Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh vào bếp trổ tài làm trà, salad trong giờ khoa học tự nhiên

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh vào bếp trổ tài làm trà, salad trong giờ khoa học tự nhiên - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Học sinh vào bếp trổ tài làm trà, salad trong giờ khoa học tự nhiên Audio

Tự tay vào bếp trổ tài làm trà kombucha, salad tôm là những trải nghiệm đầy thú vị, độc đáo trong tiết khoa học tự nhiên bài Acetic Acid của học sinh lớp 9/3, Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1).

Cô Trần Kim Dung cùng học sinh “vào bếp” trong giờ học khoa học tự nhiên    

Không diễn ra trong lớp học truyền thống, tiết học được tổ chức tại không gian sân trường.

Học sinh lớp 9/3 được chia thành 4 nhóm, các nhóm cùng nhau “vào bếp”, trổ tài làm trà kombucha, làm giấm, làm salad tôm…

Học sinh làm món trà kombucha trong giờ học

Cô Trần Kim Dung – giáo viên khoa học tự nhiên, Trường THCS Võ Trường Toản – cho hay, tiết học trải nghiệm giờ khoa học tự nhiên trong bài về Acetic Acid lần đầu được cô mạnh dạn tổ chức, với mong muốn học sinh được trải nghiệm nhiều hơn.

Cô trò có thời gian 3 tuần cùng chuẩn bị, bao gồm các công đoạn từ nghiên cứu kiến thức bài học, phân công công việc, các nhóm cùng thực hành…

Hoạt động tự tìm hiểu kiến thức theo nhóm

Trước khi thực hiện những hoạt động trong tiết học, học sinh đã được thực hành trước tại nhà thông qua các hoạt động giáo viên giao trên K12 Online. Từng nhóm sẽ cùng nhau làm việc, tìm hiểu bài, ghi lại quá trình hoạt động của nhóm mình để giáo viên theo dõi, hướng dẫn và đánh giá. Đồng thời học sinh cũng được đánh giá lẫn nhau.

Theo cô Dung, kiến thức bài học về Acetic Acid rất gần gũi, thông dụng với cuộc sống, vì Acetic Acid là thành phần chính trong giấm ăn ngoài nước. Học sinh có thể bắt gặp Acetic Acid trong các món ăn, đồ uống hàng ngày. Do vậy, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm làm món ăn, thức uống trong tiết học không chỉ giúp các em hình dung kiến thức một cách dễ dàng, đơn giản mà thông qua đó còn trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như vào bếp, nấu món ăn, lựa chọn thực phẩm, dinh dưỡng…

Học sinh tự tin trình bày cách làm trà

“Chương trình GDPT 2018 hướng tới việc học thông qua trải nghiệm; qua các hoạt động, học sinh vừa nắm được kiến thức, vừa có cơ hội được thực hành nhiều hơn, vận dụng những kiến thức bài học để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Khi tổ chức thành các hoạt động trải nghiệm, học sinh được trực tiếp bắt tay vào làm, biết vận dụng các kiến thức học trên lớp vào đời sống, đồng thời học được nhiều kỹ năng hữu ích để có thể học tiếp ở bậc học cao hơn” – cô Kim Dung nói.

Cùng các bạn bày biện trái cây, đồ nghề bếp trong tiết học để làm món trà kombucha, Nguyễn Tú Minh – học sinh lớp 9/3 – chia sẻ đây là tiết học khoa học tự nhiên thú vị nhất mà bản thân được học khi ngay trong giờ khoa học tự nhiên đầy khô khan lại có thể vào bếp trổ tài món ăn.

Thành quả món trà kombucha do học sinh làm

“Khoa học tự nhiên là một môn học với rất nhiều kiến thức gắn với đời sống, song nếu chỉ học từ lý thuyết, sách vở thì lại rất khô khan, khó hiểu. Thế nhưng, khi được học thông qua chính những trải nghiệm như việc được vào bếp trổ tài làm trà – thức uống có sử dụng chất lên men có liên quan đến kiến thức bài học – lại giúp cho giờ học cực kỳ thú vị, dễ hiểu. Không những thế, với cách học này, em còn học được thêm nhiều kỹ năng. Sau giờ học hôm nay, cuối tuần em sẽ vào bếp trổ tài làm trà kombucha cho ba mẹ thưởng thức” – Tú Minh hào hứng.

Đa dạng các trải nghiệm phù hợp với bài học

Theo cô Trần Kim Dung – giáo viên khoa học tự nhiên, Trường THCS Võ Trường Toản, để có thể lên được một tiết học trải nghiệm đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu bài thật kỹ bài học. Tùy từng bài, với từng đơn vị kiến thức, giáo viên sẽ chọn lọc các hình thức trải nghiệm phù hợp. Không phải với bài học nào cũng có thể tổ chức những hoạt động trải nghiệm thực tế bởi còn phụ thuộc vào tính vận dụng, sự gần gũi với học sinh cũng như thời gian thực hiện.

“Với môn khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ cho học sinh nghiên cứu bài học thông qua hệ thống học tập trực tuyến. Trên lớp, giáo viên vẫn sẽ áp dụng các phương thức dạy học tích cực, ứng dụng CNTT để mang đến những trải nghiệm trực quan, sinh động cho học sinh trong giờ học. Riêng các hoạt động trải nghiệm sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức bài học và vận dụng vào cuộc sống, tự tay hoàn thành các sản phẩm…”.

Lần đầu tay thìa, tay thớt vào bếp trổ tài làm món salad tôm, Huỳnh Quốc Khang – học sinh lớp 9/3 phấn khởi với thành quả của nhóm là món ăn khá bắt mắt và còn được thầy cô khen.

Món salad tôm do học sinh trổ tài làm trong giờ học

Quốc Khang cho hay, với tính chất của giấm, khi được tạo thành món salad thì thường được sử dụng làm món khai vị, giúp kích thích vị giác, làm cho bữa ăn trở nên ngon miệng…

“Tiết học bằng các trải nghiệm cực kỳ thú vị. Ngoài học kiến thức, em còn có thể học được cách chế tạo món ăn, tự tay vào bếp. Ba mẹ cũng đã rất bất ngờ khi tự tay em có thể làm được món salad tôm..” – Quốc Khang khoe.

Yến Hoa

Bình luận (0)