Học trước chương trình khiến trẻ dễ ỷ lại, không hứng thú tìm tòi kiến thức mới và phát huy tính sáng tạo (ảnh mang tính minh họa)
|
Mọi người đều biết học thêm là cho học sinh học trước chương trình, như vậy sẽ không tốt nhưng vẫn có không ít phụ huynh không màng tới hậu quả. Thời gian hè là dịp để học sinh thư giãn, rèn luyện thể lực nhưng các em phải cặm cụi… học.
Học quanh năm suốt tháng
Mặc dù năm học sắp kết thúc, những tháng hè cận kề, lẽ ra N. (HS lớp 3 Trường TH K.Đ (Q.1) sẽ được mẹ cho “nghỉ giải lao”, tạm gác bớt việc học mà thay vào đó là đến các sân chơi thể thao, văn hóa để giải trí, rèn luyện thể lực… nhưng N. vẫn phải hàng tuần 3 buổi học thêm toán và tiếng Việt. Đây là lớp học N. được thầy giáo trong trường dạy từ đầu năm học. Học phí 400 ngàn đồng/tháng cho cả 2 môn, thời gian từ 17-18 giờ 30. Em chia sẻ: “Mẹ nói học thêm cho vững kiến thức vì được thầy cô ôn lại kiến thức cũ, cho làm các bài tập nâng cao, như vậy sẽ tốt hơn”. Theo N., ngoài việc củng cố kiến thức, cho các bài tập nâng cao, em còn được thầy dạy trước chương trình 2 môn, đặc biệt là môn tiếng Việt. Vì thế, đôi khi lên lớp gặp những bài đã được học trước thì em không cần tập trung nhiều trong giờ học. Ngoài N., còn có một số HS khác cũng tham dự lớp học thêm.
Giống như N., hè này em N.H (HS lớp 4, cùng trường N.) tiếp tục học toán và tiếng Việt lớp 5 để chuẩn bị cho năm học mới. Cô giáo dạy thêm cho em từng dạy trong trường nhưng nay đã nghỉ hưu. Em chia sẻ: “Năm học vừa qua em vừa học trên lớp, vừa học với cô ở nhà. Cô thường ôn lại kiến thức cũ, cho làm bài tập và cũng có dạy trước chương trình”.
Khi được hỏi: “Em học trước như vậy, khi lên lớp học lại có chán không?”, N.H. hồn nhiên trả lời: “Những bài được học trước em cảm thấy bình thường, không có gì là lạ lẫm, chỉ đợi các bạn học xong rồi em cùng làm bài tập…”. Em cho biết thêm: Hè này mẹ cho học chương trình lớp 5 để có thời gian ôn tập cho kỳ thi cuối cấp. Ngoài hai môn toán và tiếng Việt, mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, em còn đến một trung tâm ngoại ngữ học thêm tiếng Anh để thực hiện mục tiêu đi du học khi lớn lên…
Học trước: Phản khoa học
Với tâm lý mong muốn con mình học giỏi hơn, nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm vì cho rằng như thế trẻ có cơ hội tiếp nhận nhiều kiến thức, hiểu rõ kiến thức để học tốt hơn. Việc làm này có thể phản tác dụng và vô tình khiến trẻ mang gánh nặng học tập vì phải học quanh năm suốt tháng.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Trong một ngôi trường sẽ có những HS học khá giỏi, học bình thường. Năng lực học của mỗi HS không giống nhau. Nhiều em học tiểu học có năng lực bình thường nhưng lên THCS, THPT, thậm chí ĐH thì năng lực mới bắt đầu phát huy. Điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào học thêm hay học trước”.
Theo ông Điệp, đối với chương trình tiểu học, các em đang trong giai đoạn tập các kỹ năng: Tập đọc, tập viết, tập làm văn… Đặc biệt là lớp 1, khi lên lớp HS được giáo viên hướng dẫn cách ngồi, cách cầm bút, rê bút; học các phụ âm, nguyên âm, các dấu; sau đó học cách ghép âm, ghép vần. Tất cả đi từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ đó tư duy của trẻ hình thành, phát triển theo mức độ của chương trình.
Mỗi ngày lên lớp đối với HS là được tiếp nhận, khám phá kiến thức mới, khiến các em trở nên hứng thú tìm tòi, suy nghĩ, phát huy tính sáng tạo. Tất cả những kiến thức ấy là nền tảng vững vàng cho HS bước sang những năm học tiếp theo.
Do đó, phụ huynh cần hiểu đúng rằng, cho trẻ học thêm là khi trẻ mất kiến thức căn bản. Giáo viên dạy thêm là người tìm ra lỗ hổng kiến thức, từ đó củng cố, giúp trẻ lấy lại kiến thức căn bản. Hoặc giáo viên cho những bài tập mới, mang tính nâng cao cho các em luyện tập để khơi gợi tư duy nhằm phát huy tính sáng tạo chứ không phải là học trước chương trình.
Theo các chuyên gia giáo dục, học trước chương trình khiến HS dễ sinh tính ỷ lại, lơ là khi lên lớp, thiếu tập trung, chủ quan, không có sự hứng thú cho việc tìm tòi; điểm số của các em là ảo, không phải của nỗ lực bản thân. Điều này rất nguy hiểm đến thói quen về sau của trẻ. Ngược lại, đối với người thầy, dạy trước chương trình là sai phương pháp, vi phạm quy định và cái sai lớn nhất là ở lương tâm người thầy.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
“Hè là khoảng thời gian trẻ cần được vui chơi, thư giãn, rèn luyện các kỹ năng sống. Theo đó phụ huynh nên cho con đến các nhà thiếu nhi, sân chơi thể thao để sinh hoạt, hoặc tham gia sinh hoạt tại khu phố mình ở thay vì ép con vào việc học thêm hết môn này đến môn kia”, ông Nguyễn Thành Nhân, Chuyên viên tư vấn tâm lý (Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ châu Á – Thái Bình Dương), cho biết. |
Bình luận (0)