Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh với nghiên cứu khoa học: Bài 2: Chung tay vì môi trường thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm HS Trường THCS Lạc Hồng cùng mô hình chuyển động liên hoàn kéo cờ Tổ quốc lên cao

Với mô hình chuyển động liên hoàn kéo cờ Tổ quốc lên cao khá độc đáo và đoạn video clip nói về việc bảo vệ môi trường đầy ý nghĩa, nhóm học sinh (HS) Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) đã đoạt chức vô địch trong cuộc thi Khoa học và đời sống do Hội đồng Đội TP.HCM và Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP tổ chức.
Nhóm thực hiện mô hình gồm có 6 thành viên là Nguyễn Minh Phát, Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Nhật Quang (HS lớp 9), Bùi Thanh Tú, Ngô Trương Huệ Mỹ (HS lớp 8) và Nguyễn Công Tài (HS lớp 7).
Sáng tạo vì an toàn cuộc sống
Chủ đề của cuộc thi là An toàn cuộc sống, cũng giống như các nhóm khác, nhóm HS Trường THCS Lạc Hồng được Ban tổ chức giao làm mô hình chuyển động liên hoàn kéo cờ Tổ quốc lên cao. Em Nguyễn Minh Phát cho biết: “Do chủ đề của cuộc thi là An toàn cuộc sống nên chúng em phải cẩn trọng trong việc sử dụng nguyên vật liệu thiết kế để không làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như con người được an toàn khi kéo cờ lên cao. Vì thế, chúng em đã sử dụng những vật liệu trong kho phế thải của nhà trường như ống điện đã hỏng, quả cầu vật lý, kệ gỗ không còn dùng, chai nước khoáng rỗng… để thực hiện”.
Bằng những kiến thức cơ học trong môn vật lý như sự chuyển động liên hoàn, sự chuyển hóa cơ năng từ thế năng sang động năng, các loại máy cơ đơn giản như mặt phẳng nghiêng, ròng rọc, đòn bẩy… nhóm thực hiện đã hoàn thành mô hình chỉ trong vòng một tháng. Để kéo cờ Tổ quốc lên cao, thay vì dùng sức người thì mô hình này chỉ cần đốt sợi dây làm cho chai cồn bị cháy và nhờ sự chuyển động liên hoàn về cơ học, lá cờ được kéo lên cao trong vòng 10 giây. Một trong những điểm giúp nhóm đạt kết quả cao trong mô hình này là “nhóm hoàn toàn sử dụng kiến thức của môn vật lý và hóa học trong chương trình THCS, không có những kiến thức nâng cao ở các lớp trên nên khi giải thích về quá trình hoạt động của máy, tất cả các bạn HS lớp 9 đều hiểu và ghi nhớ kiến thức sâu hơn”, em Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
Còn em Nguyễn Công Tài cho hay: “Ưu điểm của chúng em được Ban giám khảo ghi nhận trong sáng tạo này ngoài việc lá cờ chuyển động rất linh hoạt còn có một ý nghĩa nổi bật là mô hình tượng trưng cho hình ảnh con rồng cháu tiên. Ngày chúng em đi thi cũng nằm trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, vì thế mô hình được xếp thành hình ngôi trường Lạc Hồng với những quân cờ domino tượng trưng cho tầng tầng lớp lớp HS, đó cũng chính là hình ảnh con rồng cháu tiên”.
Video clip đầy ý nghĩa
Cùng với mô hình chuyển động liên hoàn kéo cờ Tổ quốc lên cao được thiết kế khá độc đáo, một trong những phần thi giúp nhóm HS Trường THCS Lạc Hồng giành được điểm tuyệt đối còn là đoạn video clip đầy ý nghĩa mà các bạn gửi đến mọi người với thông điệp: “Hãy chung tay bảo vệ môi trường và an toàn giao thông”.
Yêu cầu Ban tổ chức đưa ra là làm một đoạn video clip với chủ đề Cuộc sống quanh em. Nhóm đã chọn những vấn đề gần gũi với các em là Bảo vệ môi trường và an toàn giao thông bởi năm 2012 là Năm hưởng ứng an toàn giao thông và nếp sống mỹ quan đô thị. Nhóm quay các đoạn clip nói về tình trạng giao thông và môi trường ở TP.HCM nói chung cũng như các trường học nói riêng, đưa ra một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông và giáo dục HS về giao thông, về ý thức bảo vệ môi trường… Em Bùi Thanh Trúc nói: “Nhóm chúng em quay các cảnh phụ huynh xếp từng hàng xe trong trường khi đến đón HS để hạn chế việc đậu xe ở lòng lề đường gây ùn tắc giao thông; cảnh thuyết trình giáo dục an toàn giao thông cho HS; cảnh các bạn HS dán khẩu hiệu, phát động phong trào giáo dục HS bảo vệ môi trường… đầy hấp dẫn và ý nghĩa”.
Để thực hiện đoạn video clip ngắn nhưng đầy ý nghĩa này, tất cả thành viên trong nhóm đã phải vất vả làm gần hai tháng. “Việc tạo cảnh gặp nhiều khó khăn bởi phải quay lén người vi phạm giao thông hay người xả rác bừa bãi trong khi phương tiện chúng em đi lại là xe đạp. Muốn quay cảnh về giáo dục an toàn giao thông và môi trường cho HS phải có các phong trào để làm tư liệu, cũng may là những phong trào này Liên đội trường em đã phát động nhiều năm liền. Ngoài ra, chúng em còn gặp một số sự cố trong khâu kỹ thuật như xử lý âm thanh, cắt xén ảnh…”, em Nguyễn Nhật Quang chia sẻ.
Cùng với hai phần thi chính này, cuộc thi Khoa học và đời sống còn có nhiều phần khác như thi vẽ tranh, kiểm tra kiến thức khoa học xã hội, vận động, diễu hành… Nhóm đã hoàn thành xuất sắc các phần thi này với tổng số 149 điểm và vinh dự đoạt chức vô địch.
Bài, ảnh: Dương Bình
Ưu điểm của chúng em được Ban giám khảo ghi nhận trong sáng tạo này ngoài việc lá cờ chuyển động rất linh hoạt còn có một ý nghĩa nổi bật là mô hình tượng trưng cho hình ảnh con rồng cháu tiên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)