Để “sức bật” của HS vươn xa, GV cần hiểu rõ sự thay đổi tâm lý của các em trong môi trường học mới |
Hiện nay, không ít phụ huynh học sinh (HS) lo ngại, tại sao ở lớp dưới HS học rất giỏi, có điểm trung bình môn đạt cao, nhưng khi lên lớp trên thì sức học… đuối dần.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2008-2009, số HS lớp 9 đạt khá giỏi là 57,67%, nhưng khi vào lớp 10 (năm học 2009-2010) tỉ lệ này chỉ còn khoảng 38% (giảm gần 20%).
Nguyên nhân từ đâu?
Hầu hết những giáo viên (GV) mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng hoàn toàn không có chuyện HS học kém dần theo bậc đào tạo mà chỉ là do khi chuyển cấp, các em chưa nắm bắt kịp thời môi trường mới, phương pháp, chương trình dạy học mới nên mới xảy ra tình trạng trên.
Cô Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chia sẻ: “Ở bậc tiểu học, các em thường được thầy cô cầm tay chỉ việc, chẳng hạn như viết chữ chưa đẹp thì được GV cầm tay nắn nót viết lại. Còn ở bậc THCS, GV chỉ chia sẻ thông tin để HS tự tư duy, khám phá. Hơn nữa, số lượng môn học ở bậc học dưới thường ít hơn: ở tiểu học chỉ có một GV giảng dạy suốt một năm học nên kịp thời nắm bắt được khả năng tiếp thu của từng em để điều chỉnh; còn ở bậc THCS học đến 12, 13 môn, mỗi môn có một GV giảng dạy nên các em thường ngỡ ngàng với cách học mới. Vì thế, phải cần một thời gian ổn định cho các em nắm bắt phương pháp mới để học tốt hơn”.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) cho rằng: “Kết quả học tập của một số HS bị yếu hơn so khi học ở lớp dưới hoàn toàn không phải do chương trình đào tạo mà là do các em chưa nắm bắt kịp thời phương pháp học cũng như môi trường mới”.
ThS. Trịnh Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), khẳng định: “Hiện nay, chương trình sách giáo khoa quá nặng và ôm đồm đủ thứ nên HS không có thời gian cho sự vui chơi, tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu… Cách dạy, cách học, cách thi hiện nay rất khó phát huy khả năng sáng tạo cho người học. Ở độ tuổi HS, não phát triển rất mạnh, đáng lẽ phải được tự do bay bổng, tư duy sáng tạo thì lại nhường chỗ cho học thuộc bài, vì lối dạy đọc – chép của thầy cô, từ đó tạo đường mòn cho HS tiếp thu theo kiểu “ghi âm tri thức”.
Cần nắm bắt kịp thời tâm lý HS
Để HS không phải bỡ ngỡ trước môi trường mới, môn học mới, cách giảng dạy mới, ThS. Trịnh Văn Anh cho rằng: “Phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp cho tất cả các bậc học để đẩy lùi hiện tượng HS học kém dần theo bậc học từ bậc mầm non đến phổ thông; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy các trường dạy học theo phương pháp tích hợp để phát huy tính tích cực học tập và sáng tạo của HS. Ngoài ra cần xây dựng lại chương trình, giảm bớt các tiết học không cần thiết… Đặc biệt là đẩy mạnh việc quản lý các trường mầm non dạy cho trẻ biết chữ trước khi vào lớp 1”.
Thông thường, ở buổi đầu tiên của năm học mới, GV thường hướng dẫn HS phương pháp học tập môn học mới và giới thiệu đặc trưng của bộ môn. Tuy nhiên, theo cô Hoàng Thị Lê An, đây chỉ là bước khởi đầu giúp HS nắm bắt chương trình. GV ngoài việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì cần phải được trang bị thêm kiến thức về kỹ năng sống của HS để nắm bắt kịp thời tâm lý HS ở thời điểm các em chuyển cấp. Khi đã nắm bắt được tâm lý HS GV sẽ kịp thời có những biện pháp giúp các em học tập tốt hơn. Ngoài ra, HS phải tự điều chỉnh thời gian học tập sao cho hợp lý, khoa học thì chắc chắn sẽ nhanh chóng tiếp thu bài một cách thuận lợi.
Nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại cũng là biện pháp giúp cho việc dạy và học đạt hiệu quả hơn. ThS. Trịnh Văn Anh nhận định: “Các trường phổ thông ngoài việc củng cố đội ngũ GV thì cần phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Chúng ta muốn cải cách giáo dục, muốn thay đổi phương pháp giảng dạy thì phải thay đổi phương tiện giáo dục. Tuy nhiên, không phải cứ ứng dụng và lạm dụng CNTT là đổi mới. Đổi mới không chỉ là cải tiến cách giảng mà còn cải tiến cả cách tổ chức quá trình giảng dạy như tăng số giờ thực hành, dành thời gian hướng dẫn HS tự học, tự đọc sách… để phát huy tư duy sáng tạo của HS, giúp các em phát huy được “phong độ” học tập của mình”.
Bài, ảnh: Dương Bình
HS phải tự điều chỉnh thời gian học tập hợp lý, khoa học thì chắc chắn sẽ nhanh chóng tiếp thu bài một cách thuận lợi. |
Bình luận (0)