trường, chăm sóc cây tươi tốt hơn. Đặc biệt mong có thêm nguồn hỗ trợ để các em thực hiện trồng được nhiều cây xanh hơn”.
Nằm ở vùng hứng chịu nhiều thiên tai, ngôi trường Tắk Pổ từng có 2 lần bị bão làm sập đổ hoàn toàn. Nhờ sự chung tay của các mạnh thường quân, đầu năm học 2022-2023, một ngôi trường mới đã được xây dựng lại khang trang. Để hạn chế thiệt hại do bão xoáy, Liên đội Trường Phổ thông DTBT TH Trà Tập cũng đã kêu gọi, bố trí kinh phí trồng nhiều loại cây gỗ để bảo vệ như cây gỗ dỗi, sáo đen…
Nằm ở địa bàn miền núi khó khăn, nhiều năm qua thầy trò Trường Phổ thông DTBT TH Trà Tập đã có nhiều hoạt động giúp học sinh nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động thực tế, trải nghiệm. Đơn cử như mô hình giao thông đường bộ ngay trên sân trường; vườn rau xanh phục vụ những tiết học ngoại khóa đồng thời bổ sung vào bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh. “Chúng tôi chú trọng giáo dục trải nghiệm, nâng cao ý thức cho học sinh thông qua hoạt động thực tiễn nhằm bắt nhịp với Chương trình GDPT mới. Đồng thời đó cũng là cách giúp các em bớt bỡ ngỡ khi học lên các bậc học cao hơn. |
3.Tết trồng cây năm 2023, thầy trò Trường Phổ thông DTBT TH Trà Tập đã trồng 200 cây cau xung quanh khuôn viên nhà trường và đường giao thông nông thôn. Thầy Lê Đình Tuấn – Tổng phụ trách Đội cho biết: “Kinh phí mua cây xanh trên được trích từ quỹ thu gom phế liệu đã được phát động trong học sinh toàn trường trước đó. Thông qua hoạt động này góp phần giáo dục ý nghĩa của Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách đây hơn 60 năm trước, góp phần cải thiện môi trường sống, tạo cảnh quan sạch đẹp, thân thiện cho trường học. Hoạt động cũng nhằm giúp các em học sinh có thêm bài học về kỹ năng sống, nâng cao ý thức trồng và bảo vệ cây xanh, phòng chống phá rừng, bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, tạo động lực để các em thể hiện trách nhiệm của bản thân trong việc chung tay xây dựng trường học ngày càng xanh, sạch, đẹp. Việc được trực tiếp trồng cây thay vì chỉ tuyên truyền qua lý thuyết giúp học sinh nâng cao nhận thức hơn. Chính các em cũng trở thành các “tuyên truyền viên” sẽ tuyên truyền lại cho người thân và cộng đồng, nêu cao ý thức bảo vệ rừng. Chúng tôi tiếp tục phát động chương trình gây quỹ ve chai và kêu gọi mạnh thường quân để ngày càng có nhiều cây xanh được trồng”.
Hàn Giang
Bình luận (0)