Theo ThS. Đoàn Lê Hương, nhiều sinh viên có vốn từ vựng phong phú, viết đoạn văn rất hay, nhưng khi nói lại không biết diễn đạt thế nào (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh |
Học tiếng Anh nhưng ngại nói, mỗi lần định nói lại ngại sai, không đủ tự tin khi mở miệng giao tiếp là những “bệnh” thường gặp của rất nhiều người hiện nay.
Học nhiều vẫn… ngại nói
Theo ThS. Đoàn Lê Hương, giảng viên tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM, rất nhiều sinh viên ĐH hiện nay đang rơi vào thực trạng là… ngại nói. Nhiều sinh viên thậm chí đã học hết năm thứ 3, đã xong chương trình tương đương với trình độ trung cấp trong tiếng Anh nhưng khi hỏi những câu giao tiếp căn bản vẫn “ấm a ấm ớ”, phải nghĩ 5-7 giây mới phản xạ trả lời lại người hỏi. “Có nhiều sinh viên biết rất nhiều từ vựng tiếng Anh, bằng chứng là các em thể hiện rất phong phú khi viết đoạn văn, thế nhưng khi thi nói lại bị luẩn quẩn, không biết mình cần phải nói gì, không biết phải bắt đầu từ đâu, diễn đạt như thế nào… Điều này không chỉ gây bất lợi cho quá trình học của các em hiện tại, khiến các em tự ti khi học ngoại ngữ mà còn thui chột kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ trong môi trường làm việc sau này”, ThS. Đoàn Lê Hương cho biết.
Trên thực tế, kỹ năng giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Anh của rất nhiều sinh viên hiện nay không được giảng viên đánh giá cao. “Tôi từng giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên đi khảo sát ý kiến du khách (người nước ngoài) về chất lượng các dịch vụ tại TP.HCM, các em chỉ việc chào hỏi, nói chuyện vài câu căn bản rồi phát phiếu khảo sát để du khách thực hiện. Công việc rất đơn giản nhưng đáng buồn là chỉ 2 trong số 43 sinh viên học năm thứ 3 dám giơ tay xin làm. Quá ngạc nhiên, tôi hỏi một số em khác thì được biết các em không dám nói tiếng Anh, nhất là với những người nước ngoài vì sợ họ hỏi những câu vượt ngoài khả năng trả lời của mình”, ThS. Đoàn Lê Hương nhớ lại.
Trong một buổi nói chuyện về kỹ năng giao tiếp tiếng Anh do một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM tổ chức mới đây, bạn Lê Vi, một học viên nhìn nhận: Nhiều người học tiếng Anh rất sợ nói và sợ giao tiếp… bằng tiếng Anh. Phần lớn là do tâm lý sợ mắc lỗi, không tự tin, xấu hổ và mất bình tĩnh mỗi khi nói tiếng Anh. Chính tâm lý ngại và sợ này đã khiến các bạn không dám thực hiện, và khi không dám thực hiện thì sẽ không phát hiện ra lỗi sai, không vượt qua được sự tự ti của mình để sửa nó. “Ngay chính tôi cũng từng mắc lỗi tương tự cho đến khi gia đình có người thân từ nước ngoài về. Chính trong quá trình nói chuyện với người thân đã giúp tôi nhận ra rằng, mình sẽ học được nhiều hơn từ những lỗi mình mắc phải. Cũng giống như một em bé, nếu sợ vấp ngã sẽ không thể tự bước đi, việc nói tiếng Anh cũng phải được bắt đầu từ những bước đi chậm chạp ấy”, Lê Vi khẳng định.
“Một đứa trẻ không sợ sai”
Theo kinh nghiệm của bạn Lê Vi, muốn nói tốt tiếng Anh thì phải nói nhiều trong môi trường tiếng Anh. Nếu có thể thì nên tận dụng triệt để mối quan hệ từ bạn bè, anh chị em nhưng phải là những người có trình độ tiếng Anh ngang mình hoặc giỏi hơn. Còn nếu không tự tìm được, bạn có thể tự tạo không gian tiếng Anh cho mình bằng cách… tự nói một mình, cụ thể là tập phản ứng bằng cách suy nghĩ mọi thứ bằng tiếng Anh, có thể giữ trong đầu hoặc có thể nói ra miệng (nếu muốn). “Tuy nhiên, để tránh sự chú ý hay thắc mắc của mọi người khi ngồi hay đi một mình, bạn nên đeo tai nghe điện thoại để mọi người có thể nghĩ bạn đang nói chuyện điện thoại với ai đó. Còn nếu ở nhà, những lúc bạn nấu ăn chẳng hạn, thay vì nói tiếng Việt, hãy thử luyện phản ứng của mình bằng việc nói tiếng Anh bằng những câu đơn giản như “cái chảo để đâu rồi?”, “Hũ gia vị đâu rồi?” hoặc là “Đói quá, ăn gì bây giờ?”… Tập dần dần từ những thứ đơn giản như vậy, đến khi bạn đối thoại thực sự với người nước ngoài, bạn sẽ có phản ứng nhanh hơn và tự nhiên hơn”, Lê Vi chia sẻ.
Ngoài ra, để tạo tâm lý thoải mái trong giai đoạn đầu học tiếng Anh, nhất là khi nói thì Lê Vi khuyên các bạn học tiếng Anh nên “xem mình cũng giống như những đứa trẻ 1-2 tuổi đang tập nói”. Việc nói sai cũng giống như một đứa trẻ nói ngọng, mọi người đều có thể thông cảm và điều cần làm là sửa lại phát âm cho đúng. Nói một lần không hiểu thì nói 2-3 lần, người nghe không hiểu thì sẽ hỏi và điều chỉnh giúp bạn nên đừng quá lo lắng mà ngần ngại bỏ qua khâu “tập” nói. “Nếu một đứa trẻ phải mất ít nhất 2-3 năm để có thể nói thạo, nói chuẩn thì người học cũng sẽ cần chừng đó thời gian để có thể nói tốt một ngoại ngữ nào đó. Vì vậy, đừng vội vàng và hãy kiên trì, rèn luyện thường xuyên, chắc chắn bạn sẽ có ngày đủ tự tin để giao tiếp với người nước ngoài”, Lê Vi khẳng định.
Linh Vy
Cũng giống như một em bé, nếu sợ vấp ngã sẽ không thể tự bước đi, việc nói tiếng Anh cũng phải được bắt đầu từ những bước đi chậm chạp ấy. |
Bình luận (0)