Chúng ta lâu nay hay tự hào về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học ra đời thuộc hàng sớm nhất châu Á, để khẳng định truyền thống hiếu học của dân tộc. Điều đó thật đúng, nhưng chưa đủ.
Theo tác giả, có không ít sự vô minh do học một đàng mà nhận thức một nẻo dẫn đến hành động sai trái… (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực ra là trường học của con cháu hoàng tộc và con em các quan lại cao cấp thời phong kiến, chứ chưa phải là trường đại học dành cho mọi thành phần trong xã hội. Dân ta hiếu học thật nhưng có lúc, có nơi, điều đó có hạn chế. Chẳng hạn, thời Nguyễn, trong khi người Nhật mạnh mẽ canh tân thì ở Việt Nam, chỉ lẻ tẻ vài người sau những chuyến thăm châu Âu về mới đòi đổi mới. Dĩ nhiên, điều đó như đánh vào không khí bởi sức ì nặng nề của chế độ cầm quyền, và cả sức ì của văn hóa truyền thống.
Ở miền Nam, nhiều năm trước, người ta tự hào với sản vật sẵn có, đã không mặn mà lắm với việc học hành, mãi đến đầu thế kỷ XIX (năm 1826, tức hơn 100 năm sau khi chúa Nguyễn cai quản vùng đất này) mới có vị tiến sĩ đầu tiên – đó là Phan Thanh Giản (1796-1867), một danh sĩ, một đại thần 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, một tấm gương thanh bạch, thương dân nhưng cũng là một nhà chính trị thủ cựu thế nào mà ai cũng rõ. (Có lẽ ta cũng không quên “Mậu Tuất chính biến” (năm 1898) với sự hưởng ứng của chính vua Quang Tự nhà Thanh và sự hồ hởi của hàng loạt nhà tư tưởng lớn đã thất bại ra sao sau hơn 3 tháng, để thấy sức ì nó to lớn như thế nào!). Nếu xem sự vô minh là không đủ sáng suốt do học chưa đầy đủ, do hạn chế của thời cuộc, do không chủ động mở rộng, giao lưu hợp tác với nước ngoài thì nước ta, dân ta trong lịch sử cũng đã từng có những sự vô minh như thế. Điều này nên thẳng thắn và khách quan nhìn nhận.
Bây giờ dân ta còn có hiếu học không? Hẳn câu trả lời là “không” và “có”. Không vì vẫn còn một số người chưa ham học, chưa mặn mà với việc học để lấy tri thức mà chỉ quan tâm nhiều đến bằng cấp. Bởi vậy mới có tình trạng mua bán bằng giả, mới có tình trạng thi giùm học hộ, mới có tình trạng đổi điểm bán điểm… Cũng như có không ít người cả năm chưa đọc được cuốn sách nào. Đáng tiếc là trong số người này có không ít cán bộ, đảng viên… Còn bảo có, vì rõ ràng đó đây vẫn có những trẻ nhà nghèo, những trẻ bị khuyết tật vẫn kiên trì đến lớp, học không chỉ để lấy ít con chữ, để vượt lên số phận mà còn để đóng góp chút công sức vào xây dựng đất nước. Bởi vì, còn đó rất nhiều người học lớn tuổi, kể cả những người U.70, U.80 vẫn đến giảng đường đại học, vẫn miệt mài nghiên cứu để làm thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, thực tế vẫn còn sự vô minh. Đáng nói là sự vô minh không chỉ đến từ chỗ do học chưa tới nơi, tới chốn. Có không ít sự vô minh do học một đàng mà nhận thức một nẻo dẫn đến hành động sai trái; cũng có sự vô minh do cố tình làm sai điều được học; hay vì lợi ích cục bộ mà bất chấp nhận thức, bất chấp hậu quả. Nếu Lênin cho rằng “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại” thì “tham lam cộng ngu dốt” sẽ là gì? Nhiều người hẳn sẽ thấy sự vô minh thật đáng sợ! Vậy thì phải ra sức diệt sự vô minh.
