- 1 Học tập Bác Hồ trong nhà trường sao cho thiết thực, hiệu quả
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, là kim chỉ nam để mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, rèn luyện bản thân, đóng góp cho xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa nội dung học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nhà trường không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là cách để giáo dục thế hệ trẻ về giá trị nhân văn, trách nhiệm và lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, để việc học tập này thực sự thiết thực và hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và tâm lý học sinh.
Dù trong bối xã hội thế nào, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là lý thuyết khô khan mà là bài học sống động về lòng yêu nước, sự giản dị, tinh thần trách nhiệm và ý chí vươn lên. Đối với học sinh, đây là cơ hội để xây dựng nhân cách, định hướng giá trị sống trong thời đại hội nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều em vẫn xem môn học này như một môn bắt buộc, học để đối phó thay vì thấm nhuần giá trị thực sự. Vì vậy, các giải pháp cần tập trung vào việc làm cho nội dung trở nên gần gũi, hấp dẫn và có tính ứng dụng cao.
Kết hợp lý thuyết với thực hành
Một trong những giải pháp quan trọng là gắn lý thuyết với các hoạt động thực tiễn để học sinh không chỉ học thuộc mà còn hiểu và làm theo. Thay vì chỉ giảng giải về tư tưởng Hồ Chí Minh qua sách vở, giáo viên có thể tổ chức các buổi thảo luận, thực hành hoặc tham quan thực tế. Thời gian qua, nhiều trường học đã tổ chức các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM; học sinh được chia nhóm, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ như tìm hiểu về một câu chuyện cụ thể trong cuộc đời Bác (ví dụ: thời gian Bác sống ở hang Pác Bó, lúc Bác làm việc ở Tân Trào…), sau đó thuyết trình và rút ra bài học về sự giản dị, tinh thần hy sinh. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn mà còn khơi dậy sự tò mò và hứng thú. Cạnh đó, giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin để minh họa các bài học, đây là cách hiệu quả để thu hút học sinh. Cụ thể, giáo viên có thể sử dụng video, hình ảnh, hoặc các ứng dụng tương tác để tái hiện cuộc đời và tư tưởng của Bác…
Lồng ghép tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các môn học
Thay vì chỉ tập trung vào một môn học riêng lẻ, tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được lồng ghép vào các môn học khác để tạo sự liên kết và tính ứng dụng cao hơn. Chẳng hạn, trong môn ngữ văn, khi giảng dạy các tác phẩm văn học yêu nước như Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, giáo viên có thể phân tích sâu về tư tưởng tự do, độc lập của Bác, đồng thời khuyến khích học sinh viết bài cảm nhận về ý nghĩa của độc lập trong thời đại ngày nay. Hay việc tổ chức các bài kiểm tra liên quan đến Bác Hồ cũng có thể tạo ra hiệu ứng đặc biệt, như trường hợp một bài kiểm tra yêu cầu học sinh lớp 9 viết bài văn nghị luận với đề tài “Nếu được gặp Bác Hồ, em sẽ nói gì?”. Qua bài viết dạng này, các em không chỉ rèn kỹ năng viết mà còn bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân với đất nước, từ đó hiểu sâu hơn tư tưởng của Bác.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa và phong trào thi đua
Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách hiệu quả để khuyến khích học sinh chủ động học tập và nghiên cứu. Hay các phong trào “Làm theo lời Bác”, “Tiết kiệm như Bác”, “Học tập tốt, lao động tốt”… cần được triển khai với những hành động cụ thể, dễ thực hiện trong các trường học. Chẳng hạn, có trường tiểu học phát động phong trào “Hộp tiết kiệm của Bác”, khuyến khích học sinh tiết kiệm tiền lẻ từ tiền tiêu vặt, sau đó dùng số tiền này để mua sách vở tặng các bạn khó khăn. Qua hoạt động này, các em học được tính tiết kiệm và lòng nhân ái của Bác Hồ. |
Trong môn lịch sử, khi dạy về các giai đoạn đấu tranh giành độc lập, giáo viên có thể nhấn mạnh vai trò của Hồ Chí Minh, phân tích phong cách lãnh đạo và đạo đức của Bác trong từng sự kiện lịch sử. Có trường học, giáo viên đã tổ chức một buổi học theo hình thức đóng vai, trong đó học sinh hóa thân thành các nhân vật lịch sử để tái hiện một số hoạt động của Đảng; qua đó, các em cảm nhận rõ hơn tinh thần quyết đoán, sáng tạo của Bác trong công cuộc lãnh đạo cách mạng.
Phát huy vai trò của giáo viên và gia đình
Học Bác Hồ rất cần sự nêu gương của người lớn. Theo đó, giáo viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để truyền đạt nội dung một cách hấp dẫn. Các buổi tập huấn định kỳ về phương pháp giảng dạy sáng tạo là cần thiết. Chẳng hạn, có địa phương đã tổ chức khóa tập huấn cho giáo viên về cách kể chuyện sinh động liên quan đến cuộc đời Bác Hồ; sau khóa tập huấn, nhiều giáo viên đã áp dụng phương pháp kể chuyện kết hợp biểu diễn để thu hút học sinh. Ngoài ra, phối hợp với gia đình trong việc giáo dục trẻ về tư tưởng, đạo đức Bác Hồ cũng rất cần thiết. Bởi gia đình là môi trường quan trọng để củng cố những giá trị mà học sinh tiếp thu ở trường; phụ huynh cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh. Có trường học đã tổ chức buổi họp phụ huynh với chủ đề “Cùng con học theo Bác”, để các bậc cha mẹ được nghe câu chuyện về sự giản dị của Bác và cùng cam kết hướng dẫn con thực hành những điều nhỏ như không lãng phí đồ ăn, chăm chỉ học tập…
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân có ích, sống đẹp và có ý chí vươn lên. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cần có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, cùng với việc gắn lý thuyết với thực tiễn. Điều quan trọng là mỗi nhà trường cần linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cụ thể, từ đó giúp học sinh không chỉ học mà còn sống theo những giá trị cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
Đồng thời, để đảm bảo tính thiết thực cần có cơ chế đánh giá hiệu quả việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Thay vì chỉ dựa vào điểm số, nhà trường có thể đánh giá qua hành động cụ thể của học sinh trong cuộc sống hằng ngày; qua đó, giáo viên dựa vào đó để đánh giá mức độ thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)