Ngoại ngữ - Du họcNgoại ngữ

Học tiếng Anh qua toán và khoa học: Bước đệm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy và học tiếng Anh qua môn toán và khoa học ở bậc tiểu học không chỉ mang đến màu sắc mới mẻ cho các môn học, nâng cao năng lực học tiếng Anh cho học sinh mà cách tiếp cận này đang được đánh giá là bước đệm thuận lợi để nhà trường đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2.

Học khoa học với màu sắc… quốc tế

Tiết học môn khoa học lớp 5, bài về sự biến đổi của hóa học, học sinh lớp 5/6, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) sáng 8-11 được tiếp cận hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cách tiếp cận môn học theo màu sắc… quốc tế này nằm trong chương trình dạy và học tiếng Anh qua môn toán và khoa học với phần mềm bổ trợ và giáo viên nước ngoài đang được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay trong chương trình nhà trường.

Tiết học tiếng Anh qua môn toán và khoa học của lớp 5/6, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Lớp học được chia thành 8 nhóm, trong suốt giờ học học sinh tự tin tương tác trực tiếp với giáo viên nước ngoài thông qua các video phần mềm sinh động, qua việc thuyết trình trước lớp. Bài học về khoa học trở nên dễ dàng hơn khi các em được tham gia làm các thí nghiệm trực quan…

Cô Nghiêm Thị Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) thông tin, năm học 2024-2025 trường có 3.594 học sinh, với 78 lớp học. Ngoài giảng dạy tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhằm tạo điều kiện để học sinh tiếp cận, học tập với các chương trình tiếng Anh theo nhu cầu, nhà trường tổ chức đa dạng các chương trình tiếng Anh trong chương trình nhà trường, như học tiếng Anh với người nước ngoài; học tiếng Anh qua môn toán, khoa học với phần mềm bổ trợ…

Cô Nhung đánh giá, các chương trình tiếng Anh trong chương trình nhà trường góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, hướng tới rèn cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ.

Học sinh thực hành thí nghiệm khoa học trong chính giờ học tiếng Anh

Riêng hoạt động học tiếng Anh qua môn toán, khoa học với phần mềm bổ trợ và giáo viên nước ngoài, học sinh không chỉ học tiếng Anh như một ngôn ngữ đơn thuần mà còn được rèn thêm nhiều kỹ năng như lập luận logic, giải quyết vấn đề, quan sát, đánh giá… Ngoài ra, khi được học với phần mềm giảng dạy, qua các bài giảng số đã mang đến cho học sinh sự hứng thú trong giờ học từ học kiến thức qua trò chơi, phim ảnh… Đặc biệt, các hoạt động thực nghiệm trong tiết học là cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế qua thuyết trình, giao tiếp, nhập vai, làm thí nghiệm…

“Bên cạnh nỗ lực giảng dạy tiếng Anh của mỗi giáo viên nhà trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc đưa giáo viên nước ngoài, cùng các công nghệ giáo dục hiện đại tiên tiến vào trong lớp học tiếng Anh đã tạo ra môi trường học tập sôi nổi, tích cực, giúp học sinh phát triển kỹ năng và sử dụng tiếng Anh hiệu quả” – cô Nhung nhìn nhận.

Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Chương trình GDPT 2018 đặt ra nhiều yêu cầu cao cho giáo viên. Riêng giáo viên tiếng Anh phải đạt trình độ B2 quốc tế, đồng thời phải nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT để tạo ra các giờ học thú vị…

Từ yêu cầu đó, cô Trang cho rằng, khi nhà trường tổ chức đa dạng thêm các chương trình tiếng Anh như toán khoa với phần mềm bổ trợ, trước hết hỗ trợ hiệu quả việc học tiếng Anh của học sinh theo hướng thực tế và được xem là kênh mà tổ tiếng Anh xác định tạo môi trường để giáo viên nâng cao khả năng giao tiếp thường xuyên, học hỏi thêm các phương pháp dạy tiếng Anh tiên tiến, linh hoạt…

Các phần mềm bổ trợ giúp học sinh tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến

bước đệm thuận lợi để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thông tin, tại quận Gò Vấp, hiện nay ngoài việc dạy và học tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT, quận còn đa dạng thêm nhiều loại hình tiếng Anh tăng cường trong chương trình nhà trường, như: Tiếng Anh với người nước ngoài; tiếng Anh toán và khoa học với phần mềm bổ trợ và giáo viên nước ngoài…

