Cô Văn Lệ Di không chỉ được mọi người biết đến với vai trò là một Bí thư Chi bộ khu phố 4 (phường 4, Q.5, TP.HCM) mà còn là một cán bộ giản dị, gương mẫu, tận tâm tận lực với công việc, hết lòng vì người nghèo. Mới đây, cô vinh dự nhận được Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019.
Cô Văn Lệ Di (phải) luôn quan tâm, gần gũi bà con trong khu phố
Cô cán bộ tận tâm
Ở cái tuổi 63, cô Di vẫn còn rất hăng say với công tác xã hội “bởi điều đó vừa giúp mình mang lại niềm vui vừa có cớ tới lui thăm hỏi, gần gũi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chật vật”.
Trước đây, cô Di làm nhân viên cho Công ty Dịch vụ công ích Q.5. Từ sau năm 2011, cô làm Chi hội trưởng cựu chiến binh, sau đó làm Chi hội trưởng khuyến học rồi đến Tổ trưởng Câu lạc bộ (CLB) Cán bộ hội phường. Từ năm 2015 đến nay, cô được đề cử làm Bí thư Chi bộ khu phố. Ở cương vị nào cô cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Vốn là người dân tộc Hoa, sinh sống trên địa bàn Q.5 (địa bàn của người Hoa) nhưng cô vẫn nhận thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên việc học thôi thì chưa đủ mà còn phải làm những công việc thiết thực. Chính vì thế, cô cán bộ tận tâm này luôn tìm hiểu và đưa ra nhiều giải pháp để tuyên truyền và vận động các chị em tại địa phương phấn đấu học tập, làm theo gương Bác bằng những công trình cụ thể.
Trong vai trò là thành viên của CLB Cán bộ hội, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB Gia đình nuôi dạy con tốt… cô đã vận dụng các kiến thức, kỹ năng có được để tuyên truyền, vận động các gia đình người Hoa kế hoạch hóa; nhân rộng điển hình những tấm gương nuôi con thành đạt, hiếu thảo để mọi người cùng tôn vinh và học tập.
Không dừng lại ở đó, cô còn tham gia giải quyết các tranh chấp cho người dân về nhà ở, hộ khẩu, quan hệ gia đình, giúp cụ già neo đơn. Cũng chính nhờ sự tận tâm của mình, cô đã can thiệp cho một trường hợp được miễn thuế thu nhập với số tiền 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, cô Di còn kiến nghị phường quan tâm giải quyết và thực hiện nhiều công trình, hoạt động phục vụ dân sinh: vận động các hộ dân, tạo sự đồng thuận và tham gia đóng góp kinh phí cùng địa phương để sửa chữa, nâng cấp hẻm 209 Lê Hồng Phong theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Song song đó là vận động và tổ chức phát gạo hàng tháng cho những hộ dân nghèo; vận động ủng hộ quỹ khuyến học chăm lo cho các cháu tại khu phố…
Không chỉ vận động, bản thân cô cũng tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa bàn mình phát động; tích cực tham gia thực hiện các công trình của chi bộ nhằm phục vụ nhân dân thiết thực, phù hợp như: thực hiện công trình trang bị bàn ghế, loa để phục vụ các cuộc họp, hội nghị của khu phố với tổng trị giá khoảng 10.000.000 đồng từ nguồn vận động từ đảng viên; thực hiện công trình sửa chữa nhà tình thương cho hộ khó khăn; thực hiện công trình sửa chữa duy tu đường dây điện chiếu sáng hẻm với số tiền hơn 8.000.000 đồng vận động trong dân.
Cầu nối giữa chính quyền với người dân
Với sự cống hiến của mình, những năm qua, cô Di nhận được nhiều bằng khen danh giá: Bằng khen về công tác dân vận khéo của Thành ủy TP.HCM (2018); Bằng khen của Thành hội về phụ nữ dân tộc tiêu biểu; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM về hoàn thành xuất sắc công tác hội. Mới đây nhất, cô vinh dự nhận được Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019…
Khi được hỏi trong các bằng khen được nhận, cô hài lòng nhất là cái nào? Cô Di không cần suy nghĩ mà liền trả lời, đó là “Bằng lòng”. Tấm bằng này không phải là thứ mà người ta có thể cầm, nắm, sờ mó được mà xuất phát từ sự hài lòng, sự tin yêu mà bà con dành cho cô. Cô Di nói: “Bằng lòng của dân là quý nhất đối với tôi”. |
Để người dân tin tưởng, quý trọng, cô Di luôn rèn luyện cho mình trở thành một người gương mẫu thực hiện phương châm “Gần dân, trọng dân, gắn bó với nhân dân” bằng cách thường xuyên thăm hỏi gần gũi nắm tâm tư, nguyện vọng của dân để khi họ cần gì có thể hỏi đó. Cái nào mình biết thì giải thích, cái nào chưa biết thì hẹn trả lời sau, cái gì nhân dân nhờ thì mình hỏi giùm. Đặc biệt khi đã hứa gì với mọi người là phải ráng thực hiện. “Bên cạnh đó, mình còn động viên, hướng dẫn, giải thích những chủ trương, chính sách của Nhà nước để họ hiểu, đồng thuận và tham gia thực hiện tốt” – cô Di chia sẻ.
Với cô Di, tất cả đều xuất phát từ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Được tiếp cận về thân thế sự nghiệp và các mẩu chuyện kể về Bác từ lúc còn tham gia công tác Đoàn, tôi rất ngưỡng mộ và yêu thích phong cách của Người. Những ký ức đó giúp tôi khẳng định mục tiêu lý tưởng để phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ trong suốt thời gian còn đương chức cho đến nghỉ hưu. Nói khó không khó nhưng quả thật không dễ. Bởi Bác là tấm gương mình soi vào mỗi ngày, mỗi việc. Khi làm gì khó khăn trở ngại mình lại liên tưởng đến cách Bác giải quyết, việc Bác dặn dò. Học Bác về tư tưởng đạo đức phong cách là phải học suốt đời và rèn luyện thường xuyên”.
Không chỉ nhận được sự tin yêu của bà con, cô Di còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ từ người chồng của mình. “Nói chung ông xã cũng là bộ đội nên công việc cô làm chú không phản đối. Đôi lúc cần chú sẵn sàng giúp. Chính điều đó đã giúp cô vừa giỏi việc ngoài, đảm việc nhà” – cô Di nói trong niềm hạnh phúc.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)