Mong mỏi về năm mới 2024 an lành, hạnh phúc, em N.T.A. (học sinh lớp 11) gửi lời ước ao: “Mừng xuân Giáp Thìn hai không lẻ bốn/ Cầu mong nơi nơi chốn chốn an lành/ Cha mẹ, thầy cô tràn đầy sức khỏe/ Học trò chăm chỉ rạng tỏ công danh…!”.
Học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM tham gia trò chơi trong hội trại xuân. Ảnh: N.T
Lời chúc trên là một trong vô số những gửi gắm, ước nguyện của học sinh mà chúng tôi “thu hoạch” được khi thực hiện khảo sát “bỏ túi” với học sinh – để hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của các em – khi Tết Giáp Thìn 2024 cận kề.
“Em ước mong mọi người đều có… Tết!”
Các câu hỏi khảo sát mà chúng tôi đưa ra là: “Cho biết cảm nhận của bạn về Tết dân tộc?”, “Điều mà bạn mong ước nhất trong ngày Tết là gì?”… Câu trả lời được nhiều học sinh gửi gắm nhất là cầu chúc cho mọi người đều có niềm vui Tết. Một học sinh chia sẻ: “Em chúc gia đình, ông bà, ba mẹ em thật nhiều sức khỏe, bình an trong cuộc sống”. Nhiều em cho biết điều quý giá nhất với mọi người là có được sức khỏe tốt. Lời cầu chúc này xuất phát từ bối cảnh thực tế gia đình nhiều em sức khỏe không được tốt, nhất là đã trải qua một giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, “hậu Covid-19”.
Niềm vui “được về quê đón Tết, được thăm bà con, họ hàng…” là ước mong của hầu hết học sinh khi được khảo sát. Điều này cho thấy ý thức của các em rất rõ ràng về ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc, là “Tết của đoàn viên”, “Tết của sum vầy”. Một học sinh viết: “Ước mong của em là được về thăm ông bà nội. Nội em quê ở Đồng Nai, năm nào cứ Tết đến là gia đình em đều về dự tiệc tất niên cuối năm. Em thích nhất là được vui chơi cùng anh chị em họ hàng”. Nhiều em quê ở xa hơn, tận miền Trung, nên mong ước về quê da diết hơn. Một nữ sinh viết: “Em mong ước như thế vì nhiều năm rồi gia đình em chưa được về quê, chưa được tụ họp…”.
Có những mong ước rất giản dị, hồn nhiên tuổi học sinh như được nhận nhiều tiền lì xì, được ăn những món ngon ngày Tết do mẹ nấu, được đi du lịch, học tập tiến bộ hơn, và giảm cân vì… sợ béo phì! Song, cũng có những mong ước tràn đầy cảm xúc, thể hiện tình cảm sâu nặng, giàu lòng tri ân. Em N.K.B. thổ lộ: “Em mong muốn ba mẹ, bác và anh hai của em ngày càng khỏe mạnh. Vì ba mẹ, bác em cũng lớn tuổi rồi. Sắp tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải làm việc vất vả. Anh hai em làm việc rất nhiều để có tiền đóng học cho em. Em mong rằng anh hai có thời gian để đi chơi cùng bạn bè…”. Một học sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt, ba mẹ ly dị, phải sống cùng người chị, chia sẻ trong ngậm ngùi: “Mong ước lớn nhất đối với em trong ngày Tết là ba mẹ gặp gỡ nhau, nói chuyện với nhau trong không khí thân mật, dù chỉ một lần!”.
Bên cạnh những ước mong ngô nghê, hồn nhiên tuổi học sinh, còn có những lời mong ước chín chắn, già dặn của học sinh, thể hiện sự cảm nhận cuộc sống nhân văn, sâu sắc, thấm đẫm tình người của các em. Em T.Vi cầu mong: “Những người vô gia cư sẽ có cái Tết ấm cúng và các trẻ em mồ côi cũng được quan tâm, chăm sóc, để đón một cái Tết hạnh phúc, an lành…”. Trong khi đa số học sinh mong muốn có những niềm vui xuân từ người khác mang đến cho mình, thì có học sinh suy nghĩ ngược lại, trách nhiệm bản thân để đem đến niềm vui cho người khác. Một học sinh nam đã chia sẻ 3 điều mong ước như sau: “Xóa nỗi buồn năm cũ đầy biến động, đón chào năm 2024 thật mới và thật khác; mang niềm vui đến với mọi người nhiều hơn; mong có cơ hội trở thành nguồn động viên cho nhiều người, bạn bè…”.
