Giáo viên tiếng Anh tại Học viện Yola đang hướng dẫn học viên |
Chỉ mất khoảng vài trăm ngàn đồng hoặc đôi khi là miễn phí, người dùng internet có thể học tiếng Anh trực tuyến trên các trang mạng mọi lúc, mọi nơi. Phương pháp này đang được xem là lựa chọn tối ưu cho những người luôn bận rộn với công việc và không có thời gian cho các khóa học tại chỗ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách học online hiệu quả.
“Loạn” kiến thức
Chỉ cần gõ cụm từ “học tiếng Anh online” trên Google, hàng trăm website với đủ loại giáo trình hiện lên đáp ứng mọi nhu cầu của các “thượng đế”. Với những người bận rộn, khi quyết định học tiếng Anh trực tuyến, ai cũng muốn nhanh chóng có được các kiến thức và kĩ năng càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy nhiều người thay vì tìm hiểu để chọn chương trình học phù hợp với nhu cầu của bản thân thì lại quyết định chọn học nhiều thứ cùng một lúc như tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành, đồng thời cũng chọn thêm một vài chuyên đề ôn luyện thi như TOEFL, TOEIC, IELTS hoặc GMAT… Vậy là với tâm lý học cho đủ, cho nhiều nên sau 3-6 tháng học tập, khả năng sử dụng tiếng Anh của một số người lại quay về điểm xuất phát ban đầu.
Chị Kiều Lam, nhân viên ở một công ty gỗ tại Bình Dương, cho biết do làm việc cho công ty liên doanh nước ngoài nên chị phải cố gắng học thêm tiếng Anh để có thể nói “dăm câu ba điều” với các sếp. “Dạo đầu còn hứng thú học vì thấy tiện lợi, chương trình nào cũng hay, lại được chủ động về thời gian nên tôi mua thẻ cả mấy chương trình, ngày nào cũng dành ra 2 tiếng để học. Nhưng do học cả mấy chương trình cùng một lúc nên chẳng bao lâu thì đầu óc cứ loạn cả lên vì mỗi chương trình đều có sự khác biệt”, chị Lam nói. Riêng những em tuổi còn nhỏ thì trở ngại lớn nhất là không xác định được mục tiêu. “Vào trang nào cũng có quá nhiều thứ hấp dẫn, cái gì con tôi cũng muốn xem, cũng muốn học. Đôi khi có cảm giác như cháu đang bị lạc trong rừng kiến thức, chương trình nào cũng chỉ học được vài bữa là chán nản, lại bỏ”, một phụ huynh có con đang học lớp 3, cho biết.
Một lỗi lớn mà người học online thường mắc phải là chỉ chọn giao diện “Từ vựng/vocabulary” để học tập. Hầu hết người học đều cho rằng từ vựng là chìa khóa của thành công, biết nhiều từ vựng đồng nghĩa với việc sử dụng thành thạo tiếng Anh nên mục tiêu học tập của học viên chủ yếu là nâng cao vốn từ vựng. Tuy nhiên, nếu chỉ học từ vựng thuần túy mà không gắn với một văn cảnh, văn bản hoặc hội thoại cụ thể thì hiệu quả về ứng dụng và thực hành rất thấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng giao tiếp tiếng Anh theo dạng “bồi”, nghĩa là ghép từ lại để nói chuyện mà không chú ý đến văn phong, ngữ cảnh.
Học “vô tội vạ”
Bên cạnh những người có thái độ học nghiêm túc thì không ít người vẫn cho rằng việc học tập trực tuyến không thực sự quan trọng, chỉ là cách học bổ sung hoặc một kiểu học thêm không bắt buộc, hoặc tính tương tác của các chương trình trực tuyến không cao so với cách học trực tiếp. Rất nhiều người cũng có kiểu học theo suy nghĩ: Không học lúc này thì lúc khác, đi đâu mà vội. Nguyên nhân là do có thể học online mọi lúc, mọi nơi. Chính sự chủ quan cùng với tư tưởng vừa học vừa chơi đã khiến nhiều người dù đã học online cả một năm ròng mà kiến thức chẳng đi đến đâu. Kéo theo đó, họ đã để mất rất nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Một lỗi tuy nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập là người học không tham gia bài kiểm tra, bài thi định kì, bài thi cuối khóa hoặc từ chối nhận báo cáo đánh giá của giáo viên trực tuyến. Nhiều người thậm chí chọn cách nghỉ học giữa chừng hoặc bỏ qua hầu hết các bài thi.
“Trên thực tế, học trực tuyến luôn mang lại nhiều kiến thức, thông tin học tập phong phú, bổ ích, được cập nhật liên tục. Nếu người học biết tiếp cận và ôn luyện thường xuyên theo một kế hoạch và mục tiêu học tập rõ ràng, chắc chắn kết quả học tập sau 3-6 tháng sẽ là không nhỏ”, Thùy Trang, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định. Trong khi đó, chị Minh Quyên – giáo viên đang giảng dạy tại một trung tâm tiếng Anh – cho rằng khi chọn học bằng phương pháp online, người học phải thực sự nghiêm túc và quyết tâm cao. Phải xác định rõ mục tiêu học tập và ôn luyện cụ thể cho từng kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết), tập trung hoàn thiện kĩ năng mà bạn cảm thấy mình yếu nhất. Thỉnh thoảng, người học nên thực hành từ vựng thường xuyên trong các bài hội thoại, văn bản viết, báo cáo… để tiếng Anh được “chuẩn hóa” trong mọi tình huống giao tiếp, hội nghị, hội thảo hằng ngày.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)