Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Học sinh vi phạm an toàn giao thông: Lỗi do đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS chở ba và không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: T.L
Hàng tháng, Công an TP.HCM đều cung cấp danh sách học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho Sở GD-ĐT TP. Theo đó, trung bình mỗi tháng có khoảng 70-80 HS vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này cao hơn nhiều…
Có kiểm tra là có sai phạm
Theo danh sách HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà Công an TP cung cấp, chỉ trong tháng 3 và tháng 4-2013, trên địa bàn TP.HCM có 155 HS vi phạm. Điều đáng nói là chỉ cần cảnh sát giao thông (CSGT) đứng ở gần cổng trường học là có thể bắt được rất nhiều HS vi phạm.
Đơn cử như ngày 21-3, CSGT xử phạt 14 HS Trường THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi). Từ ngày 8 đến 17-4, CSGT đã xử phạt 16 HS Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12). Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, từ ngày 28-3 đến 1-4 đã có 16 HS bị CSGT xử phạt, trong đó ngày 28-3 có 5 trường hợp, ngày 29-3 có 4 trường hợp. HS bị xử phạt bởi các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, không xuất trình được đăng ký xe, không có giấy phép lái xe, không có CMND, không có bảo hiểm xe. Ngoài ra, nhiều em còn phạm các lỗi như xe không có gương chiếu hậu, kéo đẩy xe khác, lưu thông không đúng phần đường quy định, chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Mỗi HS không chỉ vi phạm một lỗi mà lên tới 3, 4 lỗi.
Không chỉ HS nam mà ngay cả HS nữ cũng “góp mặt” vào danh sách những HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài HS THPT, GDTX thì cũng có không ít HS bậc THCS phạm luật. Như Nguyễn Kiều Minh Nh. – HS lớp 9 Trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận), ngày 14-3 bị CSGT xử phạt cùng lúc 6 lỗi: Không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, không xuất trình được đăng ký xe, CMND, bảo hiểm xe, giấy phép lái xe. Nguyễn Thị Thu Ng. – HS lớp 9 Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8) bị xử phạt với các lỗi như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 50cm3, không xuất trình được đăng ký xe, bảo hiểm xe.
Phải chăng chỉ HS có lỗi?
Chị Hằng (Q.Phú Nhuận) – có con đang học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) cho biết: “Thông thường thì vợ chồng tôi đưa đón con đi học. Nhưng thỉnh thoảng cũng kẹt công chuyện nên giao xe cho con tự đi. Thấy con mình đi xe cũng cứng tay nên chúng tôi an tâm. Thật tình tôi không nghĩ đến chuyện con mình sẽ bị CSGT xử phạt, vì cháu không đi xe máy thường xuyên”.
Trong khi đó vợ chồng chị Mai Anh (Q.1) – phụ huynh một HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) lại “tậu” ngay cho con gái một chiếc xe tay ga. Đó là phần thưởng anh chị tặng khi con trúng tuyển vào ngôi trường danh giá này. “Con tôi đã lớn rồi, ngoài việc học ở trường, còn phải đi học thêm ở các trung tâm, ở nhà thầy cô, rồi vui chơi với bạn bè… Nếu bắt con đi xe đạp thì rất cực cho nó. Mà ba mẹ đưa đón ngày mấy bận thì không có thời gian, thuê xe ôm đưa rước thì không an tâm – con tôi là con gái mà, không thể bất cẩn được. Đi xe buýt thì cũng có những cái bất tiện. Vì vậy, biết rằng con chưa đủ tuổi để chạy xe phân khối lớn nhưng chúng tôi vẫn cứ mua xe cho con. Tôi nghĩ, chỉ cần nó đi cẩn thận thì CSGT sẽ khó phát hiện. Bây giờ ra ngoài đường, ai cũng đội mũ bảo hiểm, mặc áo khoác, đeo khẩu trang, làm sao CSGT phát hiện ra đâu là HS”, chị Mai Anh nói.
Bên cạnh sự dung túng của phụ huynh là sự tiếp tay của các hộ giữ xe quanh khu vực trường học, nhiều hộ vẫn nhận giữ xe của HS.
Từ đó cho thấy, để giải quyết căn cơ tình trạng HS đi xe gắn máy, về phía các trường, không chỉ xử lý nghiêm khắc (HS viết bản kiểm điểm, phụ huynh làm cam kết) và hạ bậc hạnh kiểm trong học kỳ đối với các lỗi vi phạm: Lưu thông thành đoàn, lạng lách đánh võng, không có giấy phép lái xe và các trường hợp vi phạm từ 3 lỗi trở lên theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT mà cần phải đuổi học những em tái phạm nhiều lần; đối với chính quyền địa phương, cần tăng cường kiểm tra các điểm giữ xe, nơi nào nhận giữ xe của HS sẽ bị phạt tiền nặng; đối với CSGT nên thu giữ xe của những HS vi phạm, yêu cầu phụ huynh đóng tiền phạt ở mức cao nhất theo quy định…
Hòa Triều
Căn cứ theo quy định thì những HS vi phạm Luật Giao thông bị phạt là hoàn toàn chính đáng. Nhưng phụ huynh cũng có lỗi, cái lỗi của họ là giao xe cho con khi các em chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 50 phân khối.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)