Cô Phạm Thị Mỵ đang múa hát cùng các cháu |
Trong khi các bậc học THCS và THPT năm nào cũng có hơn 100 cử nhân sư phạm bị loại thì ở bậc mầm non, không năm nào ngành GD-ĐT TP.HCM tuyển đủ giáo viên.
Không chỉ có vậy, học sư phạm mầm non, ra trường đều được dạy gần nhà chứ không như các bậc học khác phải đi dạy ở vùng sâu vùng xa…
Ra trường là có việc làm
Năm 2008, Ngô Ngọc Trâm – học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên – làm hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Sài Gòn, Khoa Giáo dục mầm non (hệ CĐ), mặc dù trong lớp không có ai chọn ngành này. Ngọc Trâm tâm sự: “Họ hàng nhà tôi có mấy chị học sư phạm, trong đó có một chị học sư phạm mầm non, các chị tư vấn cho tôi nên chọn ngành sư phạm. Thấy công việc cũng phù hợp với năng lực và tính cách của bản thân nên tôi đã chọn nghề giáo viên mầm non”.
Năm 2010, ra trường, Ngọc Trâm không xin đi dạy và học liên thông lên ĐH. Một năm sau, Ngọc Trâm tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển tại Phòng GD-ĐT quận Tân Bình.
Đầu năm học 2011-2012, Ngọc Trâm về nhận nhiệm sở tại Trường Mầm non Tuổi Xanh, quận Tân Bình và được phân công dạy lớp Lá 2 (5 tuổi).
Công việc của Ngọc Trâm không phải là đút cơm, thay quần áo và làm vệ sinh cá nhân cho các bé mà là dạy các bé những kỹ năng sống. Chẳng hạn như dạy các bé biết xếp hàng, không nói chuyện lớn khi ăn, hắt hơi thì phải che miệng…
“Nhưng trên hết là chuẩn bị tâm thế để bé sẵn sàng vào lớp 1 như dạy cách cầm viết, cách ngồi, làm quen với chữ viết, con số”, Ngọc Trâm cho biết.
Có thể nói, công việc của một giáo viên lớp lá không nặng nhọc bởi trẻ đã lớn và biết tự phục vụ bản thân, trái lại còn rất vui.
“Trẻ con bây giờ khôn lắm, các bé nói chuyện như người lớn và cũng rất “nhiều chuyện”. Thấy cô giáo vui vẻ là bắt chuyện ngay: Cô ơi, cô đang làm gì đó. Hôm qua nhà con có chuyện này, hay hôm qua con đi thấy chuyện kia. Rồi trẻ kể những chuyện nghe người lớn nói với nhau, hay chuyện xem trên ti vi. Có những lúc, các bé đóng vai các nhân vật, từ giọng nói đến điệu bộ giống y chang. Nhìn là thấy buồn cười, mệt nhọc cỡ nào cũng quên hết”, Ngọc Trâm kể.
Làm giáo viên mầm non không phải đi xa
Tốt nghiệp THPT (Trường THPT Gò Vấp) năm 2007, Phạm Thị Mỵ không thi ĐH hay CĐ mà đi làm công nhân. Làm được 6 tháng thì Mỵ xin nghỉ vì công việc nặng nhọc mà lương chỉ có mấy trăm ngàn. Vả lại, làm công nhân thì không biết tương lai sẽ đi về đâu. Sau khi nghỉ việc, Mỵ đã học ôn để thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Mỵ kể: “Tôi chọn trường sư phạm vì học ở đây không phải đóng học phí. Và chọn khoa giáo dục mầm non dù lương có thể thấp hơn so với giáo viên THPT nhưng bù lại dễ xin việc – không xin được trường công thì xin ở trường tư và được dạy gần nhà. Bằng chứng là nhiều người bạn của tôi học khoa văn, khoa sử để dạy THPT đều phải đi vùng sâu vùng xa, còn tôi thì được dạy ở trong thành phố”.
Đúng vậy. Năm 2010, Mỵ ra trường và vì chưa có hộ khẩu thành phố nên bạn đi dạy ở trường tư thục một năm. Năm sau, Mỵ đăng ký dự tuyển tại Phòng GD-ĐT quận Tân Bình và được phân công về dạy tại Trường Mầm non Tuổi Xanh.
Khác với Ngọc Trâm, Mỵ dạy lớp Mầm 1 (3 tuổi) nên đầu năm học có hơi cực do các bé mới đi học chưa biết gì. Nhưng sau vài tháng, tất cả đã vào khuôn khổ. Các bé được dạy cách tự phục vụ nên cô cũng bớt phải lao động chân tay.
Ngày còn làm công nhân, cả buổi Mỵ chỉ đứng một chỗ, ít được vận động, ít trò chuyện… Nhưng từ ngày đi làm cô nuôi dạy trẻ thì khác. Ngoài việc tiếp xúc với các đồng nghiệp, các cháu, bạn còn được tiếp xúc với phụ huynh. “Phụ huynh mỗi người một ngành nghề, thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Bởi vậy, tôi cũng thấy mình trưởng thành hơn”, Mỵ tâm sự.
Một điều thú vị hơn nữa khi làm giáo viên mầm non là được nhìn thấy các bé lớn lên mỗi ngày, ngày hôm nay các bé hiểu biết hơn ngày hôm qua. Và với Mỵ, “Vui nhất là mỗi ngày qua đi thấy các bé bình an”…
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)