Thầy cô trong Tổ văn Trường THCS Nguyễn Thị Thập chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh của trường |
Học và làm theo Bác phải từ những chuyện nhỏ nhất, đặc biệt phải luôn khiêm tốn – sáng tạo, tương thân – tương ái trong công việc. Đây là một trong những đức tính rất quan trọng mà những người “trồng người” phải luôn đặc biệt coi trọng và học tập.
Thương người như thể thương thân
Hơn 30 năm tuổi nghề, nếm trải biết bao vui buồn, sướng khổ với nghề, có những lúc chỉ biết ôm học trò vào lòng thổn thức, đó là cô Phan Thị Như Mai, GV Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định. Cô Mai chia sẻ: “GV dạy tiểu học như chúng tôi, hàng ngày hàng giờ phải tiếp xúc với phụ huynh (PH), học sinh (HS). Có khi PH rất niềm nở, vui vẻ san sẻ những khó khăn, thuận lợi với cô giáo, cũng có khi PH coi cô giáo là… nơi để trút những bực tức, giận hờn. Vì vậy, người GV phải thật sự linh động để thích nghi với những cung bậc cảm xúc đó! Nhiều khi gặp những GV trẻ mới ra trường bị tình huống này, có cô không biết xử lý ra sao chỉ biết ngồi ôm mặt khóc, có cô “đỏ mặt” làm thinh… trách nhiệm của những người đi trước như chúng tôi, phải truyền đạt kinh nghiệm cho các cô giáo trẻ, động viên, chia sẻ vẫn chưa thấy đủ mà có khi còn cần phải “dắt tay chỉ việc”. Vì tôi quan niệm, lời nói phải đi đôi với việc làm, nhiều khi mình giáo điều, người trẻ chưa hiểu hết coi như công cốc. Bác Hồ từng dạy “Nghề dạy học là một trong những nghề cao quý nhất”, thương mến đồng nghiệp đi sau như người bạn, vui với cái vui của đồng nghiệp, buồn với cái buồn của đồng nghiệp để đồng nghiệp vững tâm với nghề, gắn bó và truyền được lửa cho HS, đó chính là cách học và làm theo Bác thiết thực nhất. “Trong nghề, việc dạy học cho HS có thể trạng bình thường đã khó nhưng với trẻ em khuyết tật càng khó hơn, đòi hỏi ở người GV phải có một cái tâm trong sáng và thật sự yêu nghề mới vượt qua được những khó khăn này”, cô Mai thổ lộ. Trẻ em khuyết tật rất đáng yêu và dễ thương nhưng do những “khiếm khuyết” trên cơ thể, làm cho cơ hội được học tập, vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi của những em này bị cản trở đến tội nghiệp. Do đó, đòi hỏi mỗi GV phải có lòng nhân ái, cái nhìn mới về khả năng của các em. Nhớ mãi về em Nguyễn Thanh An, một HS khuyết tật trong lớp mình, cô Mai tâm sự: “Trước khi bước vào năm học 2009-2010, tôi được một PH tìm tới tận nhà để năn nỉ: “Cô ơi, hãy giúp và nhận cháu vào học, tôi đã đi và gửi cháu nhiều nơi nhưng chỉ được thời gian ngắn, không ai tiếp tục dạy cháu nữa! Thắc mắc, tôi hỏi lại: Tại sao vậy, em có quyền được học tập như các bạn mà? Nước mắt chợt rơi nơi khóe mắt, vị PH ngập ngừng nói: Cháu là trẻ khuyết tật. Khi An tới lớp, trong một tiết dạy, em thủ thỉ: Cô ư… ai, con… è! Biết An nói gì, tôi đồng ý, cho em đi vệ sinh rồi tập trung giảng bài cho những HS khác nhưng mãi không thấy An đi, tôi lại nhắc em. Run rẩy, An bám thành bàn đứng dậy rồi khụy xuống, lúc đó tôi mới phát hiện em bị liệt hai chi dưới. Giật mình, nhớ lại những lúc em tới trường đều được ba ẵm vô lớp, tôi còn “vô tình” nói với các bạn khác: Các em thấy không, bạn An sướng nhất lớp mình khi đi học đều được ba ẵm vào lớp. Ngấn lệ nơi khóe mắt, tôi xin lỗi An rồi bồng em ra nhà vệ sinh, sau này mỗi khi dạy tôi đều chuẩn bị trước nội dung bài giảng, in cho An một bộ rồi mới tập trung vào giảng bài. Từ em An tôi rút ra cho bản thân rất nhiều bài học bổ ích, đó là: “GV dạy lớp hòa nhập cần quán triệt mục tiêu và yêu cầu của lớp hòa nhập. Trong lớp trẻ em khuyết tật phải được hòa nhập về mọi mặt từ thể chất tới tâm hồn. GV phải tìm hiểu và đánh giá các em rất cụ thể, tỉ mỉ và thường xuyên hơn”.
