Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh vào facebook làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Để trẻ không sa đà vào thế giới ảo, phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.ANH

Là giáo viên dạy môn tin học, tôi cảm thấy “lép vế” trước học trò của mình khi chúng có tài khoản facebook còn sớm hơn cả tôi vài năm. Để tiện cho việc trao đổi bài vở, học trò xin được “kết bạn” với facebook của tôi. Thấy thực sự cần thiết nên tôi đồng ý.

Gia đình các em đều khá giả nên em nào cũng có một chiếc máy vi tính, hoặc điện thoại di động để vào facebook, vì vậy tôi nghĩ đăng những thông tin liên quan đến việc học trên facebook là hợp lý. Những lúc có điểm kiểm tra, bài tập, điểm thi là tôi lại thông báo trên facebook của mình cho các em tham khảo. Hoặc khi các em có thắc mắc gì về bài tập, nếu đang online, tôi sẽ giải đáp ngay.

Tuy nhiên, suốt một học kỳ, hiếm khi các em quan tâm những gì liên quan đến việc học mà tôi đăng tải trên facebook và thường hay hỏi lại trong giờ học. Thậm chí chưa có em nào thắc mắc gì về bài vở trong lúc tôi và các em cùng online. Nhiều lần tôi nhắn tin hỏi các em, có cần thắc mắc gì về tin học thì thầy sẽ giải đáp liền, nhưng các em vẫn im thin thít (có lẽ đang bận chat). Vậy mà đến khi vào lớp học thì các em lại hỏi dồn dập đến nỗi tôi không kịp trả lời.

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu không làm chủ được mình không khéo sẽ bị đứt tay.

Ngoài giờ học, thậm chí ngay cả trong giờ học, các em đều online. Nhiều lúc tôi tự hỏi, học trò lên facebook làm gì? Câu hỏi ấy kích thích sự tò mò của tôi và tôi đã thử vào “tường nhà” của các em xem sao. Kết quả cho biết các em vào facebook chỉ để chơi, buôn chuyện, comment, đăng bài nhí nhố chứ chưa thực sự hiểu được công dụng của facebook còn để giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm học tập quý báu. Các em có thói quen vào xem bài viết, hình, clip của mọi người rồi comment một cách vung tục, kèm theo những ngôn từ trên mạng “khó hiểu” (nếu bài, clip và hình ảnh đó không hợp mắt các em). Nhiều em thì đăng những bức hình phản cảm của chính mình hoặc sao chép lên trên “tường nhà”, kèm theo những dòng status câu khách để tăng số lượng “like”. Một số học sinh nữ thì viết những dòng tin yêu đương ủy mị, giận hờn, nhớ thương này nọ. Kinh khủng hơn có nhiều em nam thích vào các trang web phim “đen” rồi comment, chia sẻ liên kết với trang của mình. Một số bạn bè trên facebook của các em hầu như cũng thế.

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu không làm chủ được mình không khéo sẽ bị đứt tay. Ở tuổi các em, do kinh nghiệm sống còn non nớt, thích theo trào lưu nên thấy ai “tiên phong” cái gì trên mạng là bắt chước, đua đòi, dễ bị sa ngã. Bằng chứng là vụ “Anh không đòi quà”, hiện nay có rất nhiều clip phiên bản do các học sinh quay lại và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả facebook. Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến các em nhiều hơn từ đời thực và thế giới ảo, để khi phát hiện những hành vi tiêu cực nhen nhóm là có thể dập tắt kịp thời. Đặc biệt nếu phụ huynh nào có facebook thì nên “kết bạn” với con để có thể theo dõi những hoạt động của các em trên mạng xã hội.

Nguyễn Thanh Vũ

(Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

Bình luận (0)