Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học tập vì niềm tự hào… Ngô Bảo Châu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau sự kiện GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng toán học, phong trào học tập tại các trường THPT rất khí thế. Học sinh Trường THPT DL Trương Vĩnh Ký trong giờ học thí nghiệm môn hóa

Nhân sự kiện giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu – nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá Fields, trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) có nhà toán học đoạt giải Fields – nhiều trường THPT tại TP.HCM đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy tinh thần học tập ở học sinh (HS).
Đã hơn một tuần trôi qua mà dư âm về sự kiện GS. Ngô Bảo Châu dường như vẫn chưa lắng xuống. Khắp nơi từ trường học, công sở, đường phố… đâu đâu cũng bàn luận sôi nổi về con người này. Sự kiện đó được ví như “một viên sỏi ném xuống mặt hồ tĩnh lặng”, khơi dậy tinh thần học tập, niềm tự hào trong tâm hồn người Việt Nam.
Phong phú về hình thức
Tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Ban giám hiệu nhà trường đã cho treo hai tấm băng rôn “Tự hào trí tuệ Việt Nam” và “GS. Ngô Bảo Châu – giải thưởng toán học Fields” trong sân trường. Thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mục đích của việc làm trên là nhằm khích lệ niềm tự hào của HS về một con người mang dòng máu Việt. Chính niềm tự hào đó sẽ thúc đẩy tinh thần học tập của các em. “Nhà trường còn phát động nhiều phong trào và hoạt động từ Hội đồng giáo viên cho tới HS nhằm tiếp bước sự thành công của GS. Ngô Bảo Châu. Trong đó, phong trào được đẩy mạnh là “thi đua học tập và nghiên cứu khoa học”. Đây vốn là hoạt động nhằm tạo cho các em sự đam mê, hứng thú về các môn khoa học. Những thành công trong quá trình học tập và sáng tạo đó sẽ giúp cho HS niềm tin về khả năng của mình. Các em hoàn toàn có thể biến ước mơ thành hiện thực nếu có sự đam mê và cố gắng”, thầy Dụng chia sẻ.
Trường THPT Lê Quý Đôn cũng có nhiều hoạt động cụ thể từ buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần ngay sau sự kiện này. Nhờ đó các em HS biết sâu sát hơn về người đoạt giải thưởng, về những mẩu chuyện vui trong quá trình học tập và nghiên cứu của GS. Châu thông qua bài viết của một giáo viên trong trường. Ngoài ra các giáo viên trong Tổ toán đã cho HS tiếp cận với những bài toán đố vui vốn không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tư duy mới tìm ra được đáp án chính xác. “Chúng tôi sẽ đưa các bài toán đố vui vào giờ sinh hoạt tập thể mỗi sáng thứ hai. 10 HS có kết quả đúng và nhanh nhất sẽ được nhận phần thưởng vào giờ sinh hoạt đầu tuần sau. Tuy chỉ là một cuộc thi đố vui nhằm gợi sự tư duy và sự thích thú đối với môn toán nhưng từ tuần đầu tiên phát động, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo HS, trong đó có nhiều HS lớp 10 mới vào trường”, cô Đỗ Thị Bích Duyên, Phó hiệu trưởng nhà trường vui vẻ nói.
Sắc bén nội dung
Không “rầm rộ” và mang nặng về hoạt động nhưng nhiều trường THPT cũng đã “mượn” sự kiện GS. Ngô Bảo Châu để nói về cách thức cũng như tinh thần học tập ở giới trẻ hiện nay. Giờ sinh hoạt tập thể đầu tuần của thầy trò Trường THPT Gia Định được bắt đầu bằng câu hỏi: “Các bạn nghỉ hè có vui không?”, và câu trả lời nhận được từ hàng trăm HS là “Không”. Nhiều em HS nói: “Vui sao được khi nghỉ hè chưa được bao lâu, các em lại phải đến trường, miệt mài đánh vật với sách vở… Nhưng “chớp” ngay lấy câu trả lời đó, cô Hiệu phó Hoàng Thị Diễm Trang đã mở đầu cho đề tài nói về người mang niềm tự hào của Việt Nam đến với thế giới. Đó không chỉ là cuộc trò chuyện về người đoạt giải, mà còn là những định hướng giúp các em tìm lại chính mình. “Chúng tôi chỉ mượn tấm gương GS. Ngô Bảo Châu để nói về tinh thần học tập của các em, để các em thấy được rằng: Thành công mà GS. Châu đạt được không phải được thực hiện trong một, hai ngày mà là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện lâu dài. Và trong quá trình đó, ông không thể thành công nếu chỉ có một mình. Điều nhà trường muốn giáo dục các em là ý thức trong việc học, trong việc quyết định tương lai cho mình, không nên coi môn học này ít quan trọng hơn môn học kia. Những điều các em học được ở trường là kiến thức, kĩ năng và nhân cách. Các em có thể không trở thành Ngô Bảo Châu thứ hai nhưng hoàn toàn có thể trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội”, cô Diễm Trang nhấn mạnh. Tương tự, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân đã được nghe những lời khuyên chân tình từ cô Phó hiệu trưởng Trần Thị Kim Thu: “Cô mong rằng, các em sẽ học tập theo tấm gương của GS. Châu, cố gắng phát huy, tiếp thu, trau dồi kiến thức để có được những thành công, kết quả tốt nhất. Sau này, các em sẽ đem tài năng của mình phụng sự đất nước, vinh danh dân tộc Việt Nam. Chính các em là người quyết định tương lai của đất nước này”.
Trong khi đó, không tách biệt với sự kiện trọng đại có một không hai này, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã có những câu hỏi đố vui về quá trình học tập, phấn đấu của GS. Ngô Bảo Châu. Từ phần đối đáp này, các em đã tự mình nhận thức được sự phấn đấu và vai trò của thanh niên Việt Nam trong thời đại mới. Cùng với việc nói về GS. Châu, trường cũng giới thiệu về hai học sinh xuất sắc, đạt kết quả cao trong kì thi ĐH, CĐ vừa qua. “Chúng tôi giới thiệu HS điển hình để các em thấy rằng: không ở đâu xa xôi, ngay trong trường mình cũng có nhiều tấm gương đáng để học tập. Sự kiện này sẽ giúp cho những em thích học toán được khích lệ, có thêm niềm tin vào môn học ưa thích của mình”, thầy Phạm Đăng Khoa, trợ lý thanh niên chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Những điều các em học được ở trường là kiến thức, kĩ năng và nhân cách. Các em có thể không trở thành Ngô Bảo Châu thứ hai nhưng hoàn toàn có thể trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội – cô Hoàng Thị Diễm Trang khẳng định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)