Khoa học - Công nghệ

Học sinh trung học làm quen với AI và mạng 5G

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 9-12, tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) hàng trăm học sinh và giáo viên đã tham gia chương trình kỹ năng với chủ đề: “Chuyển đổi số trong giáo dục: Kết nối kiến thức – mở rộng tầm nhìn”. Chương trình được tổ chức bởi Tạp chí Giáo dục TP.HCM và Mobifone, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân số trong kỷ nguyên công nghệ.

Đại diện Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhận bó hoa từ ban tổ chức

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng được chú trọng, sự kiện không chỉ giới thiệu các khái niệm mới mẻ mà còn đưa ra những ứng dụng thực tiễn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ trong học tập và cuộc sống.

Công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, đã và đang định hình mọi khía cạnh của đời sống, từ kinh doanh, y tế, đến giáo dục. Với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để thế hệ trẻ có thể tiếp cận nguồn tri thức không giới hạn, đồng thời phát triển các kỹ năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.

Học sinh hào hứng tham gia giao lưu và đặt câu hỏi về các nền tảng học tập trực tuyến

Trong chương trình, diễn giả Nguyễn Thị Huyền, giảng viên đào tạo của Tập đoàn Khoa học Công nghệ Bách Khoa, đã giới thiệu đến học sinh những ứng dụng thực tiễn của AI trong học tập. Chị chia sẻ: “AI không còn là khái niệm xa lạ. Giờ đây, các ứng dụng thông minh có thể giúp học sinh học ngoại ngữ hiệu quả hơn, giải đáp các thắc mắc hay hỗ trợ lập kế hoạch học tập. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cần được thực hiện có trách nhiệm. Nếu chỉ lạm dụng công cụ để giải bài tập mà không tư duy, học sinh sẽ mất đi cơ hội phát triển khả năng tự học”. Lời chia sẻ này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các em học sinh. Nhiều em đã đặt câu hỏi về cách ứng dụng các nền tảng học tập vào thực tiễn, đặc biệt là trong việc học ngoại ngữ.

Diễn giả Nguyễn Thị Huyền chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập với các em học sinh

Diễn giả Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc Khối CSKH Mobifone Hồ Chí Minh 4, đã giới thiệu về mạng 5G, một trong những công nghệ được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa giáo dục. Theo chị Tú, tốc độ truy cập nhanh chóng, khả năng kết nối ổn định của mạng 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, giúp học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu chỉ trong vài giây. Chị cho biết: “Với 5G, việc tham gia các lớp học trực tuyến, sử dụng ứng dụng học tập hay khai thác tài liệu học tập từ khắp nơi trên thế giới sẽ trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn bao giờ hết. Đây chính là công cụ mạnh mẽ giúp các em mở rộng tầm nhìn và làm chủ tri thức”.

Diễn giả Phan Thị Cẩm Tú giới thiệu về mạng 5G và những lợi ích vượt trội trong giáo dục

Trong phần giao lưu, em Thụy Vân, học sinh lớp 9/8, đặt câu hỏi về cách sử dụng các nền tảng học tiếng Anh để nâng cao hiệu quả học tập. Diễn giả Nguyễn Thị Huyền đã tận tình giải đáp: “Các em có thể sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch học tập, tạo ra các bài tập thực hành hoặc tìm kiếm lời giải thích cho những nội dung khó hiểu. Ngoài ra, các phần mềm học tiếng Anh như Duolingo, Elsa Speak hay Grammarly sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc luyện phát âm, ngữ pháp và từ vựng”.

Không khí giao lưu sôi nổi khi các học sinh khác cũng mạnh dạn nêu lên những thắc mắc và ý kiến về việc áp dụng công nghệ vào học tập. Nhiều em thể hiện sự tò mò về cách công nghệ có thể giúp mình học hiệu quả hơn, từ việc quản lý thời gian đến tiếp cận các tài liệu học tập phong phú.

Chương trình với sự tham dự của đông đảo học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi

Chương trình không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho học sinh về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Ban tổ chức còn chuẩn bị các phần quà nhỏ xinh dành tặng cho các em học sinh tham gia, tạo thêm động lực để các em tích cực học hỏi và sáng tạo.

Trong kỷ nguyên số, giáo dục không còn gói gọn trong sách vở mà đã mở rộng ra toàn bộ thế giới với sự hỗ trợ của công nghệ. Chương trình không chỉ giúp học sinh tiếp cận các kỹ năng cần thiết mà còn xây dựng ý thức sử dụng công nghệ một cách lành mạnh và hiệu quả.

Các em học sinh nhận quà trong phần bốc thăm trúng thưởng

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các thế hệ trẻ – đặc biệt là học sinh trung học – cần được trang bị đầy đủ cả về kiến thức lẫn kỹ năng để sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai. Chương trình “Chuyển đổi số trong giáo dục” là một bước khởi đầu quan trọng, góp phần hình thành nên những công dân số đầy bản lĩnh và sáng tạo.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)