Các tác phẩm sân khấu hóa lịch sử đưa vào trường học đã mang đến một làn gió mới trong việc dạy và học môn lịch sử ở nhiều trường THPT tại TP.HCM, được học sinh hào hứng đón nhận.
Nhân vật lịch sử… bước ra ngoài trang sách
“Vững chí bền gan, ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng vẫn chông gai”. Bài thơ nổi tiếng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai âm vang hào hùng khắp sân Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8). Bên dưới sân khấu, ánh mắt các em học sinh nhòe đi, nhiều tiếng sụt sùi vang lên… Đây là không khí của buổi biểu diễn vở kịch “Câu hò đất mẹ” tổ chức ở sân trường.
Vở diễn kể về cuộc đời của vợ chồng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Bước ra ngoài trang sách, những bài học lịch sử, nhân vật lịch sử hiện lên trong đời thực thật sống động. Ở đó tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường vì độc lập, tự do của dân tộc của người chiến sĩ cách mạng chính là ngọn lửa soi đường, thôi thúc và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mỗi học sinh. Ngô Hồng Ngọc (học sinh lớp 12 của trường) xúc động trước các phân cảnh, lời thoại trong vở kịch, lột tả sự hy sinh và tinh thần đấu tranh quật cường của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, dù trong ngục tối ở Côn Đảo với những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Hồng Ngọc cho biết thông qua vở kịch, những bài học lịch sử không hề phải vất vả để ghi nhớ mà đi vào trong tiềm thức một cách tự nhiên, gây xúc động mạnh mẽ với mỗi học sinh. “Không chỉ dừng ở kiến thức lịch sử, qua các hình ảnh, âm thanh, những mất mát, hy sinh của giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc được tái hiện. Khi học lịch sử bằng hình thức này, chúng em thấy việc học rất thú vị, ý nghĩa”, Hồng Ngọc nói.
Thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cũng vừa trải qua những cung bậc đầy cảm xúc khi xem vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”. Tác phẩm là câu chuyện xúc động về hành trình của một đội du kích thiếu nhi trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Được giao nhiệm vụ cao cả là tìm kiếm và bảo vệ bức chân dung Bác Hồ – biểu tượng thiêng liêng của niềm tin cách mạng, các em đã phải vượt qua muôn vàn gian khó, đối mặt với hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Qua góc nhìn trong sáng của thiếu nhi miền Nam, hình ảnh Bác Hồ hiện lên như một người cha vĩ đại, giàu lòng yêu thương nhưng cũng là nguồn cảm hứng lớn lao cho tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân Việt Nam. Tác phẩm không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà còn để lại bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ. Đây là một vở kịch cực kỳ ý nghĩa, mang đậm tính giáo dục và lay động sâu sắc cảm xúc của người xem. Những phân cảnh xúc động của vở kịch đã khiến nhiều học sinh không kìm được nước mắt.
“Với bất kỳ người Việt Nam nào thì hình ảnh Bác Hồ đều gần gũi, thiêng liêng. Riêng với học sinh TP.HCM, tình cảm đó còn được nhắc nhớ với niềm tự hào đó là được sinh sống và học tập tại thành phố mang tên Bác. Những tình cảm này đều được thể hiện qua nhiều bài học lịch sử nhưng qua vở kịch được tái hiện một cách chân thực, đầy cảm xúc. Qua đó, em và các bạn thêm yêu và tự hào về chiều dài lịch sử dân tộc, về Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tự hào khi mình được học tập ở TP.HCM”, Quốc Ngọc (học sinh lớp 11 của trường) bày tỏ.
Thúc đẩy đổi mới dạy và học lịch sử
Cô Vũ Thị Toan (giáo viên môn lịch sử tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) cho biết, hiện nay thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một trong những hình thức đổi mới môn học luôn được tổ bộ môn và giáo viên chú trọng đó là sân khấu hóa. Thông qua việc sân khấu hóa, học sinh được trực tiếp tham gia vào xây dựng bài học, chủ động tìm hiểu kiến thức, từ đó các em yêu thích hơn với môn học. “Giáo viên thường sẽ lựa chọn những phân cảnh nhỏ trong một bài học lịch sử để tổ chức cho học sinh sân khấu hóa. Với chương trình mới, giáo viên có thuận lợi là được chủ động về thời gian chứ không còn cứng nhắc đóng khung trong số tiết như trước đây, vì vậy, việc sân khấu hóa nếu được thực hiện một cách phù hợp, có tính toán thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường”, cô Toan chia sẻ.
Cô Toan cho rằng cần nhiều hơn nữa những chương trình sân khấu lịch sử đưa về trường học, bởi không những hỗ trợ công tác dạy và học lịch sử trong nhà trường mà còn như một làn gió mới để học sinh được tiếp cận với lịch sử theo một hướng hoàn toàn khác khi giáo viên giảng dạy trên lớp.
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Tổ trưởng Tổ lịch sử của Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8), môn lịch sử trong trường phổ thông có sứ mệnh rất lớn trong giáo dục học sinh hiểu về các giá trị dân tộc, quá trình dựng nước, giữ nước, cội nguồn và những cột mốc đáng ghi nhớ. Học lịch sử không chỉ giúp học sinh về những kiến thức mà còn giúp các em định vị được bản thân, hình thành ý thức xây dựng giá trị bản thân. Vì vậy, làm thế nào để học sinh yêu thích môn học lịch sử, chủ động tìm hiểu môn học và say mê là trách nhiệm của mỗi giáo viên, nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
“Song song với việc đổi mới phương thức dạy và học ở mỗi nhà trường thì cần hơn nữa sự chung tay của các đơn vị liên quan, có thể xây dựng nhiều hơn nữa những tác phẩm sân khấu hóa các nhân vật, câu chuyện lịch sử để đưa vào nhà trường, trở thành tư liệu để hỗ trợ trong công tác dạy và học lịch sử của trường. Đặc biệt, có thể thấy với hình thức sân khấu hóa, học sinh đã tiếp cận với môn học một cách rất hứng thú, say mê và tự nhiên, không hề phải khiên cưỡng hay hô hào”, cô Hoa phân tích.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)