Thông qua các hoạt động dạy học này, ngành giáo dục quận hướng tới việc học tiếng Anh không chỉ là một ngoại ngữ mà sẽ được nâng tầm, giúp học sinh tiếp cận tiếng Anh theo những hướng mới. Đơn cử như việc học tiếng Anh toán khoa với phần mền bổ trợ, học sinh được rèn luyện các môn khoa học bằng tiếng Anh, được tham gia học thực hành thí nghiệm như trong môn khoa học nhưng lại theo một hình thức mới mẻ khác…

Học sinh tự tin tham gia vào các hoạt động

“Với các tiết học này, học sinh tiếp cận với tiếng Anh không chỉ còn là một ngoại ngữ mà như một ngôn ngữ, ít nhất là trong bộ môn toán và khoa học, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, đáp ứng đúng nhu cầu hiện tại. Cũng qua các tiết học, giáo viên tiếng Anh Việt Nam học thêm được nhiều kỹ năng, để làm sao dạy tiếng Anh là một ngôn ngữ thông qua cách giáo viên nước ngoài tổ chức lớp học” – ông Thanh đánh giá.

Theo ông Thanh, các chương trình tiếng Anh thuộc chương trình nhà trường đều được Phòng GD-ĐT chỉ đạo giám sát rất chặt chẽ về chất lượng. Trong từng tiết dạy, nhà trường có nhiệm vụ cử giáo viên giám sát tiết dạy, có thể bố trí giáo viên cùng hỗ trợ trợ giảng. Phòng GD-ĐT cũng tổ chức dự giờ đột xuất, để đánh giá thực chất nhất chất lượng giảng dạy và có những trao đổi, góp ý để hiệu quả giảng dạy môn tiếng Anh ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh, Phòng GD-ĐT luôn khuyến khích các nhà trường tổ chức các lớp học mở, mời phụ huynh vào cùng tham dự để công khai chất lượng giảng dạy. Qua các giờ học thực tế, với việc tổ chức dạy học của giáo viên, nhà trường, phụ huynh được giám sát, được chứng kiến để so sánh, đối chiếu rằng khi đóng các mức chi phí như thế thì con em mình được thụ hưởng cách thức giảng dạy như thế nào. Cũng từ đây, chính phụ huynh sẽ hiểu thêm về lợi ích mà chương trình nhà trường mang lại đã hỗ trợ con em mình phát triển năng lực, rèn luyện kỹ năng ra sao, học tập ở trường vui vẻ và hào hứng thế nào…

“Thực tế, vẫn còn một số phụ huynh tâm tư với chương trình nhà trường, hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình, bao gồm cả các chương trình giảng dạy tăng cường tiếng Anh. Tôi mong rằng phụ huynh nếu còn hồ nghi thì cứ mạnh dạn đăng ký tham gia vào các tiết học mở của nhà trường để thêm hiểu và chia sẻ. Các chương trình giáo dục thuộc chương trình nhà trường không nằm ngoài mục tiêu hướng tới giáo dục toàn diện học sinh, bổ trợ thêm để học sinh phát triển kỹ năng, kiến thức, phẩm chất, năng lực ở những môn học thuộc chương trình giáo dục quốc gia…” – ông Thanh nhấn mạnh.

Giờ học “quốc tế” là bước đệm để nhà trường thuận lợi đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2

Trên hết, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nhìn nhận, việc thực hiện hiệu quả các chương trình tiếng Anh thuộc chương trình nhà trường cũng sẽ góp phần tạo bước đệm để các trường học trên địa bàn quận mạnh dạn khi thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

“Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học không chỉ dừng ở môn tiếng Anh, mà tiến xa hơn là dạy các bộ môn khác bằng tiếng Anh. Điều này đặt ra vai trò cho các nhà trường phải chuẩn bị cho học sinh một nền tảng tiếng Anh tốt. Các chương trình dạy và học tiếng Anh qua môn toán và khoa học với phần mềm bổ trợ được xem là một bước đầu tiên, quan trọng, làm nền để mỗi nhà trường đánh giá, mạnh dạn triển khai giảng dạy ở các môn học khác” – ông Thanh nhận định.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)