Học tiếng Anh có phương pháp ngay từ nhỏ, sẽ giúp học sinh học giỏi tiếng Anh hơn. Ảnh V.M |
Trình độ tiếng Anh ngày càng xuống dốc của học sinh, sinh viên (HS-SV) trong các trường học là vấn đề đáng được quan tâm. HS học 12 năm ở phổ thông, rồi 4 năm học đại học nhưng khi ra trường, khả năng sử dụng tiếng Anh vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là bên cạnh việc dạy học của nhiều trường, trung tâm chưa thật sự hiệu quả, thiếu thực tế thì phương pháp học ngoại ngữ của bạn trẻ cũng cần phải xét lại ở nhiều góc độ khác nhau. Vậy, chúng ta cần học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả?
Phải có thời gian
Cô Trần Thị Thúy Hằng, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Độc Lập (Q. Phú Nhuận) chia sẻ: “Người học tiếng Anh cần thiết phải rèn luyện cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Các em HS-SV cần đầu tư rèn kỹ năng viết một cách bài bản để có thể vững vàng về mặt ngữ pháp bởi hầu hết các kỳ kiểm tra trong trường đều tập trung ra đề về kỹ năng này. Theo tôi người học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cần phải có sự siêng năng, chuyên cần và kiên nhẫn trong việc luyện tập. Thiết nghĩ không phải người ta không biết điều gì quan trọng khi học ngoại ngữ; vấn đề là họ không thể làm được công việc cần thiết này một cách nghiêm túc. Đặc biệt ở lứa tuổi HS-SV, ý thức của các em đối với việc học ngoại ngữ còn rất kém”.
GS.TS Vũ Gia Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt tâm sự: “Học tiếng Anh cũng như học các môn khoa học khác, bạn cần biết tư duy, có lập luận logic. Chỉ khác một điều là khi học ngoại ngữ, bạn cần phải chăm chỉ, kiên trì hơn và đặc biệt là phải có thủ thuật. Có rất nhiều phương pháp để nắm vững được một ngoại ngữ. Tuy nhiên, các bạn HS-SV phải được định hướng đúng, nếu không sẽ mất nhiều thời gian và công sức mà chẳng thu được gì. Thực tế, rất nhiều người đã ý thức được điều này. Bằng chứng là số lượng học viên trẻ trong các trung tâm Anh ngữ ngày một đông. Có thể nói, Anh văn là một môn học mang lại nhiều hứng thú. Tuy nhiên, để học tiếng Anh hiệu quả thì không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người học phải đầu tư thời gian và công sức đúng lúc, đúng chỗ”.
Bạn Nguyễn Thị Kim Dung, SV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “Tuy được học tiếng Anh từ bậc phổ thông nhưng vì đó không phải môn thi chính nên tôi không chú trọng lắm. Khi vào đại học, hiểu được tầm quan trọng của loại hình ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này, tôi quyết định học lại từ đầu. Còn Phạm Văn Hải, nhân viên Công ty CP Giáo dục Sao Việt khẳng định: “Từ ngày đi làm, do ít có điều kiện sử dụng tiếng Anh nên vốn từ vựng và cấu trúc ngữ pháp bị rơi rớt quá nhiều, không còn tự tin giao tiếp như hồi học đại học nữa. Việc không có điều kiện thực hành nói tiếng Anh trong môi trường làm việc khiến tôi rất lo lắng”.
Học phải đi đôi với hành
Hiện nay, đa phần các bạn HS-SV đều nghĩ rằng mình chưa đủ khả năng giao tiếp với người bản xứ, vì vốn từ vựng nghèo nàn, lại không nắm vững cấu trúc ngữ pháp từ căn bản đến nâng cao. Sinh viên Trần Văn Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM e dè: “Khi nào có vốn từ vựng phong phú, tôi mới đủ tự tin giao tiếp với người nước ngoài”.
Thực tế cho thấy, do phần lớn các bạn HS-SV chủ yếu dựa vào cách học thuộc lòng nên thường không nghe nói được, dẫn đến thiếu tự tin trong giao tiếp. Theo ý kiến của nhiều giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, để học tốt tiếng Anh, bạn trẻ nên hình thành cho mình thói quen nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi song song với việc thường xuyên nghe và xem các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh. Đừng lo lắng khi bạn không hiểu những gì bạn nghe. Quá trình học ngoại ngữ đòi hỏi chúng ta phải thật kiên trì, và học một cách liên tục. Cứ nói và nghe nhiều, người học sẽ nhanh chóng tiến bộ. Đặc biệt, trong tiến trình học tiếng Anh, chúng ta không nên bỏ giữa chừng vì như thế sẽ tạo ra lỗ hổng kiến thức. Khi đã mất căn bản, người học phải mất nhiều thời gian mới có thể củng cố lại chuỗi kiến thức, có khi ôn lại từ đầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số bạn trẻ học lâu mà chưa thấy giỏi.
“Nhờ mạnh dạn tiếp xúc và trao đổi với người nước ngoài để điều chỉnh cách phát âm song song với việc thường xuyên nâng cao vốn từ vựng mà em ngày càng cảm thấy tự tin hơn khi học môn ngoại ngữ này”, Mai Thị Hậu, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương phấn khởi.
Không có một công thức chuẩn mực nào được xem là tối ưu nhất cho việc học tiếng Anh của mỗi người. Hiệu quả của quá trình này phụ thuộc vào việc người học có chọn được phương pháp nào phù hợp với điều kiện và khả năng của mình hay không.
N.Quang- K. Dung
TS. Nguyễn Xuân Thu, chuyên gia về nhân lực chia sẻ: “Để học tốt tiếng Anh, bạn nên đầu tư chu đáo cho việc học nghe. Nghe những gì có thể hiểu được và lặp lại quá trình này nhiều lần trong ngày. Nếu bạn không hiểu những điều bạn nghe được thì việc học tiếng Anh hoàn toàn vô nghĩa. Điều đó giải thích tại sao nhiều người học tiếng Anh lâu ngày nhưng vẫn không giỏi. Muốn nghe tốt, bạn nên đi từ bài dễ đến bài khó. Hiện nay, nhiều HS-SV thường chọn nghe những bài phức tạp và khó cho nên việc học của họ không hiệu quả. Các bạn cần nhớ rằng, việc chọn nghe những bài dễ giúp bạn tập nói nhanh hơn”. |
Bình luận (0)