Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Học sinh vẽ tranh giao lưu văn hóa Việt – Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023), Bảo tàng Áo dài đã tổ chức chương trình giao lưu vẽ tranh cùng họa sĩ Nhật Bản cho các em học sinh Trường Tiểu học Trường Thạnh (TP.Thủ Đức).


Các em học sinh “khoe” tranh vẽ do họa sĩ Nhật hướng dẫn

Các em học sinh tham gia hào hứng, sôi nổi. Tại đây, các em có thời gian hơn một tiếng để hoàn thành bức tranh theo sự hướng dẫn của các họa sĩ Nhật Bản.

Điều đặc biệt, các em không chỉ vẽ theo phương pháp mà mình được học từ trước đến nay ở trường mà còn được tiếp cận cách vẽ, cách pha màu của nền hội họa Nhật. Dù vậy nhưng “dấu ấn” Việt Nam vẫn hiện diện trong tranh của các em thông qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, áo dài, bông hoa…


Các em thưởng thức tiết mục múa truyền thống “Tsugai Kogarashi” của Nhật Bản

Những bức tranh sau khi hoàn thiện đã được dán lên từng chiếc lồng đèn hình chiếc áo dài để họa sĩ Nhật mang về nước giới thiệu cho học sinh nước mình biết về Việt Nam.

Nguyễn Huỳnh Vân Khánh (lớp 4/5, Trường Tiểu học Trường Thạnh) chia sẻ: “Con rất thích học vẽ tuy nhiên hôm nay là lần đầu tiên con được học vẽ cùng các họa sĩ Nhật Bản. Nhờ vậy mà con có cơ hội biết thêm cách vẽ của người Nhật cũng như hiểu hơn về những con người Nhật thân thiện, nghĩa tình”.


Họa sĩ Nhật mặc áo dài Việt Nam và được tặng nón lá làm quà lưu niệm

Cô Lê Thị Ngọc Hạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh) cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc cho học sinh tiếp cận với những cái hay, cái mới nhất là đối với nền giáo dục Nhật Bản. Chúng tôi tin rằng qua chương trình các em không chỉ có thêm kiến thức mới từ thực tế mà còn được tiếp cận với nền hội họa của người Nhật, từ đó các em được tiếp cận với cái mới, hiện đại và có được góc nhìn đa dạng hơn trong cuộc sống”.

Họa sĩ Takayuki Tomoi bày tỏ, ông và nhiều họa sĩ khác rất yêu Việt Nam bởi ở đây có những con người nhân hậu, nghĩa tình, hiếu khách. Học sinh Việt Nam thông minh, chăm chỉ. “Nhân chuyến thăm quan và tổ chức triển lãm tại TP.HCM, chúng tôi muốn giới thiệu với học sinh nơi đây nền hội họa của nước mình cũng như cách người Nhật tạo nên một bức tranh như thế nào. So với Việt Nam, hội họa của Nhật phức tạp hơn vì mang tính trừu tượng nhưng nếu các em được tìm hiểu, tiếp cận từ sớm thì sẽ rất yêu thích. Đó cũng chính là cách để quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gần gũi, bền chặt”, họa sĩ Takayuki Tomoi nói.   


Những bức tranh của học sinh được trang trí lên lồng đèn hình áo dài sau đó tặng cho họa sĩ Nhật mang về nước

Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng áo dài) cho hay, nhiều năm qua, nhóm họa sĩ Nhật Bản rất quan tâm, đóng góp cho các hoạt động hội họa cộng đồng tại TP.HCM và Côn Đảo. Những chuyến dạy vẽ cho trẻ em Côn Đảo đã trở thành những món quà tinh thần vô giá mà các họa sĩ Nhật đem đến cho các em, nhất là các em ở khu vực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Sự quan tâm của các họa sĩ đối với chương trình hôm nay khiến tôi vô cùng xúc động. Các em học sinh không chỉ học hỏi từ các họa sĩ Nhật mà còn được đón nhận một tình cảm sâu sắc, ấm áp. Từ đó, các em sẽ càng yêu quý đất nước và con người Nhật Bản và trở thành những mầm non của tình hữu nghị Việt – Nhật trong tương lai”, bà Vân kỳ vọng.

Hồ Trinh

Bình luận (0)