Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh trường làng sáng chế máy hút rác

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo và bạn bè xem em Nguyễn Duy Tâm điều khiển máy hút rác
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, dù không có điều kiện học tập tốt, nhưng em Nguyễn Duy Tâm (học sinh (HS) lớp 11A Trường THCS và THPT Sơn Giang, huyện Sông Hinh) nhiều năm liền đạt danh hiệu HS giỏi và đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, trong đó có giải nhất tháng cuộc thi Sáng tạo học trò, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Ý tưởng đến rất tình cờ
Tôi tìm đến nhà em Tâm để tận mắt xem mô hình chiếc máy hút rác do em chế tạo từ những đồ vật bỏ đi, giúp em đoạt giải nhất tháng cuộc thi Sáng tạo học trò với suất học bổng trị giá 300 USD. Căn nhà cấp 4 lụp xụp, bên trong không có vật dụng gì đáng giá. Bà Nguyễn Thị Thu Nga – mẹ của Tâm, đang ở TP.HCM làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống gia đình; còn ba em – ông Nguyễn Phước Đoạt thì ở nhà làm nghề mộc.
Chiếc máy hút rác do Tâm chế tạo cao 15cm, dài 40cm. Sườn máy làm bằng bìa giấy các tông cứng. Máy có 3 bộ phận: Phần đầu gồm bánh trước, nam châm vĩnh cửu, cánh quạt, bộ phận chứa rác và đèn báo; phần thân gồm thiết bị chuyển hướng, bánh chà bằng xốp dép; phần đuôi máy gồm 2 viên pin điện thoại di động loại 4,7V và bánh xe. Tốc độ di chuyển của máy khoảng 1,7km/giờ (tương đương 0,5m/giây) và có thể hoạt động trong 3 giờ liền. Tâm cho biết: “Nguyên lý hoạt động của máy dựa trên nguyên tắc khí động lực học. Khi cánh quạt xoay, áp suất phần trên cánh quạt giảm, phần không khí bên dưới tràn lên trên cuốn theo rác và đưa vào một bình chứa ở phía sau máy. Thiết bị tự chuyển hướng giúp máy nâng lên khi gặp vật cản, bánh chà giúp máy chuyển động theo nhiều hướng khác nhau và đặt máy xuống đất tiếp tục chạy. Bộ điều khiển của máy bằng tay giúp người sử dụng có thể dễ dàng chuyển hướng theo ý muốn thông qua 2 công tắc”. Tuy nhiên, theo Tâm, máy còn nhược điểm là chỉ có thể hút rác bẩn, kim loại mà chưa thể hút được bụi li ti. Em đang nghiên cứu thêm để máy có thể hút được bụi bẩn dù là nhỏ nhất.
Khi tôi hỏi tại sao em nghĩ đến việc chế tạo máy hút rác bằng những phế phẩm, em nói hàng ngày, sau giờ học thấy bác bảo vệ kiêm tạp vụ đi nhặt rác ở sân trường. Bác già nên rất khó khăn để khom người xuống nhặt rác. Thấy bác bảo vệ dùng một cây gỗ có tra cái cọc nhọn ở đầu để thu gom rác cho đỡ đau lưng, nên em nghĩ “sao mình không làm một chiếc máy để giúp những người như bác ấy đỡ tốn sức”. Thế là em quyết tâm làm bằng được chiếc máy hút rác này. Còn về chất liệu làm ra chiếc máy, Tâm cho biết có lẽ là do “trong cái khó ló cái khôn”, vì em không có tiền mua những thứ mà mình cần để làm ra chiếc máy, nên mới tận dụng những thứ mà người khác đã bỏ đi. Để hoàn thành chiếc máy này, em tìm đến các tiệm sửa chữa điện thoại xin hoặc mua các thiệt bị điện tử đã bỏ đi với giá rẻ và dùng những ống nhựa để làm các bộ phận khác của máy.
Tâm cho biết thêm, sau khi chế tạo chiếc máy hút rác, em còn chế tạo máy bắt côn trùng, máy phơi quần áo. Cả hai chiếc máy này đang được em cho hoạt động thử nghiệm tại gia đình và khắc phục những nhược điểm trước khi “trình làng” với thầy cô, bạn bè…
Tôi sẽ tiếp sức cho Tâm
Cô Lê Thị Duy Thảo, phụ trách bộ môn vật lý của Trường THCS và THPT Sơn Giang, nhận xét: “Tâm rất thông minh, khi giáo viên hướng dẫn làm một sản phẩm nào đó phục vụ việc học tập thì em là người đầu tiên nộp bài. Tâm rất ham học hỏi, trong tiết học nếu có vấn đề gì chưa hiểu thì em mạnh dạn trao đổi với thầy cô để làm rõ. Em từng đoạt giải nhì thi lý thuyết môn vật lý cấp huyện và giải nhì thi thí nghiệm thực hành môn vật lý cấp tỉnh năm học 2011-2012”.
Theo thầy Bùi Thanh Phúc, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Sơn Giang, máy hút rác do Tâm chế tạo rất ấn tượng, cho thấy những trăn trở của em trước thực tiễn của cuộc sống. Không phải học sinh nào học giỏi cũng làm được điều này, nếu bản thân không có sự quan sát cuộc sống xung quanh. “Tâm thường đến tiệm điện tử của tôi hỏi về những vật liệu phục vụ cho ý tưởng sáng tạo của mình”, thầy Phúc cho biết. Còn thầy Trần Hoàng Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sắp tới trường sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí và phân công giáo viên giúp đỡ để em biến những ý tưởng đang ấp ủ bấy lâu nay trở thành hiện thực, sau đó trường sẽ gửi sản phẩm của em tham dự các cuộc thi.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)
Thấy bác bảo vệ dùng một cây gỗ có tra cái cọc nhọn ở đầu để thu gom rác cho đỡ đau lưng, nên em nghĩ “sao mình không làm một chiếc máy để giúp những người như bác ấy đỡ tốn sức”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)