“Một gia đình” yêu thương
Cha bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt một chỗ, gia đình neo đơn, khó khăn trăm bề nhưng được sự quan tâm, chia sẻ động viên kịp thời của cơ quan, nhất là đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Hồng Thắm đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình tại trường, người cha cũng khỏe mạnh hơn khi có bàn tay chăm sóc của con. Nhưng để làm được những việc này, sự quan tâm và chia sẻ của đồng nghiệp trong trường là động lực to lớn nhất. Nói về việc này, cô Võ Bảo Đào Diễm, Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7), cho biết: “Học và làm theo Bác từ những việc đơn giản nhất, tinh thần tương thân – tương ái luôn là nét đẹp trong tập thể sư phạm nhà trường. Các thành viên luôn biết nghĩ đến nhau, đến những người khác bằng những việc làm cụ thể như sẵn sàng “choàng gánh” công việc cho nhau vì nhiệm vụ chung, không so đo, kèn cựa trong công việc. Cô Thắm là thành viên trong tổ văn, khi biết được hoàn cảnh của cô, mỗi thành viên trong tổ đã chủ động nhận phần việc về mình như: Chấm điểm, sinh hoạt lớp… để giúp cô có thêm thời gian ở nhà chăm sóc cha. Chính sự sẻ chia đó là nguồn động lực giúp Thắm vượt qua từ khó khăn này đến khó khăn khác và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hạnh phúc với những đóng góp của cá nhân và tập thể để Trường THCS Nguyễn Thị Thập ngày càng trong sạch – vững mạnh, là nơi tin cậy, trao gửi của PH, cô Nguyễn Thị Thu (Hiệu trưởng nhà trường) tâm sự: “Để có một tổ văn nói riêng và cả một ngôi trường đoàn kết – thương yêu – đùm bọc – lớn mạnh như ngày hôm nay là sự đóng góp không mệt mỏi của cả hội đồng sư phạm, sự chung sức của PHHS. Nhà trường luôn quán triệt: Mỗi một cá nhân là một thành viên không thể tách rời trong một “đại gia đình” Nguyễn Thị Thập, vì vậy, dù tôi là cán bộ quản lý hay bất cứ một GV, CNV nào trong trường cũng luôn phải làm gương đi đầu, khiêm tốn và dám nghĩ dám làm. Có làm được như vậy mới thật sự là một tấm gương để HS noi theo”.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo quận 7, thừa nhận: “Cuộc vận động CB-GV-CNV toàn ngành GD-ĐT quận 7 học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào chiều sâu với kết quả có 20 tập thể và 78 cá nhân được khen thưởng, điều này đã khẳng định được cách làm, cách học tập theo Bác của ngành GD-ĐT quận 7 đang đi đúng hướng và thực tế. Cô Mai và tập thể Tổ văn Trường THCS Nguyễn Thị Thập là một trong những cá nhân, tập thể được khen thưởng là những bông hoa tươi thắm nhất của ngành GD-ĐT quận 7”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)