Với nền giáo dục, những năm trước, đã có sự kêu gọi “chấn hưng nền giáo dục”, qua hơn chục năm, hình như mọi thứ không tốt hơn bao nhiêu. Ở bậc phổ thông, xu thế học nhồi nhét, phi thực tế vẫn còn; ở bậc dạy nghề, vẫn chưa sát yêu cầu thực tiễn, chưa kích thích sự ham học của người học; ở bậc đại học, tình trạng thương mại hóa và lối dạy “tầm chương” chưa giảm; ngay cả bậc sau đại học cũng còn không ít khiếm khuyết… |
Có hai điều không được xem nhẹ: Nền giáo dục phải không ngừng được nâng chất, không chỉ phù hợp với đặc điểm của dân tộc Việt Nam mà còn phải đáp ứng được yêu cầu của thời đại; sự tự học của tất cả mọi người được đề cao, một cách tự giác và có những điều kiện hỗ trợ của Nhà nước. Tinh thần chung của cả hai vấn đề này là “học suốt đời”, đều nằm trong tuyên ngôn của giáo dục thế kỷ XXI mà UNESCO đề xuất: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tồn tại. Với nền giáo dục, những năm trước, đã có sự kêu gọi “chấn hưng nền giáo dục”, qua hơn chục năm, hình như mọi thứ không tốt hơn bao nhiêu. Ở bậc phổ thông, xu thế học nhồi nhét, phi thực tế vẫn còn; ở bậc dạy nghề, vẫn chưa sát yêu cầu thực tiễn, chưa kích thích sự ham học của người học; ở bậc đại học, tình trạng thương mại hóa và lối dạy “tầm chương” chưa giảm; ngay cả bậc sau đại học cũng còn không ít khiếm khuyết. Các phương pháp cải cách dường như có sự loay hoay, luẩn quẩn bởi “người ta không thể đi xa khi không biết mình đi đâu” (Cromwell). Cho nên phải có sự chấn hưng thực sự, bắt đầu từ triết lý giáo dục (học để làm gì, học cho ai, học như thế nào, ai là người dạy, dạy như thế nào…) rồi mới đến những vấn đề khác. Ngay cả việc học trực tuyến trong dịch Covid-19, ban đầu được cho là một xu hướng tích cực và hợp thời đại, nhưng sau đó mọi người đã sớm nhận ra rằng chất lượng của học trực tuyến có khoảng cách khá xa so với sự mong đợi, dù người học là trẻ em hay người lớn. Như vậy, một hoạt động có vỏ hình thức là tiến bộ, hợp thời nhưng nếu gắn với những cá nhân không thực sự tích cực thì hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ. Tức là, trong điều kiện đó, sự vô minh vẫn hiển hiện đâu đó. Còn sự tự học, cần những cú huých thực sự.
Từ những năm 1950, học giả Nguyễn Hiến Lê đã nêu lên quan điểm “tự học, một nhu cầu của thời đại”. Ông cũng nhắc lại một đề xuất của nước Pháp: “Nên rút bớt số giờ làm việc trong mỗi tuần để bổ túc sự giáo dục về nghề nghiệp và về trí thức phổ thông cho các hạng nhân viên”, hoặc “người ta có thể cho các nhân viên cao cấp trong mọi ngành cứ làm việc sau 6 năm lại được nghỉ một năm, trở lại đại học, sống đời sinh viên trong một năm để trau dồi thêm kiến thức mà theo kịp những tấn bộ về ngành của mình” (Tự học, một nhu cầu của thời đại, xuất bản lần đầu năm 1954). Tức là, Nhà nước cần có những cơ chế để mọi người có động cơ, động lực tự học. Phải kết hợp cả hai điều đó một cách đầy đủ. Có như vậy, trình độ dân trí mới được nâng cao thực sự về chất, chứ không đơn giản chỉ là việc hoàn thành phổ cập các bậc học. Và có như vậy, mới không còn sự vô minh, cũng không còn tình trạng yêu nước trong sự vô minh!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)