Mùa xuân thì luôn tuần hoàn theo quỹ đạo của thời gian, còn tuổi học sinh thì luôn tươi mới mỗi độ Tết đến xuân về. Qua những ước mong trên giúp chúng ta hiểu thêm cảnh ngộ riêng của nhiều em, thấy được tình cảm của các em với gia đình, họ hàng… Hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của các em, của tuổi trẻ hiện nay với Tết dân tộc.
Nhà trường cần làm gì để học sinh có Tết?
Hầu hết các địa phương đều đã có kế hoạch về thời gian nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Có nơi khá nhiều ngày, như TP.HCM nghỉ hơn 2 tuần lễ. Với khoảng thời gian trên dưới 10 ngày ấy, nếu nhà trường không có sự tổ chức thì các ngày Tết của học sinh sẽ trở nên nặng nề, vô vị, mất hết ý nghĩa.
Tâm lý chung của giáo viên là lo lắng, vì sau khi kết thúc học kỳ I là cận kề với nhiều lễ hội, học sinh phổ thông thường có tâm lý “nghỉ xả hơi”, “rã đám” sớm. Cùng với đó, sau Tết vào, các em bắt nhịp lại với việc học khá chậm chạp. Cho nên đa số giáo viên thường giao bài tập về nhà trong dịp Tết cho học sinh, nhất là các lớp cuối cấp. Có trường còn lên kế hoạch là đồng loạt kiểm tra 15 phút tất cả các môn học ngay tuần đầu tiên sau Tết. Điều này làm cho học sinh không vui, vì vừa đón Tết vừa lo việc học. Khảo sát mong mỏi của học sinh, chúng tôi thấy hầu hết các em đều mong muốn có một cái Tết… không có bài tập!
Vì vậy, nhà trường và giáo viên không nên quá nặng nề việc học với các em, mà nên dung hòa ở mức độ hợp lý. Để học sinh có niềm vui Tết và Tết có ý nghĩa với các em, nhà trường nên có các hoạt động về Tết cổ truyền. Giáo viên chủ nhiệm có thể cho các em trang trí cảnh Tết trong không gian lớp học. Hiện nay nhiều trường tổ chức hội trại xuân cho học sinh vào dịp giáp Tết. Tuy nhiên cách làm chưa có chiều sâu, tốn kém, còn cảnh ăn uống xô bồ, mà chưa làm sống lại vẻ đẹp văn hóa của Tết cổ truyền cho học sinh tham dự.
Giáo viên dạy văn của một trường THPT khi đến phần văn thuyết minh đã giao bài tập rất “đậm đà không khí Tết” cho học sinh của mình. Đó là thầy yêu cầu mỗi học sinh chế biến ít nhất 2 sản phẩm (handmade) nào đó để tặng người thân của mình trong dịp Tết. “Trước khi giao việc, tôi đã cho các em xem rất nhiều clip về các cách thực hiện, như cách làm thịt kho tàu, cách chế biến dưa món, kem chuối, hoa giấy…”, giáo viên này cho biết. Thiết nghĩ, theo như cách giao bài tập ấy của thầy dạy văn, chẳng hạn, nếu giáo viên dạy sử giao bài tập cho học sinh về việc sưu tầm nét đẹp của Tết cổ truyền ở địa phương mình; giáo viên dạy môn sinh giao bài tập về chế độ dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý trong các ngày Tết… thì sẽ thiết thực, bổ ích biết bao!
Nhiều trường không giao bài tập về nhà trong dịp Tết
Thời gian qua có nhiều ý kiến bất đồng từ dư luận, báo chí về việc giáo viên giao nhiều bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh. Lãnh đạo nhiều trường đã quán triệt tinh thần không giao bài tập về nhà trong dịp Tết. Có trường THPT tại quận Tân Phú (TP.HCM) còn phát đi thông báo đến toàn thể giáo viên trong trường: Để học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đón xuân, đề nghị tất cả giáo viên nhà trường không giao bài cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào như bài tập, dự án, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập… Và bằng bất cứ phương tiện nào, trực tiếp hay qua internet…
Theo quan điểm của nhiều trường và giáo viên trước đây, việc giao bài tập cho học sinh là cách giúp các em không xao nhãng việc học, “vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”. Thậm chí nhiều trường còn lên kế hoạch kiểm tra các ngày cận trước và sau Tết để hạn chế học sinh nghỉ học. Vì thế, hệ quả là cứ Tết đến là học sinh ám ảnh bài tập về nhà, các bài kiểm tra. Và thế là Tết… hết vui!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)