Học sinh Trường THPT Linh Trung đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Trong chương trình tư vấn diễn ra mới đây ở Trường THPT Linh Trung (Q.Thủ Đức), TS. Dương Tôn Thái Dương (Phó ban ĐH, ĐHQG TP.HCM) khẳng định, ngành nghề sẽ đi theo mỗi người đến cuối cuộc đời. Vì vậy hãy dành thời gian, tâm sức và trí tuệ để lựa chọn đúng ngay từ đầu. Ngành nghề gì, trình độ gì là từ khóa để các em chọn lựa. Dựa vào năng lực bản thân xem có khả năng theo học được ngành nghề đó không. Giữa sở thích và năng lực lại phải suy nghĩ bởi sở thích, năng lực chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chọn ngành nghề nhưng không phải là tiên quyết, còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình. Theo TS. Dương, hiện nay các trường ĐH đều đa dạng các phương thức tuyển sinh, người học có cơ hội xét tuyển vào ĐH bằng nhiều con đường khác nhau từ điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT cho đến phương thức tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển. Người học cần cân nhắc các phương thức, tận dụng để tăng khả năng trúng tuyển cao nhất. “Nhiều trường ĐH sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển qua các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Các em nên tận dụng lợi thế này để tích lũy, tạo thêm một cơ hội cho mình để bước vào ĐH”, TS. Dương nói.
Bổ sung thêm, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, trong năm 2020, có hơn 100 trường ĐH sử dụng điểm học bạ làm phương thức xét tuyển. Do đó ngay từ bây giờ, điều các em cần làm là xây dựng kế hoạch học tập thật tốt để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường ĐH mà mình yêu thích. Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A nhận định, học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Khái niệm ngành và nghề có liên quan nhưng cũng độc lập với nhau. Khi lựa chọn một ngành học, người học phải tìm hiểu thật kỹ, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mình cũng như xác định mục tiêu sẽ phấn đấu để xây dựng tâm thế đón nhận. Các em phải xác định rằng với các điều kiện của bản thân thì chạm ngõ nghề nghiệp nào đó sẽ gặp phải những phản ánh nào, khó khăn thách thức nào để chuẩn bị lộ trình.
Tin, ảnh: Q.Long
Bình luận (0)