Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh vùng lũ với mô hình nhà chống lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Em Tố Như và hai người bạn đồng hành giới thiệu về ngôi nhà sống chung với lũ

Vượt qua hàng trăm sáng chế khoa học, ba em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã thuyết phục Ban giám khảo bởi mô hình nhà chống lũ dành cho người dân nghèo vùng lũ, giành giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị năm 2012.
1. Người ta nói, muốn biết nơi nào nhiều gió nhất hãy về Triệu Phong. Ngay chính cái tên gọi đủ gợi lên trong trí nhớ những người con xứ Quảng về một vùng đất bạt ngàn gió, bạt ngàn cát trắng. Nhưng nếu như không thử một lần đặt chân về chốn này mùa bão lũ hẳn không thấm thía hết nỗi nhọc nhằn của người nông dân xứ này. Gió dồn, nước dập. Những mái nhà tranh tre nứa lá bị nhận chìm trong nước. Những hạt thóc một nắng hai sương – gia sản của người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nếu không kịp trở tay cũng bị vùi trong nước, chả mấy chốc nảy mầm xanh ngút. Công sức bỏ bể. Cái đói hiển hiện trước mắt.
Ước mơ về một ngôi nhà vững chãi có thể chống được bão, lũ như giấc mơ không thể thành hiện thực nối từ đời này sang đời khác. Có nhiều gia đình, kinh tế vững vàng họ đầu tư xây dựng ngôi nhà thật kiên cố, nhưng ở giữa lòng đất trũng vẫn không thể thoát khỏi dòng nước lũ mỗi mùa đông đến. Có gia đình ngặt nghèo quá đành chuyển đi chốn khác để rồi mỗi ngày họ phải lặn lội gần chục cây số trở về làng cũ để làm ruộng. Bỏ làng đi là điều không ai muốn. Kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ con vùng này cũng bạt ngàn cát và nước.
Còn nhớ vào những năm thuộc thập niên 90 thế kỉ trước, tiến sĩ Hoàng Phước – một người con nặng lòng với quê hương đã thành công bởi đề tài nghiên cứu chống cát bay, cát nhảy, cát lấp. Người ta gọi ông là người “bẻ nạng chống trời” rồi sau thành công người ta lại gọi ông là vị tiến sĩ có biệt tài bắt cát thôi bay. Một màu xanh hoa trái đã nảy mầm trên cát nóng đến bỏng mắt. Thế nhưng vào mùa mưa lũ, người dân vẫn chưa thật sự thoát khỏi sự nhọc nhằn bởi cái chảo cát biến thành chảo nước do bàn tay tạo hóa cố tình tạo ra.
2. Sinh ra và lớn lên ở vùng cát này, nhóm ba học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm: Trần Thị Tố Như, Võ Duy Khánh và Lê Thanh Thiên đã thấm hết nỗi nhọc nhằn mùa chạy lũ. Trăn trở nhiều rồi ý tưởng xuất hiện vào ngày nhà trường thông báo cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh. Em Tố Như bộc bạch: “Ban đầu ý tưởng xuất hiện em trăn trở nhiều lắm, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Rồi với quyết tâm giúp người dân quê mình thoát lũ, em đánh liều chia sẻ ý tưởng với hai bạn Khánh và Thiên. Được sự ủng hộ của hai bạn, em mừng lắm. Thế là bắt tay vào thực hiện”.
Sau 6 tháng bắt tay vào thực hiện với sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Vân – giáo viên dạy toán của các em – đề tài về ngôi nhà sống chung với lũ lớn đã được hình thành từ ý tưởng đến thực tế. Tố Như kể lại, đầu tiên nhóm em cùng cô giáo tranh thủ thời gian rảnh về các vùng quê thuộc xã Triệu Long và một vài nơi khác có địa hình thấp trũng để khảo sát, xin ý kiến của bà con nông dân. Đồng thời phải tính toán làm sao cho một gia đình nghèo nhất cũng có thể xây dựng được nhà chống lũ, bão. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: “Làm sao để nhà nổi trên mặt nước?”, “Chọn vật liệu nào cho phù hợp?”, “Cách nào giảm thiểu chi phí dựng nhà?”. Cũng trong quá trình đặt ra câu hỏi các em nhận ra một thực tế, nhà chống lũ cần có thêm chức năng chống gió bão. Khó khăn lắm! Nhiều lúc bận rộn với việc học tập, chuẩn bị thật tốt cho kì thi tốt nghiệp cuối cấp khiến các em gần như muốn buông xuôi. Nhờ có sự động viên của cô giáo, cả nhóm lại hì hục tranh luận, nghiên cứu. Cả cô trò không thể nhớ hết số lần mình lặn lội về xã Triệu Long, trò chuyện với người dân để khảo sát thực tế. Không chỉ trao đổi thông tin về mức độ ngập lụt, thiệt hại nói chung, cô Vân cùng học trò còn tìm hiểu về đời sống, mức thu nhập của bà con. “Đời sống của người dân nơi đây phần lớn đều gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bọn em đặt ra tiêu chuẩn xây dựng nhà là phải an toàn, đảm bảo tính thẩm mĩ và đặc biệt là phù hợp với túi tiền”, em Duy Khánh tâm sự.
Sau 6 tháng miệt mài làm việc, hình dạng ngôi nhà tự nâng lên tương ứng với mực nước được hình thành, điểm đặc biệt nằm ở hệ thống các thùng phuy nằm sát móng nhà. Hệ thống này được gắn với 8 trụ sắt trượt. Mỗi khi nước lũ dâng cao, hệ thống thùng phuy sẽ trượt trên các trụ sắt, làm nhà nâng lên theo một mức tương ứng. Thực nghiệm chứng minh, hệ thống thùng phuy có thể nâng được khối lượng hơn 4 tấn. Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra ý tưởng và xây dựng mô hình, cô Vân và các học trò còn khảo sát giá cả thị trường, số vật liệu cần thiết. Qua khảo sát, một ngôi nhà “sống chung với lũ” có tổng kinh phí xây dựng là hơn 45 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, cả cô và trò chọn thêm phương pháp làm sao vừa chống được lũ vừa tránh được bão lớn. Ý tưởng lại được đưa ra tranh luận, cuối cùng phương án được thống nhất là dùng hệ thống dây cáp neo nhà. Mỗi khi gió bão, người dân sẽ căn cứ vào lực gió để cố định nhà bằng hệ thống dây cáp. Như vậy, ngôi nhà đặc biệt của các học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể giúp bà con tránh cả lũ và bão.
3. Chia sẻ về sáng tạo của học sinh, thầy Lê Bá Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói: “Quả thực sáng tạo của nhóm học sinh Tố Như, Duy Khánh, Thanh Thiên mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Chúng tôi rất vui vì học trò mình đã có nhiều sáng chế thể hiện tình yêu quê hương một cách thiết thực như vậy. Mong rằng ý tưởng của các em sẽ được quan tâm, sớm trở thành hiện thực để giúp bà con nông dân bớt vất vả”. Thầy Cương cũng chia sẻ thêm, ở trường, Tố Như, Thanh Thiên, Duy Khánh còn là những gương mặt xuất sắc, có nhiều thành tích trong các cuộc thi của tỉnh nhà về các môn học tự nhiên.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)