Không ít bậc cha mẹ thừa nhận rằng, mình dạy con chúng không tiếp thu, lĩnh hội bằng việc được bạn bè cùng trang lứa nhắc nhở.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Hoàng Ly 6 tuổi (ngụ Q.4, TP.HCM) mới học lớp 1 mà trông chững chạc, tự tin hơn hẳn. Những ngày mới cắp sách đến trường mẹ Hoàng Ly hết khổ với tính mè nheo, nũng nịu của con gái. Lại thêm cái “tội” không biết giữ gìn đồ dùng học tập khiến ngày nào cũng mất, hôm thì cái bút, hôm thì quyển vở. Nhưng khổ nhất là việc bé làm toán, chữ số thì nguệch ngoạc, tập vở lúc nào cũng xộc xệch, mực dính lem nhem. Mẹ nhắc nhở hoài mà đâu vẫn vào đấy. Tuy nhiên đó là những hạn chế của những tháng đầu năm học trôi qua. Còn giờ đây, Hoàng Ly đã khôn khéo hơn rất nhiều. Cô bé đã biết giữ lễ phép, biết cẩn thận hơn trong giữ gìn sách vở, cặp bút. Đặc biệt trong viết chính tả, làm toán và tập đọc, bé luôn cố gắng để luôn đạt kết quả tốt nhất. Hoàng Ly thỏ thẻ với mẹ: “Con tiến bộ như thế là nhờ bạn Đức Tuấn ngồi cạnh con nhắc nhở. Bạn ấy tốt lắm mẹ ạ! Trước đây, bạn ấy thấy con viết nhanh mà ẩu khiến trang vở rất xấu, thì bạn ấy khuyên con viết chậm lại, nhỏ hơn sao cho vừa ô li quy định là được. Con làm toán xong bạn ấy còn giúp con kiểm tra lại, bài nào sai là bạn ấy bắt con sửa ngay. Trước khi ra về bạn Đức Tuấn còn nhắc con sắp xếp đầy đủ đồ dùng học tập mới được rời khỏi phòng học. Không những thế, bạn ấy còn rủ con chơi đuổi bắt, nhảy dây… vui lắm. Bạn Đức Tuấn rủ được rất nhiều bạn chơi cùng thích lắm mẹ ạ!”. Nghe con kể mẹ Hoàng Ly vừa mừng cho con có người bạn thân đáng ngưỡng mộ, con đã học được từ bạn những kỹ năng cần thiết, vừa trách mình trước đây đã có cách quản con quá chặt, không dám cho con chơi chung với các bạn đồng trang lứa cùng khu phố. Nếu được giao lưu với nhóm bạn trong xóm, có thể con đã mạnh dạn, tự tin hơn nhiều.
Giống như khá nhiều gia đình hiện nay, đều sinh ít con nên mẹ Hoàng Ly cũng bao bọc con mình quá kỹ, không muốn giao thiệp với ai, kể cả bạn cùng tuổi. Song, khi hiểu được rằng nếu bé được kết bạn càng sớm thì sẽ dễ dàng thấm nhuần các kỹ năng giao tiếp trong xã hội như biết làm việc cùng nhóm, chia sẻ, hòa đồng, hợp tác… lớn lên bé sẽ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Khi tham gia chơi đùa hay các hoạt động với nhóm bạn bé sẽ thể hiện bộc lộ các cung bậc sắc thái cảm xúc, hành vi của mình. Đồng thời chơi với bạn cũng giúp cho bé học được các “quy tắc tình bạn” như chia sẻ và chờ đến lượt. Vì thế, để giúp trẻ thắt chặt tình đoàn kết, thân thiết cho con và các bạn, cha mẹ cần tham khảo một số nguyên tắc sau:
Nên mời bạn của con đến nhà chơi một cách chân tình
Việc chơi chung với các bạn sẽ giúp bé cảm thấy phấn chấn, thoải mái, dễ chịu hơn và dần dần mạnh dạn, biết chia sẻ hơn khi ở trong một nhóm người. Cha mẹ hãy để chúng chơi một cách tự nhiên, không can thiệp quá sâu vào quy luật chơi của nhóm trẻ. Trẻ có thể làm khó nhau, thậm chí xảy ra mâu thuẫn, nhưng chúng sẽ có cách tự xử lý. Qua đó, trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm để giữ mối quan hệ hòa hợp với những người bạn mà nó muốn chơi thân.
Chơi cùng nhóm bạn của con: Cha mẹ có thể chơi cùng nhóm bạn của con. Với vai trò là người chơi vô tư nhẹ nhàng, khéo léo của cha mẹ sẽ giúp các bé tự nhiên hơn. Chơi với bạn của con cũng tạo nên sự thân thiện, gần gũi. Lựa chọn cho các bé những trò chơi thích hợp để các bé hòa đồng.
Tăng cường sự đoàn kết: Để thắt chặt sự thân tình cho con và các bạn, bạn có thể bàn với nhóm trẻ để xây dựng kế hoạch chơi sao cho tích cực và hấp dẫn. Có thể ra ngoài công viên, hoặc tổ chức ở vườn cây… các trò chơi cũng có thể linh hoạt thay đổi như chơi vận động đuổi bắt, trốn tìm hoặc chơi cùng đồ vật. Làm sao để sau những lần chơi với nhau các bé càng thân thiết quý mến nhau hơn.
Đừng yêu cầu con quá nhiều: Trẻ có thể thiếu kiên nhẫn và có thể chỉ chơi cạnh nhau, bắt chước nhau, cũng chưa hoàn toàn phối hợp cùng nhau. Nếu con bạn vẫn dè dặt, ngại ngần chưa vượt qua được ngưỡng và không muốn chia sẻ với bạn thì cha mẹ hãy bình tĩnh không ép buộc trẻ phải thân người này, người kia.
Dạy con biết rộng lượng tha thứ khi bạn mắc lỗi: Kể cho bé nghe những câu chuyện về tha thứ. Hãy gần gũi và trao đổi để trẻ hiểu rằng, ai cũng có thể mắc lỗi, nếu bạn có làm phiền lòng, con phải biết nhường nhịn, dang rộng vòng tay ra chia sẻ, bé sẽ nhận được nhiều hơn ngược lại.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)