Bài 3: “Liều thuốc” nào ngăn chặn học sinh mê game?
Các em HS này, cả mùa hè đều ăn ngủ với GO |
Tác hại từ việc “nghiện” game online (GO) của học sinh, sinh viên đã quá rõ, thế nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào giúp chấm dứt tình trạng này, trong khi số người nghiện GO ngày càng tăng với mức độ chóng mặt. Đã đến lúc các cơ quan, ban ngành cần có những “liều thuốc” mạnh để loại bỏ vấn nạn trên.
“Bài thuốc” cũ không còn công hiệu
GO đang tác động tiêu cực đến hành vi, lối sống của thanh thiếu niên, nhất là giới học sinh, sinh viên. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng bạo lực học đường. Từ một trò chơi trực tuyến đơn thuần mang tính chất giải trí, nhưng đến nay, theo nhiều người, GO đang trở thành đại dịch. Nhiều cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp như: hạn chế giờ chơi, hạn chế cấp phép các loại GO quá bạo lực, khuyến cáo gia đình theo dõi sát con em mình… để giảm bớt những ảnh hưởng không tốt của nó đến giới trẻ. Thế nhưng, các cách làm nói trên vẫn chưa đủ lực, do đó, GO không ngừng “lây lan” rồi lớn mạnh thành “đại dịch”. Có thể nói, nó gần giống một loại ma túy làm kiệt quệ thể lực và suy đồi đạo đức của không ít thanh thiếu niên.
Trước những phản ánh về tác động tiêu cực của GO đối với xã hội và nhất là giới trẻ, từ năm 2006, Thông tư 60 về quản lý GO ra đời, quy định giới hạn giờ chơi (mỗi tài khoản chỉ được chơi dưới 5 giờ/ ngày). Tuy nhiên, các game thủ đa phần vẫn lách luật bằng cách thoát ra rồi đăng nhập lại vào game để nhân vật tiếp tục hành trình của mình mà không hề bị giới hạn điểm thưởng. Với “chiêu” này, các game thủ đã “công khai” vô hiệu hóa Thông tư 60.
Đến năm 2008, Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý, sử dụng internet ban hành đã có quy định rõ về việc các đại lý (cửa hàng, đại lý internet) phải dừng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ (tài khoản các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp không bị quy định này chi phối). Nhưng cho đến nay, việc kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng tại hơn 20.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet và GO trên toàn quốc chỉ ở giới hạn, vì vậy, cảnh các cửa hàng internet mở cửa cho các game thủ “cày” 24/24h diễn ra như cơm bữa. Đứng trước vấn nạn này, ông Trần Vĩnh Sa, Phó phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin & Truyền thông (TT-TT) TP.HCM đưa ra giải pháp: “Nên áp dụng quản lý GO như quản lý thuốc lá, rượu, ma túy vì nó có yếu tố gây nghiện. Cơ quan chức năng cần cấm quảng cáo GO dưới mọi hình thức; thẩm định lại những trò chơi đã phát hành để loại bỏ hẳn các trò chơi mang yếu tố khiêu dâm, cờ bạc, bạo lực; hạn chế, tiến tới không cho phép nhập khẩu GO nước ngoài; tăng mức phạt vì các mức hiện nay chưa đủ mạnh…”.
Giải pháp “mạnh tay”
Từ tháng 5 đến tháng 7-2010, Bộ TT-TT tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo về quy chế quản lý GO để trình Chính phủ. Và một trong những quy định kiến nghị có liên quan đến việc cung cấp thông tin cá nhân người chơi theo hướng: Người chơi phải cung cấp đầy đủ thông tin và xuất trình các giấy tờ hợp lệ khi đến đăng ký và nhận tài khoản trò chơi tại các điểm giao dịch của nhà cung cấp dịch vụ… Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, khi đăng ký tham gia trò chơi phải được sự đồng ý và bảo lãnh của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Người bảo lãnh phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của mình cho nhà cung cấp dịch vụ… Riêng về quy định giới hạn thời gian doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ cho người chơi áp dụng theo Nghị định 97, cơ quan quản lý quy định giờ đóng, mở cửa đại lý internet là từ 23h đến 6h sáng.
Về vấn đề thẩm định nội dung GO, ngày 27-7, tại cuộc họp về quản lý do Bộ TT-TT chủ trì, Cục Quản lý phát thanh – Truyền hình và thông tin điện tử cho biết, nội dung trò chơi sẽ được tăng cường chất lượng thẩm định bởi một hội đồng cấp bộ (chứ không phải cấp cục như hiện nay) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhằm bảo đảm tính khách quan và chặt chẽ hơn… Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết: “Cũng như quản lý thuê bao di động trả trước, việc đăng ký thông tin cá nhân và kiểm chứng tính xác thực của thông tin đăng ký là cái gốc của vấn đề. Nếu không có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chứng minh thư nhân dân điện tử thì mọi quy định của văn bản pháp luật không có ý nghĩa” .
Cũng tại cuộc họp nói trên, Bộ TT-TT đã có ý kiến sẽ tạm ngừng cấp phép trò chơi trực tuyến mới đến hết năm 2010; xóa bỏ các trò chơi bạo lực, tiến tới nghiêm cấm quảng cáo những trò chơi đối kháng… Động thái này được đánh giá là khá mạnh mẽ trong việc quản lý GO, mang tính răn đe hiệu quả.
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Ngày 14-7, trong cuộc họp với bộ ngành liên quan, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Phải thực hiện chặt chẽ, cụ thể hơn việc kiểm soát và hạn chế mặt tiêu cực của GO. Theo đó trong 3 tháng 9, 10 và 11-2010, các bộ, ngành liên quan tổ chức 3 đợt tổng kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ GO, các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến để có cơ sở thực tế cho việc báo cáo với Quốc hội”. |
Bình luận (0)