Có khiếm khuyết trên thân thể, nhưng những người thầy, cô giáo ấy quyết không đầu hàng số phận. Họ vươn lên bằng cách nỗ lực học tập để hòa nhập vào cuộc sống và mang kiến thức cũng như cả tấm lòng của mình để giảng dạy, chăm lo cho các em có hoàn cảnh giống mình, giúp các em tự tin phát triển kỹ năng.
Không phấn đấu, tương lai sẽ là bóng tối
Hôm chúng tôi đến Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TPHCM), thầy Nguyễn Quốc Phong đang cùng các em học ở phòng vi tính. Các em chăm chú lần mò từng con chữ trên bàn phím, lâu lâu lại gọi thầy í ơi. Thầy Phong với 2 mắt bị mù, lần trong bóng tối đến giúp các em. “Dạy học trò bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật lại càng khó trăm bề. Nhưng vì tôi cũng là một người mù nên tôi hiểu các em. Chỉ có học vấn mới giúp các em hòa nhập vào cuộc sống”, thầy Phong chia sẻ.
Thầy Nguyễn Quốc Phong bên các học trò khiếm thị trong tiết học vi tính. Ảnh: Thái Phương
Với mong muốn tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nền giáo dục toàn diện và phù hợp. Giúp trẻ phát triển hết tiềm năng cũng như có kiến thức, kỹ năng cần thiết để vươn lên sống tự lập và hòa nhập xã hội, thầy Phong quyết tâm thành lập Mái ấm Thiên Ân. Tại đây, thầy tạo mọi điều kiện để các em phát triển kỹ năng. Đã từ lâu, thầy giống như một người cha chăm chút lo cho bầy con gần 30 đứa. Đứa có khiếu âm nhạc, thầy cho học nhạc, ai giỏi vi tính, ngoại ngữ… cứ theo năng khiếu mà phát triển. Không chỉ học ở mái ấm, các em còn được thầy lo cho đi học ở các trường cao đẳng, đại học.
“Thầy nói học là không thừa. Không học thì tương lai mù mịt. Thầy nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình yêu thương và bao dung giống như người cha thứ 2 của chúng em vậy. Nhờ thầy, chúng em đã thành người hữu ích”, Nguyễn Thị Kiều Oanh (quê Đồng Nai) nói về thầy.
Nhờ tình yêu thương của thầy, đến nay đã có hơn 120 em ra trường, rời mái ấm và có cuộc sống ổn định. “Dạy trẻ khuyết tật khó khăn lắm vì mỗi em có một hoàn cảnh và khả năng tiếp thu khác nhau. Không chỉ cầm tay từng em để dạy chữ mà mình cũng phải hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng em để kịp thời động viên các em bước tiếp”, thầy Phạm Văn Sim (dạy tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai) người bị mù 2 mắt, cụt tay trái và điếc 1 tai cho biết. Nhưng với thầy, nếu dành cả tình yêu thương và tâm huyết cho trẻ sẽ giúp các em vượt qua khó khăn. Nhiều em nghĩ bị mù là mù tịt tương lai nên nản chí. Thầy tìm đến nhà và lấy mình ra làm ví dụ để các em hiểu rằng mình chỉ mù 2 mắt nhưng vẫn có thể hòa nhập cuộc sống nếu phấn đấu học tập.
“Đại sứ” của người khuyết tật
Nhìn các em trong tổ chức Cộng đồng điếc, câm TPHCM say sưa tập luyện một bài hát với những động tác uyển chuyển đẹp mắt cùng với nụ cười luôn nở trên môi, không ai có thể nghĩ các em là người khuyết tật. Người dạy các em là cô Phạm Cao Phương Thảo. Là người bình thường nhưng đứa con trai duy nhất của cô là Đoàn Phạm Khiêm lại bị câm điếc. Qua quá trình cùng con “tìm tiếng nói”, cô hiểu những gì người câm điếc phải chịu đựng và biết cần làm gì để giúp họ: “Chỉ có học mới giúp các bạn vượt qua mặc cảm, sống có ích cho bản thân và xã hội”. Nghĩ là làm, cô cùng con trai và các bạn thành lập tổ chức Cộng đồng điếc, câm TPHCM để tiếp nhận những người cùng cảnh ngộ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là mái ấm cho hơn 250 thành viên từ 16 đến gần 70 tuổi.
Cô Thảo tâm sự: “Khó khăn lớn nhất khi dạy cho người câm điếc là họ hoàn toàn không có kiến thức, sự nhận biết về xã hội cũng rất kém mà lại nhanh quên. Hơn nữa, cách suy nghĩ của người câm điếc rất khác với người bình thường, họ chỉ nhìn và suy luận chứ không hề nghe được, giao tiếp được nên rất khó để giúp họ hiểu”. Có khi cô phải giải thích một vấn đề đến “rát cổ họng, sùi bọt mép” mà các em vẫn không hiểu, cứ cãi lại. Rất nhiều lần, cô Thảo ứa nước mắt vì giận, nhưng nghĩ lại bỏ các em không đành nên cô tiếp tục. Không chỉ dạy thủ ngữ, cô Thảo và con trai còn dạy về kỹ năng sống, văn nghệ, giao tiếp, ứng xử và pháp luật cho người câm điếc.
Giờ đây, khi đã gần bước sang tuổi 60, mắt đã mờ, nhưng cô vẫn dạy các em kỹ năng sống rồi giúp họ tìm việc làm. Bên cạnh đó, hàng ngày, cô còn đi tìm quyền lợi cho người câm điếc để giúp họ có chỗ đứng trong xã hội. Mong muốn lớn nhất của cô hiện nay là hy vọng có thể vận động được gia đình, các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở dạy học, dạy nghề cho người câm điếc, nhằm giúp các em có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Với thầy Phong, thầy Sim hay cô Thảo thì niềm vui, hạnh phúc chính là nhìn thấy các em trưởng thành, sống có ích và vững tin trên bước đường đời. Ngày 20-11 lại về. Xin gửi lời tri ân đến những người thầy đã dành cả đời mình cho trẻ em khuyết tật.
THÁI PHƯƠNG – PHẠM DIỄM
(SGGP)
Bình luận (0)