Vượt lên trên nghịch cảnh của bản thân, bằng tình yêu nghề, yêu trò, thầy giáo trẻ Trần Quang (sinh năm 1990, giáo viên thể dục, Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông, Q.8) quyết tâm bám trụ với nghề, luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy. Không những thế, thầy còn luôn giúp đỡ mọi người xung quanh. Đặc biệt là dành sự quan tâm, “chắp cánh” cho nhiều ước mơ của học trò nghèo.
Thầy Quang (giữa) nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP.HCM về gương người tốt, việc tốt |
Với những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, thầy Trần Quang đã trở thành một trong những tấm gương điển hình thanh niên tiên tiến Q.8 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thầy giáo “đa zi năng”
Về Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông (Q.8), nhắc đến thầy Trần Quang, ai cũng dành cho thầy sự trìu mến. “Thầy Quang tốt lắm, ở đây ai cũng thương. Từ học sinh, giáo viên, phụ huynh trong trường cho đến người dân quanh trường đều luôn dành cho thầy tình cảm trân quý nhất”, không giấu được “niềm tự hào”, cô Võ Thị Trúc Mai (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông) chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Đắk Lắk, thời sinh viên để có tiền ăn học, thầy Quang đã “bôn ba” nhiều công việc làm thêm từ chạy bàn, vệ sinh công nghiệp, cắt tỉa cây cảnh, phát tờ rơi… Năm 2014, thầy nhận công tác làm giáo viên thỉnh giảng môn thể dục tại Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông. Để tiết kiệm chi phí, thầy thuê nhà tận Thủ Đức, mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng, vượt hơn 20km để đến trường. “Từ nhà đến trường phải qua 2 trạm xe buýt. Nhiều hôm xe đến muộn nên mình cũng đến trường muộn theo. Lại có những hôm trời mưa, đến trường quần áo cũng ướt nhẹp. Sau mỗi lần như thế, hôm sau mình lại cố gắng dậy sớm hơn một chút nữa để học sinh không phải đợi”, thầy Quang nhớ lại.
Quãng thời gian đó, do lương thỉnh giảng không nhiều, để có tiền gửi về quê cho cha mẹ, thầy nhận thêm công việc làm nhân viên cứu hộ ở Công viên nước Đại Thế Giới (Q.5) vào buổi chiều với mức lương trên 8 ngàn đồng/ giờ đồng hồ.
Cuộc sống vất vả là thế nhưng thầy vẫn luôn quan tâm và giúp đỡ đồng nghiệp. Năm 2017, khi thầy Quang thi đậu biên chế và tiếp tục công tác dạy thể dục tại trường, thầy được bầu làm Bí thư Chi đoàn trường, Ban Giám hiệu đã bố trí cho thầy ở lại trường kiêm thêm công tác trực đêm và bảo trì cơ sở vật chất cho trường”, cô Hiệu trưởng cho hay. Kể từ đó, vừa làm giáo viên thể dục, vừa làm Bí thư Chi đoàn trường thầy Quang còn kiêm thêm nhân viên bảo vệ, bảo trì.
Nhắc bản thân mỗi ngày đều phải học ở Bác
Chính trong vai trò làm Bí thư Chi đoàn trường đã đưa thầy Quang đến với phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. “Tìm hiểu từ những việc làm đời thường của Bác, về con người Bác mới thấy bản thân mình còn phải phấn đấu nhiều, và là một giáo viên nên cần phải gắng nhiều hơn nữa. Học theo Bác, mình luôn tự nhắc bản thân mỗi ngày phải cố gắng, tự học tập, tự rèn luyện, cống hiến. Và đặc biệt là sống phải luôn biết yêu thương, san sẻ giúp đỡ mọi người xung quanh”.
Từ nỗ lực vượt khó và sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, năm 2018, thầy đã vinh dự nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP.HCM về “Gương người tốt, việc tốt”; Giấy khen của Quận đoàn 8 về “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác”; Gương điển hình trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cấp quận năm 2018. |
Để nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Quang tự mình học hỏi, tham gia vào các giải phong trào thể dục thể thao và đạt được những giải cao của quận như giải nhất, giải nhì cờ vua cá nhân; giải ba bóng đá; giải nhì cầu lông. Bên cạnh đó, thầy luôn mày mò đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo ra sự thích thú cho học sinh trong mỗi giờ học. “Học sinh tiểu học, các em rất hiếu động. Tận dụng lợi thế đó, mình tạo ra các giờ học kết hợp các trò chơi vận động như vượt chướng ngại vật, vượt rào, di chuyển về đích…, thưởng những phần quà nhỏ khuyến khích các em. Nhờ thế, những giờ học thể dục không còn là khô khan, gò bó mà luôn tràn đầy năng lượng”, thầy chia sẻ.
Từ cuộc sống chật vật của bản thân, thầy Quang dành sự quan tâm đặc biệt đến học trò nghèo với ước mong san sẻ phần nào khó khăn cho các em. Đồng lương eo hẹp nhưng thầy luôn biết trong lớp mình dạy sáng nay, bạn nào đi học với cái bụng “lép” để đưa gói xôi, cái bánh và động viên các em cố gắng. Đặc biệt, khi biết hoàn cảnh cô học trò nhỏ Thảo My (lớp 3/5) cha bỏ đi từ nhỏ, mẹ làm phụ hồ, em sống với bà ngoại trong căn nhà thuê tuềnh toàng bên sông, bản thân My lại mắc bệnh sắc tố da bẩm sinh, khắp người nổi đốm đen, bị bạn bè trêu trọc, xa lánh, thầy đã thay bà ngoại hàng ngày đưa đón My đến trường, phụ đạo thêm cho My mỗi tối. Với khả năng ca hát của mình, thầy còn mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình “Hát mãi ước mơ” để lấy tiền cho My chữa bệnh. “Toàn bộ số tiền thưởng 25 triệu đồng mình tặng cho hai bà cháu, chỉ mong sao trò sớm lành bệnh, không còn mặc cảm bản thân, vượt lên nghịch cảnh cuộc sống”, thầy Quang rưng rưng.
Từ tình yêu với học trò nghèo, hơn một năm nay, thầy Quang còn tình nguyện dạy lớp phổ cập của quận vào buổi tối với hai môn văn và toán chương trình lớp 3. Để có thể đứng lớp dạy được môn văn hóa, thầy không ngần ngại mỗi ngày học hỏi thêm từ đồng nghiệp trong trường. “Chỉ có cho các em con chữ, dạy các em những bài học về đạo đức, các em mới có thể vươn lên trên đói nghèo. Để làm được điều này, mình nghĩ bản thân người giáo viên phải luôn tự hoàn thiện mình, làm tấm gương cho học trò”, thầy Quang trải lòng.
Yến Hoa
Bình luận (0)