Các thầy cô trong Chi bộ nhà trường và 6 em HS “đặc biệt” |
Chạy xe gần 20km, sau nhiều đoạn đường khúc khuỷu và bụi mù, chúng tôi qua cầu Tăng Long đến Khu di tích lịch sử Căn cứ Vùng Bưng 6 xã, rồi rẽ trái, trước mắt là một màu xanh ngút ngàn của cây và hoa, ẩn hiện một ngôi trường nhỏ nhắn, gọn xinh… đó là Trường Tiểu học Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM).
Điều đặc biệt của ngôi trường này là tình người luôn được vun đắp đủ đầy, khi tập thể thầy cô giáo đảm đương gánh vác gần 300 HS/1.000 HS thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các em vẫn được chăm lo, san sẻ yêu thương nhờ những “người mẹ” thứ hai của mình.
Chỉ nước mắt mới làm trôi đi éo le, khốn khó
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp là một người hiệu trưởng có khuôn mặt nhân hậu, luôn toát lên sự gần gũi, cởi mở, đó là cô Lê Thị Ngọc Hạnh (Hiệu trưởng nhà trường). Cô Hạnh tâm sự: “24 năm tuổi nghề, biết bao niềm vui và nỗi buồn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân lại được đặt trong một hoàn cảnh chỉ có… nước mắt mới làm trôi đi những éo le, khốn khó mà HS của mình gặp phải!”. Ánh mắt xa xăm, giọng cô chùng xuống: Cách đây khoảng một tháng tại Q.9 đã xảy ra một vụ giết người rồi tự sát, người đàn ông đó để lại hai cô con gái nhỏ, 9 tuổi và 11 tuổi, cả hai em đều là HS của trường. Điều đau lòng hơn là mẹ của các em đã mất trước đó mấy năm, khi người cha làm chuyện dại dột (giết người tình), hai em chỉ còn biết bám víu vào bà nội nhưng bà cũng già và sức khỏe kém. Cả trường đau xót, vì nguy cơ bỏ học của hai em lơ lửng trên đầu, tôi và Chi bộ trường đau đáu chưa biết làm cách nào để an ủi và quan trọng nhất vẫn giúp các em tới trường. Sau đó, Chi bộ cũng tìm ra hướng giải quyết: Vận động các thầy cô trong trường quyên góp, hỗ trợ quần áo, sách tập và bữa ăn trưa hàng ngày khi các em tới lớp. Rất mừng, cả hai em đều có nghị lực, biết vượt qua hoàn cảnh để không bỏ học, không những thế các em rất chăm chỉ học hành và là những HS khá giỏi của lớp”.
Tôi và chị vẫn còn đang trong dòng suy tư về những cảnh đời cơ cực này, bất chợt thầy Nguyễn Thanh Sơn cõng một em HS trên vai, xuống tới phòng cô Hạnh, hổn hển nói không ra lời: Cô ơi, em Huỳnh (Nguyễn Trọng Huỳnh – lớp 3/5) đang học thì kêu đau và nhức chân không thể học được. Hối hả, chị lấy dầu ra xoa bóp chân cho Huỳnh rồi vội kêu người chở em tới Bệnh viện Q.9 để tập vật lý trị liệu. Lúc quay lại, tôi thấy đôi mắt chị vẫn còn đỏ hoe, chị nức nở: “Tôi coi em Huỳnh như con của mình, vì em có hoàn cảnh rất thương tâm. Ba bỏ bốn mẹ con theo nhân tình. Trước tình cảnh này buộc người chị lớn của Huỳnh phải bỏ học giữa chừng khi giấc mơ làm cô giáo sắp thành hiện thực để đi làm phụ giúp nuôi em. Năm 2011, phát hiện Huỳnh bị bệnh loạn dưỡng cơ, lúc này đất và nhà đã bị ba bán hết rồi ôm tiền theo bồ nhí, người mẹ xoay chạy cũng chỉ đủ một lần đưa đi khám và mua thuốc. Đến nay không còn điều kiện, nên mẹ em đành phó mặc Huỳnh cho… trời. Khi thầy cô đến động viên cho Huỳnh quay lại lớp và cho em đi khám bệnh, mẹ em xót xa: “Tôi đã cố hết sức nhưng đành chịu, sau này để cháu ngồi xe lăn đi bán vé số thôi”.
