Sự kiện giáo dụcTin tức

Học “tà tà” có đậu được không?

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây báo chí đưa một số ý kiến chung quanh việc các trường tăng cường ôn luyện phục vụ cho đợt kiểm tra cuối năm, thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học. Một vài ý kiến phản đối nhà trường tổ chức “truy bài” tại sân trường vì cho rằng như thế là làm tăng áp lực cho
học sinh, là chạy theo thành tích v.v… Một ít học sinh lo lắng, căng thẳng, đuối sức và cá biệt xuất hiện đơn thư khiếu nại, kiến nghị nên bỏ các kiểu ôn bài, truy bài hoặc đòi thay giáo viên khó tính nghiêm khắc thế này, thế nọ v.v…
Là người trong ngành giáo dục lâu năm, lại có dịp tiếp xúc nhiều với các thầy cô hiệu trưởng, giáo viên đứng lớp, đồng thời cũng là phụ huynh, tôi thấy rằng không hề có kiểu học gì “thoải mái, tà tà” mà có kết quả tốt, mà đậu cao được (tất nhiên không kể trường hợp hiếm hoi may mắn, gian lận, hoặc kỳ thi quá dễ dãi tốt nghiệp 100%)! Thậm chí nhiều thầy cô ở các trường tư và trường công có học sinh đầu vào thấp cho rằng cần phải “ép” học sinh học, không thể để các em “tà tà”, mặc dù vẫn kêu gọi các em tự giác học tập, vẫn hết sức tâm lý và cũng biết cách pha trò để giảm stress cho học sinh. Nhưng với các học sinh học lực trung bình trở lại, tại thời điểm “nước rút” này, vẫn không thể để các em “tự do”, “thoải mái” được, mà phải tập trung ôn luyện, phải “nhồi nhét” nếu muốn các em thi đỗ. (Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế, không ai chấp nhận một kiểu dạy học như vậy. Nhưng hiện tại, con em chúng ta vẫn còn đang đối diện với một kỳ thi kiểu như thế thì sẽ vẫn phải dạy học như thế thôi!).
Chỉ có sự tập trung, cố gắng và có cách học hợp lý thì việc học mới có kết quả tốt mà không bị áp lực quá tải. Không có con đường “vương giả” nào để học giỏi và thi đậu cao dành cho học trò lười biếng. Là cha mẹ, thầy cô giáo hoặc là người có trách nhiệm thì phải khuyên bảo các em chăm chỉ học hành, đặc biệt là biết sắp xếp thời gian, kết hợp việc học với giải trí, thể dục, ăn uống hợp lý thì sẽ giảm stress và học hiệu quả. Không ai lại có thể hô hào các em thoải mái trong lúc này, vì đây là thời điểm “gặt hái” thành quả sau một năm dạy học. Đã “ra quân” thì phải “đánh thắng”, đã thi thì phải đậu!
Năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn tiếp tục cho học sinh thi thử tốt nghiệp. Sở giao hiệu trưởng cùng tập thể sư phạm nhà trường tổ chức kỳ thi gọn, nhẹ nhưng nghiêm túc. Đối với hầu hết các trường, đây là việc cần. Vì để các em làm quen với không khí “trường thi”, cách làm bài trên giấy thi, tính toán thời lượng làm bài, và tự kiểm định trình độ của mình để có biện pháp bổ sung, khắc phục. Đó cũng là một yếu tố giúp tỷ lệ thi đỗ của học sinh thành phố luôn nằm trong top vài địa phương cao nhất nước trong những năm qua. Còn về lâu dài, khi liên tục học sinh đã tốt nghiệp hầu như 100% thì chắc chắn Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ xem xét lại chủ trương này.
Hai Đức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)