Sáng 16-12, Chương trình tư vấn kỹ năng “Chuyển đổi số trong giáo dục: Kết nối kiến thức – Mở rộng tầm nhìn” đã diễn ra tại Trường THCS Tam Đông 1, do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp Mobifone tổ chức. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho học sinh trung học tiếp cận các kỹ năng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần phát triển phong trào học tập và đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Chương trình thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia. Với chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục, mục tiêu chính là giúp học sinh nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, chương trình cung cấp những kỹ năng thiết yếu để học sinh trở thành công dân số, biết cách khai thác và ứng dụng công nghệ vào học tập hiệu quả.
Chương trình có sự tham dự của hai diễn giả uy tín là ông Lê Ngọc Hải, chuyên gia tâm lý kỹ năng, và bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc Khối Chăm sóc khách hàng Mobifone Hồ Chí Minh 4. Các phát biểu từ họ đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, thúc đẩy học sinh khai phá tiềm năng cá nhân thông qua các công cụ kỹ thuật số hiện đại.
Diễn giả Lê Ngọc Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ đúng cách trong học tập và cuộc sống. Ông chia sẻ: “Ngày nay, đa số chúng ta đều sử dụng điện thoại thông minh. Học sinh hãy biết ứng dụng AI và các nền tảng công nghệ để học tập hiệu quả, chứ không chỉ sử dụng cho mục đích giải trí”.
Ông còn chia sẻ đến học sinh về các phương thức học tập hiệu quả, như việc lên kế hoạch cho việc học, đặc biệt tận dụng khoảng thời gian sáng sớm (từ 4 giờ 30 đến 7 giờ) để học các môn đòi hỏi khả năng ghi nhớ cao. Buổi tối không phải là thời điểm tốt để học các môn đòi hỏi nhiều năng lượng tinh thần.
Trong khi đó, diễn giả Phan Thị Cẩm Tú tập trung vào việc giới thiệu mạng 5G và những ứng dụng thông minh phục vụ học tập. Bà nhấn mạnh: “Với mạng 5G, học sinh có thể truy cập nhanh chóng và mạnh mẽ các nền tảng AI, không lo bị giật lag. Điều này không chỉ giúp đảm bảo quá trình học tập trôi chảy và hiệu quả hơn mà còn cho phép học sinh kết nối nhiều thiết bị cùng lúc, tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ hiện đại trong việc học, nghiên cứu và sáng tạo nội dung”.
Trong buổi giao lưu, em Tấn Phát, học sinh lớp 9/1, đã chia sẻ về khó khăn trong việc học lịch sử. Em cảm thấy việc nhớ các cột mốc thời gian và sự kiện quá phức tạp.
Trước điều này, diễn giả Lê Ngọc Hải đã hướng dẫn: “Việc học lịch sử liên quan đến các mốc thời gian, vì vậy chúng ta nên vẽ sơ đồ tư duy, ghi tóm tắt các sự kiện chính, và phân nhóm các năm thành từng giai đoạn”. Lời khuyên này giúp học sinh hình thành phương pháp học chủ động, giản đơn hóa quá trình nhớ các thông tin phức tạp.
Ngoài những kiến thức bổ ích, học sinh tham gia chương trình còn nhận được các phần quà dễ thương từ ban tổ chức. Đây là cách thể hiện sự quan tâm và khích lệ tinh thần học tập của các em.
Chương trình “Chuyển đổi số trong giáo dục” không chỉ là một sự kiện chia sẻ kiến thức, mà còn là cơ hội để học sinh nhìn nhận rõ hơn về vai trò của công nghệ trong cuộc sống hiện đại. Đây là bước điểm quan trọng giúp học sinh chuẩn bị hành trang bước vào thời đại số, tự tin khám phá thế giới tri thức và phát triển bản thân.
Thủy Phạm
Bình luận (0)