Ngày Tết, cũng đủ đào, mai, bánh chưng, dưa hành… nhưng với du học sinh vẫn có một khoảng trống tâm hồn rất lớn, đó là nỗi khắc khoải nhớ nhà, nhớ quê hương.
Du học sinh đón Tết Nguyên Đán năm 2009 ở Canberra, Australia cũng có đào bích… bằng giấy. |
“Đón Tết nơi xứ người mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng của tình cảm quê hương, đất nước, của không khí gia đình đầm ấm. Tết, nhà em năm nào cũng rất đông, còn em bên này, chỉ có một mình”, Vũ Thị Thu Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường St.Michael’s College (Anh) chia sẻ.
Năm nay là năm thứ hai Quỳnh phải ăn Tết xa nhà. Xác định đi du học từ năm lớp 8, Quỳnh đã có 3 năm để chuẩn bị mọi thứ, từ năng lực, vật chất tới tinh thần nên sang Anh, cô gần như không hề bỡ ngỡ. Thế nhưng đúng phút giây giao thừa, nước mắt Quỳnh cứ lăn dài.
Tết Nguyên đán đúng vào kỳ thi nên Quỳnh không về được. Cả trường chưa tới 10 người Việt quây quần, tổ chức nấu các món truyền thống, có bánh chưng, dưa, hoa quả… cho vơi nỗi nhớ quê.
Buồn, nhưng cô gái 9X nhỏ nhắn vẫn quả quyết sẽ cố gắng học tập để trở về, vì “đó mới là Tổ quốc của mình, mình là người Việt Nam”.
Còn với Trần Minh Trung, sinh viên Trường Central Queensland University (Australia), đêm giao thừa đầu tiên xa quê vẫn là một dấu ấn không thể quên. “Ở Việt Nam, ngày 30 là mình tất bật cùng mẹ lau dọn nhà cửa sạch sẽ, đêm Tất niên ăn bữa cơm đầu năm cùng gia đình, rồi đi xin lộc ở chùa Trấn Quốc. Tết gắn với rất nhiều kỷ niệm nên khi phải xa quê đúng vào ngày này, mình rất nhớ nhà”, Trung tâm sự.
Sau cái Tết ấy, bố mẹ Trung thương con nên Tết năm nào cũng tạo điều kiện cho cậu về nhà.
Học cùng trường với Trung nhưng Nguyễn Lê Mai (quê Thái Nguyên) không có điều kiện về quê nhiều. Bảy năm đi du học, hầu hết các Tết, Mai đều phải ở lại nơi miền đất của những chú kangaroo.
Tết Nguyên đán với Mai là những ngày cùng bạn bè trong Hội sinh viên Việt Nam tại Australia tụ tập ở công viên, mua bánh, trái cây, hát hò, đốt pháo hoa và cùng nhau đếm ngược thời gian cho đến giao thừa.
“Vì hai nước khác nhau về múi giờ nên tụi mình được đón tới hai giao thừa: một giao thừa theo thời gian ở Việt Nam và một là lúc 12h đêm của Australia”, Mai hào hứng khoe, nhưng rồi lại bất chợt chùng giọng: “Lúc chơi với mọi người, cảm thấy rất vui, nhưng khi trở về phòng, nỗi nhớ nhà lại trào dâng, nhất là khi nghe điện thoại chúc mừng của bố mẹ”.
Cũng là một người có “thâm niên” du học, Nguyễn Thị Bích Diệp, sinh viên Trường Standford (Mỹ) đã có 9 năm ở xứ người, từ Singapore, sang Anh, rồi sang Mỹ. Cô cựu học sinh chuyên văn của trường Amsterdam này hầu như năm nào cũng ăn Tết xa nhà.
Lớp 10, Diệp rời Trường Amsterdam sang Singapore. “Cái Tết đầu tiên xa quê, em nhớ nhà lắm. Em đợi đến đúng giao thừa của Việt Nam để gọi điện về, muốn nghe giọng bố mẹ, nhưng nghẽn mạng. Em chỉ biết ngồi khóc”, Diệp bùi ngùi kể.
Ba năm ở Singapore, Diệp ăn Tết cùng bạn bè, với bánh chưng tự gói và một lá cờ Tổ quốc thật to treo trên tường.
Để rồi tới năm thứ 4, được về ăn Tết cùng gia đình, cô không khỏi hồi hộp sau 4 năm xa xứ. “Thời khắc giao thừa thấy thật rộn ràng, cảm giác tim mình đập nhanh hơn. Cái cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả thành lời khi nhìn pháo hoa nở rực trên trời, đón khoảnh khắc năm mới bên người thân, ở tại nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên”, Diệp xúc động nói.
Tết Nguyên đán vẫn là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm đối với người Việt Nam, là một phần hồn của mỗi người con đất Việt, để rồi khi ở bất cứ phương trời nào, họ cũng hướng về. Nói như Hà Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 2 Trường Deakin University (Australia), dù có bánh chưng, dưa hành đầy đủ nhưng vẫn thiếu, thiếu tình thân và hương vị quê nhà.
Theo Vietnam+/TTXVN
Bình luận (0)