Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học sinh Trung cấp nghề không được dự thi ĐH, CĐ: Đã hợp lý chưa ?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh trường trung cấp nghề tỏ ra lo lắng và cảm thấy không công bằng nếu các em bị loại ra khỏi cuộc thi ĐH, CĐ. Bạn Lê Văn Tú – Trường Trung cấp In cho biết, nếu các em học nghề mà chịu khó ôn luyện các chương trình ôn thi ĐH, CĐ vượt qua được những quy định khắt khe của kỳ thi để được điểm cao thì điều đó mới đáng trân trọng.

Học sinh Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội thực hành sửa chữa máy.

Các em đã học nghề, lại đủ điểm vào ĐH, CĐ thì nếu đăng ký đúng ngành nghề đã học tại trường ĐH-CĐ đó, chắc chắn các em sẽ có nhiều cơ hội cọ sát với nghề hơn.

 

Theo ý kiến của một số giáo viên trường trung cấp nghề ở Hà Nội thì chúng ta cần thực hiện theo đúng Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Nếu những văn bản đưa ra khác với hai luật trên thì rõ ràng là trái luật. Cụ thể, Luật Dạy nghề quy định có 2 đối tượng được tuyển vào trung cấp nghề là: học sinh đã tốt nghiệp THPT (thông thường chiếm khoảng 70-80%); học sinh tốt nghiệp THCS. Với đối tượng học sinh THCS khi  học ở trường trung cấp nghề thì được học văn hóa tương đương với THPT và chương trình học nghề. Chương trình học văn hóa đối với các em tốt nghiệp THCS khi đi học trung cấp nghề giống như chương trình học của trung cấp chuyên nghiệp của Bộ GD – ĐT với qui định là 1.250 tiết.

 

Và sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, các em còn có trình độ văn hóa tương đương với học sinh THPT và có quyền được thi vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, quan điểm của Bộ GD – ĐT về việc học sinh trung cấp nghề chưa đủ điều kiện về trình độ văn hóa để dự thi vào ĐH, CĐ là chưa thỏa đáng và có phần thiếu công bằng với các em. Bởi điều quan trọng nhất là nếu học sinh thuộc các trường trung cấp nghề ôn luyện tốt các chương trình học, làm tốt các đề thi ĐH, CĐ thì  chắc chắn sẽ được điểm cao. Vậy lý do nào để các em không được phép dự thi ĐH, CĐ? Bộ GD – ĐT quản lý đầu vào, nhưng nhiều HS tốt nghiệp THPT còn không thể thi đỗ ĐH, CĐ trong khi rất nhiều học sinh trung cấp nghề thi đỗ. Do đó, nếu các em có đủ điều kiện cũng như năng lực thi được vào ĐH, CĐ thì Bộ cũng nên khuyến khích để tạo sự công bằng.

 

Cũng tại khoản 4 điều 8 (Liên thông trong đào tạo) Luật Dạy nghề qui định: "Bộ trưởng Bộ GD – ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở TƯ qui định việc thực hiện liên thông giữa trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với trình độ đại học cùng ngành nghề đào tạo". Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng quy định tại khoản 1,2 điều 38 (Giáo dục đại học) như sau: "Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ một năm rưỡi đến hai năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 4 đến 6 năm tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp; từ 2 năm rưỡi đến 4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành".

 

Như vậy, lý giải học sinh trung cấp nghề không đủ trình độ văn hóa để thi ĐH, CĐ có phần cảm tính. Và nếu thực hiện như vậy thì cũng có nghĩa là Luật Dạy nghề và Luật Giáo dục phải được sửa đổi. Điều đáng nói là mùa tuyển sinh 2009 sắp đến gần, hàng triệu học sinh trường trung cấp nghề kỳ vọng sẽ trở thành sinh viên đại học. Với dự thảo điều chỉnh nêu trên thì sự phân biệt giữa những người tốt nghiệp trung cấp nghề và những người tốt nghiệp các loại trung cấp khác khi dự thi vào ĐH, CĐ đã rõ ràng. Như vậy, sẽ không khuyến khích được người học nghề cũng như nhu cầu học cao lên của những học viên đã và sắp tham gia học nghề tại các trường nghề!

 

Vũ Dung (Theo Hà Nội mới)

Bình luận (0)