Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Học sinh vẫn cố tình đi xe máy phân khối lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ tan trường, không khó để bắt gặp nhiều học sinh điều khiển xe máy trên 50 cm3, nhiều em còn kẹp ba, không đội nón bảo hiểm. Ngoài đường, bạn đọc có thể thấy nhiều em mang đồng phục học sinh nhưng chạy xe máy trên 50 cm3.

Giờ tan trường, không khó để bắt gặp nhiều học sinh điều khiển xe máy trên 50 cm3, nhiều em còn kẹp ba, không đội nón bảo hiểm. Ngoài đường, bạn đọc có thể thấy nhiều em mang đồng phục học sinh nhưng chạy xe máy trên 50 cm3.

Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên từ cơ quan chức năng và trường học, học sinh (HS) vẫn cố tình đi xe phân khối lớn đến trường. Đáng nói, cha mẹ biết con điều khiển xe như vậy là vi phạm luật an toàn giao thông vẫn giao xe cho con, bất chấp hậu quả đáng tiếc.

Tuyên truyền tới tận trường học

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM (PC08) có nhiều hoạt động tuyên truyền đến HS các trường học.

Ví dụ trong tháng 9.2022, Đội cảnh sát giao thông Bến Thành đã thực hiện cao điểm tuyên truyền và xử lý vi phạm đối với HS, sinh viên trên địa bàn đảm trách. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THPT Ernst Thälmann và Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 tổ chức tuyên truyền cho HS cũng như phụ huynh chấp hành nghiêm pháp luật giao thông tại các khu vực cổng trường học theo mô hình “cổng trường an toàn”, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của người dân.

Hay như cuối tháng 8 vừa qua, cán bộ đội tuyên truyền của PC08 cũng đã tới trường học tại H.Cần Giờ, trực tiếp hướng dẫn các HS về quy tắc tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông…

Thực tế học sinh chấp hành như thế nào ?

Trưa ngày 27.9, phóng viên có mặt trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM gần cổng Trường THPT Trần Khai Nguyên chứng kiến các cán bộ chiến sĩ trong Đội cảnh sát giao thông Chợ Lớn tuần tra, kiểm soát, xử lý HS vi phạm về độ tuổi HS điều khiển xe, mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định và các hành vi vi phạm khác. Tại đây, nhiều HS đi xe máy trên 50 cm3 đã bị lập biên bản xử phạt, niêm phong – tạm giữ xe máy.

Học sinh vẫn cố tình đi xe máy phân khối lớn - ảnh 1

Học sinh đi xe máy trên 50 cm3 bị kiểm tra, xử phạt trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM. THÚY HẰNG

Nam sinh N.M.K, 16 tuổi, HS Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, điều khiển xe máy trên 50 cm3 bị lập biên bản xử phạt, tạm giữ xe máy. Khi được phóng viên hỏi: “Em có thường xuyên đi xe máy này đi học, hay hôm nay mới đi và bị kiểm tra, xử phạt?”. K. nói: “Em đi suốt, nay em bị xui thôi”. K. cũng cho biết: “Xe này của ba em. Ba em cho em đi, nhưng chỉ cho đi gần, từ trường về nhà thôi”.

Một nam sinh 16 tuổi khác, là HS Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), tên D.T.P cũng bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt, tạm giữ xe máy. Đáng chú ý, khi kiểm tra, nam sinh này không có giấy phép lái xe, không xuất trình được giấy đăng ký xe và thẻ căn cước công dân, hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên trong các ngày 21, 22, 23 và 26.9 tại khu vực đường Trương Phước Phan, P.Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) và đường Nguyễn Trường Tộ (Q.4, TP.HCM) ghi nhận nhiều trường hợp HS vi phạm luật an toàn giao thông như đi xe loại trên 50 cm3, có HS còn không đội nón bảo hiểm…

Cha mẹ giao xe cho con cũng vi phạm !

HS không thể có xe máy, dù dưới hay trên 50 cm3 để điều khiển đến trường nếu như không có sự cho phép của cha mẹ, người thân, chủ xe.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Nếu cha mẹ/chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm Đ khoản 5 điều 30 Nghị định 100/2019 với số tiền bị phạt từ 800.000 – 2 triệu đồng”.

Sáng 26.9, xem hình ảnh HS của nhà trường đi xe trên 50 cm3 do phóng viên chụp được, ông Nguyễn Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, cho biết nhà trường thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở về luật an toàn giao thông tới HS, phụ huynh. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa được tổ chức mỗi tuần, tháng, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp cũng thường xuyên trao đổi với HS và cha mẹ các em, nhắc nhở các quy định…

Tuy nhiên, theo ông Nam, nhà trường rất nỗ lực, nhưng phần còn lại là ý thức của HS và cả phụ huynh: “Tôi rất mong HS tuân thủ. Đặc biệt mong các bậc phụ huynh hiểu sự nguy hiểm khi cho con đi xe trên 50 cm3, cùng hợp tác, nhắc nhở con em, kiên quyết không cho con đi xe trên 50 cm3”.

Một cô giáo trong ban giám hiệu tại một trường THPT tại TP.HCM tha thiết: “Chúng tôi mong cha mẹ kiên quyết không giao xe máy, không cho con chạy xe máy trên 50 cm3 khi con chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Vì nếu cứ chiều con, giao xe cho con, các con thì “lách” bằng việc gửi xe bên ngoài rồi mới vào trường thì mọi nỗ lực của các bên trong việc giáo dục các em tuân thủ luật an toàn giao thông rất khó thành!”.

Luật sư Lê Trung Phát cho biết theo quy định tại điều 60 luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên, được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

Theo Thúy Hằng/TNO

 

Bình luận (0)