Nhóm sáng tạo KHKT Trường THCS Võ Trường Toản cùng mô hình “Máy kéo cờ bằng cơ đơn giản liên hoàn qua các giai đoạn” |
Bằng những kiến thức vật lý và hóa học, các em học sinh (HS) Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1, TP.HCM) đã sáng chế ra sản phẩm “Máy kéo cờ bằng cơ đơn giản liên hoàn qua các giai đoạn” từ những vật liệu phế thải trong sinh hoạt. Sản phẩm đã giành giải nhất trong cuộc thi “Khoa học và đời sống” cấp quận năm học 2011-2012 dành cho HS THCS.
Nhóm HS sáng tạo ra sản phẩm gồm 7 thành viên là Lý Khánh Nguyên, Trần Khánh Tân, Trần Công Duy, Nguyễn Trần Thanh Danh (lớp 9/3); Nguyễn Lý Minh Thi (lớp 9/5); Nguyễn Lê Thanh Tú (lớp 9/1) và thành viên nhỏ tuổi nhất là em Đinh Nhật Khang (lớp 7/1). Bảy thành viên này đặt tên nhóm là “Sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT)” .
Trăn trở với đồ phế thải
Với suy nghĩ “Những vật dụng sinh hoạt được con người thải ra một cách bừa bãi hàng ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xanh, vì thế cần gom nó lại để tái chế ra những vật dụng khác có ích và an toàn cho cuộc sống”, nhóm quyết tâm thực hiện mô hình “Máy kéo cờ bằng cơ đơn giản liên hoàn qua các giai đoạn”. Mất gần hai tháng thu gom các vật dụng như ống nhựa, chai nước khoáng, mặt bàn cũ của HS, bánh răng của máy photocopy hư, bóng đèn hỏng… nhóm mới có đủ nguyên vật liệu và bắt đầu quá trình… tái chế.
Để làm được mô hình này, nhóm đã mày mò áp dụng rất nhiều kiến thức vật lý và hóa học liên hoàn từ lớp 6 đến lớp 9. Bởi vì mô hình có 8 giai đoạn, mỗi giai đoạn áp dụng những công thức vật lý hay hóa học khác nhau nên các thành viên phải làm việc phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Nếu kéo cờ bình thường, chỉ cần sức người kéo lên là được thì ở hệ thống này, các nhà khoa học nhí chỉ cần cho vài viên vitamin C vào một chiếc bình chứa khoảng 250ml nước để tạo ra áp suất nhằm đẩy nước qua ống mao dẫn (sử dụng kiến thức vật lý như định luật Pascal, thế năng, động năng…) để tạo ra một nguồn lực kéo lá cờ lên. Em Đinh Nhật Khang chia sẻ: “Nhiều bạn thắc mắc rằng chỉ với vài viên vitamin C thì làm sao kéo được lá cờ lên cao nhưng khi nhìn kỹ, các bạn sẽ thấy viên vitamin C chỉ tạo áp suất, còn đủ lực hay không thì tùy thuộc vào những giai đoạn khác để đẩy quả nặng rơi xuống và kéo lá cờ lên”.
Trong khi đó, em Lý Khánh Nguyên cho biết: “Mô hình có ưu điểm là chỉ cần tác dụng một lực nhỏ ban đầu, toàn bộ hệ thống sẽ đẩy cờ lên cao mà không cần một lực nào nữa. Vì vậy sẽ tiết kiệm về thời gian và công sức rất cao”.
Mô hình đã được nhóm sáng tạo này nâng cấp lên thành 11 giai đoạn để hệ thống hoàn thiện hơn về chức năng. Ngoài ra, các bạn còn trang trí và lắp ghép mô hình thành chữ VTT, là tên viết tắt của Trường Võ Trường Toản trong cuộc thi “Khoa học và đời sống” cấp thành phố.
Làm nên nhiều sản phẩm có ích
Được thành lập từ đầu năm 2010, nhóm Sáng tạo KHKT của Trường THCS Võ Trường Toản đã sáng chế ra nhiều sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống và môi trường. Em Trần Công Duy nói: “Mục đích hoạt động ban đầu của nhóm là tạo ra một sân chơi học tập bổ ích cho các bạn HS yêu thích sáng tạo KHKT. Tuy nhiên, khi thấy thành phố tổ chức rất nhiều cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho HS thì chúng em bắt đầu đưa sản phẩm của mình dự thi”. Duy cho biết vừa mới thành lập, nhóm đã giành giải A tại cuộc thi HS sáng tạo KHKT năm học 2010-2011 với sản phẩm “Xe chạy bằng năng lượng mặt trời”.
Hiện nhóm hoạt động thường xuyên 2 buổi/ ngày (vào các giờ ra chơi hoặc ra về nhóm thường tranh thủ nán lại khoảng 30 phút để tiếp tục sáng chế). Em Nguyễn Trần Thanh Danh chia sẻ: “Do sắp xếp thời gian khá tốt nên hoạt động của nhóm không ảnh hưởng gì đến những môn học khác của từng thành viên. Ngược lại, qua nhiều lần sáng chế, chúng em còn áp dụng các kiến thức từ lý thuyết ra thực hành thực tế để ghi nhớ bài học sâu sắc hơn”.
Còn em Lý Khánh Nguyên thì hồ hởi khoe: “Qua những mô hình đã thiết kế, chúng em muốn cho các bạn HS khác hiểu rõ hơn về những kiến thức vật lý và hóa học đã được học. Ngoài ra, chúng em còn muốn nhắn nhủ tới tất cả mọi người nên tái chế đồ vật mình muốn vứt đi thành những sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống bởi nó góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường của chúng ta”.
Thanh Nga – Dương Bình
Bình luận (0)