Tôi lại tiếp tục được chị kể cho nghe một câu chuyện HS của trường cũng có hoàn cảnh xót xa không kém. Cha là kỹ sư xây dựng, gia đình có kinh tế nhưng đầu năm 2013 phát hiện mình bị bệnh ung thư, bao nhiêu tiền của, nhà đất bán hết để lo chữa bệnh. Nhưng rồi cuối cùng người cha này cũng không vượt qua được định mệnh và ra đi để lại cõi trần ba cô con gái nhỏ. Các cháu chăm ngoan, học giỏi… nhưng nghịch cảnh quá éo le nên đành phải nghỉ học. Quá xót xa, cô Hạnh cùng các thành viên trong Chi bộ tìm tới phòng trọ của ba mẹ con (bên Q.Thủ Đức) để thuyết phục cho các em quay lại trường. Nhà trường hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất kể cả tìm giúp công việc cho người mẹ… Ngẫm về tương lai, cô Hạnh thổ lộ: “Nhà trường có bao nhiêu “nội lực” đều quyết tâm dành hết cho các em kể cả gần 300 HS nghèo khác nhưng tôi và tập thể nhà trường luôn canh cánh trong lòng”.
Làm theo và tự giác làm theo Bác
Đến nay, Trường Tiểu học Trường Thạnh đã được 10 năm tuổi, nằm trong tốp 4 trường… nghèo nhất Q.9, có nhiều em sáng ăn củ mì, khoai luộc hoặc nhịn đói tới trường, chiều “quần quật” phụ giúp mẹ cha kiếm từng đồng cắc còm cõi nhưng không em nào phải bỏ học giữa chừng. Bởi nơi đây có một Chi bộ Đảng luôn “Noi gương Bác, làm theo lời Bác” thực hiện phương châm: Lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân… để dạy dỗ, đào tạo các em – mầm non tương lai của đất nước – nên vóc nên người. Còn cô Hạnh bật mí: “Chi bộ trường có 8 đảng viên, 6 HS có hoàn cảnh đặc biệt này được các đảng viên trong Chi bộ chia nhau gánh vác, có nhiều thầy cô có hoàn cảnh khó khăn cũng không nản. Chúng tôi tâm niệm: “Đảng viên phải đi trước, làng nước theo sau” như lời Bác dạy, nếu một cá nhân trong Chi bộ “nản” thì những thầy cô giáo khác sẽ xao động. Do đó, người thì nhận chăm bữa ăn, người thì đi thuyết phục các mạnh thường quân, phụ huynh có điều kiện trong trường đóng góp tiền của để trang bị cho các em sách, tập, quần áo. Tôi và những thầy cô khác trong trường phân công nhau, ai có thời gian rảnh sẽ chở em Huỳnh đi khám, tập vật lý trị liệu… Rất mừng, mẹ em Huỳnh sau khi thấy được những việc làm của trường đã hứa: Sẽ phối hợp tốt cùng nhà trường chăm lo và cố gắng điều trị bệnh cho em”.
Ông Nguyễn Hữu Việt – Bí thư Quận ủy Q.9 xúc động cho biết: “Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo gương đạo đức, tư tưởng Bác, tại Q.9 “học tập” sang “làm theo” và “tự giác làm theo” không chỉ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận… mà còn lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Qua 2 năm thực hiện toàn quận đã có 10 tập thể và cá nhân điển hình được biểu dương, khen thưởng cấp TP. Trường Tiểu học Trường Thạnh và cá nhân cô Lê Thị Ngọc Hạnh là một trong số đó, nhà trường và cô Hạnh xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.
Bài, ảnh: Lê QUang Huy
Bình luận (0)