Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Học tập vui tươi là chìa khóa vàng cho giáo dục mẫu giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nhắc đến những kỷ niệm tuổi thơ, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những trò chơi tưởng tượng đầy màu sắc. Bạn có nhớ cảm giác khi mình hóa thân thành siêu anh hùng hay nàng công chúa trong những buổi chiều vui đùa cùng bạn bè? Thế nhưng, đáng tiếc là hiện nay, ngày càng ít trẻ em có cơ hội trải nghiệm những giây phút hồn nhiên như vậy, điều này gây ra nhiều lo ngại. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là sự thiếu hụt niềm vui trong cuộc sống, điều rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.

Việc tương tác xã hội tích cực thúc đẩy việc học tập của trẻ em

Việc vui chơi không chỉ giúp trẻ em trở nên hạnh phúc hơn mà còn là nền tảng để phát triển kỹ năng sống và học tập. Nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu vắng hoạt động vui chơi và sự gia tăng của các vấn đề tâm lý ở trẻ nhỏ. Điều này càng làm nổi bật vai trò thiết yếu của phương pháp “học tập vui tươi” – phương pháp dựa trên trò chơi, tìm tòi và sự hỗ trợ từ các nhà giáo dục trong môi trường mẫu giáo.

Gần đây, tỉnh Ontario, Canada đã công bố một chương trình giảng dạy mẫu giáo mới tập trung vào việc củng cố kỹ năng đọc và viết. Bộ trưởng giáo dục Ontario cho biết phương pháp tiếp cận dựa trên trò chơi sẽ vẫn là một phần của trường mẫu giáo.

Tuy nhiên, điều này đã dấy lên lo ngại rằng chương trình giảng dạy mới có thể khiến môi trường học tập của trẻ trở nên khô khan, mang tính “trường học hóa” quá sớm, làm mất đi sự phong phú trong trải nghiệm tìm tòi và vui chơi.

Học tập thông qua vui chơi – cách tiếp cận hiệu quả

Việc học đọc không phải là một quá trình tự nhiên mà đòi hỏi sự phát triển các dây thần kinh mới của trẻ, điều này cần có sự hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng học tập và vui chơi là hai khái niệm đối lập. Thực tế, việc kết hợp hướng dẫn với hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.

Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên và nhà giáo dục trẻ em. Họ cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc xây dựng một môi trường học tập dựa trên trò chơi, nơi trẻ được khám phá và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế. Quan trọng hơn, nhóm giáo viên này cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ việc học tập dựa trên bằng chứng, nhằm phát triển khả năng đọc hiểu và tư duy của trẻ.

Chơi không phải là phí thời gian

Trước đây, nhiều người cho rằng trò chơi là lãng phí thời gian quý báu mà lẽ ra nên dành cho việc học tập. Tuy nhiên, theo khoa học thần kinh, trò chơi không hề phù phiếm; ngược lại, nó có khả năng thay đổi não bộ bằng cách củng cố cấu trúc và chức năng của não.

Thông qua trò chơi, trẻ không chỉ học hỏi về thế giới xung quanh mà còn phát triển các kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm – những kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống hiện đại.

Hơn nữa, việc thiếu vắng trò chơi, đặc biệt là chơi ngoài trời, đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em. Điều này chứng tỏ rằng chơi không chỉ là một hoạt động giải trí, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Nghiên cứu khoa học – chơi là cách học hiệu quả

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc học tập diễn ra tốt nhất khi trẻ được tham gia vào các hoạt động có tính tương tác cao, nơi chúng có thể tập trung, hứng thú và cảm thấy thông tin là có ý nghĩa.

Giáo sư tâm lý học Kathy Hirsh Pasek, cùng nhóm nghiên cứu của mình tại Đại học Temple (Hoa Kỳ), đã chứng minh rằng trẻ em học tốt nhất khi chúng hoạt động với tâm trí tập trung vui vẻ và năng lượng, thay vì chỉ ngồi thụ động nghe giáo viên giảng bài.

Những trải nghiệm học tập của trẻ sẽ đáng nhớ hơn nhiều khi đi kèm với những kết nối cảm xúc

Việc học tập trở nên hiệu quả hơn khi trẻ được tham gia vào các hoạt động mang tính lặp đi lặp lại trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, giúp chúng khám phá ra những cách kết hợp mới giữa các khái niệm. Và điều quan trọng nhất, việc học cần phải được lồng ghép với sự vui vẻ. Đây là yếu tố then chốt giúp trẻ hứng thú và gắn bó với việc học.

Trò chơi phải có sự hướng dẫn

Không phải mọi trò chơi đều mang lại hiệu quả học tập như nhau. Giáo viên cần phân biệt giữa các loại trò chơi khác nhau, từ trò chơi tự do đến trò chơi có hướng dẫn và các trò chơi thể loại khác nhau. Trong đó, trò chơi có sự hướng dẫn của giáo viên là hình thức tối ưu, nơi giáo viên thiết lập các bối cảnh cho trẻ phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết và toán học.

Điểm mấu chốt là giáo viên không nên là người điều khiển trò chơi mà chỉ nên đóng vai trò là người hỗ trợ, giúp trẻ khám phá và học hỏi theo cách của riêng mình. Điều này giúp trẻ phát triển cả về mặt tư duy lẫn kỹ năng xã hội, đồng thời vẫn giữ được sự hứng thú và niềm vui trong học tập.

Bảo vệ tuổi thơ của trẻ

Thật đáng buồn khi thời gian vui chơi của trẻ em trên toàn thế giới đang ngày càng giảm đi. Nhà hoạt động giáo dục Ken Robinson từng ví von rằng, ngay cả những tên tội phạm trong tù cũng có thời gian vui chơi ngoài trời nhiều hơn so với trẻ em hiện nay.

Nghiên cứu của Tổ chức Save the Children tại Vương quốc Anh cho thấy chỉ có 27% trẻ em thường xuyên chơi ngoài trời, so với 71% ở thế hệ trước. Điều này cho thấy chỉ trong vài thế hệ, trò chơi – một phần không thể thiếu của tuổi thơ đã bị đánh mất dần.

Chúng ta cần nhận thức rõ rằng chơi và các mối quan hệ gắn kết là nền tảng cho sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của trẻ em. Không có gì cơ bản hơn quyền được vui chơi và cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng. Do đó, các bậc phụ huynh và giáo viên cần đồng lòng bảo vệ và thúc đẩy phương pháp học tập vui tươi trong giáo dục mẫu giáo, để đảm bảo rằng con trẻ của chúng ta có một môi trường học tập không chỉ đầy đủ về kiến thức mà còn tràn ngập niềm vui và tình yêu thương.

Thủy Phạm (Theo TheConversation)

Bình luận (0)