Làm thế nào để hội nhập trong môi trường mới và “tỏa sáng” ngay từ đầu năm học? Những băn khoăn này đã được các cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) giải đáp kỹ trong chương trình “Đón học sinh lớp 6” của trường. Qua đó giúp các học sinh lớp 6 có những định hướng trong học tập và rèn luyện, để hội nhập ngay từ đầu năm học.
Cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) chia sẻ phương pháp học tập trong môi trường mới với các “đàn em” lớp 6
Chương trình “Đón học sinh lớp 6” được mở đầu bằng màn “gọi tên và trao quà” cho toàn thể học sinh lớp 6 trong năm học 2019-2020. Sau màn gọi tên, 230 học sinh lớp 6 lần lượt về chỗ ngồi cùng với món quà nhỏ là một tệp giấy nhớ có in logo và những thông tin về nhà trường. Cô Lê Thị Quy Thục (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết món quà là sự ghi nhận của nhà trường cho những nỗ lực, cố gắng của các em sau 5 năm ở bậc tiểu học. Nhà trường hy vọng món quà sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em không chỉ được sử dụng trong giờ học mà còn có thêm những thông tin về nhà trường.
Ngoài những thông tin giới thiệu về trường lớp, cơ sở vật chất, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, điểm ấn tượng nhất trong chương trình là hoạt động giao lưu, chia sẻ về phương pháp học tập, bí quyết chinh phục một số bộ môn; cách lựa chọn sách, cách để kết bạn ở môi trường mới từ các cựu học sinh xuất sắc của trường. “Cựu học sinh là những anh chị vừa ra trường, đậu vào những trường THPT chuyên của thành phố. Từ chính những trải nghiệm của bản thân, các em sẽ có những góc nhìn gần gũi, chia sẻ các thông tin hữu ích đến “đàn em”, tạo sự hào hứng, thu hút học sinh lớp 6 năm nay”, cô Thục bày tỏ.
Trần Quỳnh Nhi (học sinh lớp 10 chuyên Anh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh) cho biết: Bước vào môi trường THCS, học sinh lớp 6 sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, thậm chí có đôi phần hụt hẫng khi mọi thứ đều quá mới mẻ. Để tránh sự hụt hẫng, ngay từ ban đầu, các em nên có sự chủ động làm quen, bắt chuyện với các bạn mới. Theo đó, các em nên lựa chọn những chủ đề gần gũi như sở thích, nguyện vọng, chia sẻ cảm xúc về trường, lớp… để tạo được sự đồng cảm. Về học tập, ngay từ đầu năm học, các em hãy tập trung nghe giảng trong từng tiết học. Trong quá trình học, có gì không hiểu thì các em nên hỏi trực tiếp thầy cô, đừng sợ mình sẽ hỏi sai. Ngoài ra, các em cần tận dụng những phương tiện như điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội để làm phong phú phương pháp và tài liệu học tập của mình.
Riêng môn tiếng Anh, từ kinh nghiệm của bản thân, Quỳnh Nhi cũng bật mí các bí quyết để chinh phục bộ môn này: Học bằng sơ đồ, từ khóa; mạnh dạn nói, mạnh dạn giao tiếp; xem phim, nghe nhạc bằng tiếng Anh để tăng cường vốn từ vựng; chăm chỉ đọc sách tiếng Anh; sử dụng app trên điện thoại để có thể học tiếng Anh dễ dàng… Còn Nguyễn Ngọc Anh Thư (học sinh lớp 10 chuyên sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) lại cho rằng, khi mới bước vào lớp 6, để xóa đi sự hụt hẫng, các em đừng ngại ngần mà nên tích cực tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Chính những hoạt động này là dịp để giao lưu và gắn kết bạn bè với nhau. “Khác với lớp 5, lên lớp 6 sẽ có thêm nhiều môn học mới. Ví dụ, thay vì môn khoa học ở lớp 5 thì sẽ có môn vật lý, sinh học; môn tiếng Việt sẽ được thay bằng môn ngữ văn… Tên môn học là mới nhưng thực chất những môn này không quá khác biệt, chỉ có điều là kiến thức sẽ chuyên sâu hơn. Các môn học ở bậc THCS đều là bước khởi động để các em tìm ra sở thích, đam mê của bản thân, từ đó có những định hướng sớm về nghề nghiệp ở bậc THPT”, Anh Thư chia sẻ.
Tương tự, Lê Hải Long Quân (học sinh lớp 10 chuyên toán Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) lưu ý các em học sinh lớp 6 nên chia đều thời gian cho các môn học, nhất là những môn học mới. Trong quá trình học, thấy mình có hứng thú, say mê với môn nào nhất thì nên đầu tư vào môn đó, điều đó có thể sẽ hữu ích cho việc định hướng ban, định hướng ngành nghề sau này.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)