Thay vì học trong không gian lớp học nhỏ hẹp, đối thoại với nhau vài câu tiếng Anh đơn giản, học sinh Trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) lại được đưa đi… uống cà phê và trò chuyện với người nước ngoài.
Các thành viên lớp 12A8 Trường THPT An Dương Vương tại quán cà phê Master Cup |
Chương trình trên đã được thực hiện gần 1 năm nay, tạo được sự hứng thú cho tất cả học sinh trong trường khi học môn tiếng Anh.
Tất cả cùng trao đổi, tranh luận
Đều đặn buổi chiều các ngày thứ ba, tư, năm, sáu trong tuần, các em học sinh ở hai cơ sở (Q.Thủ Đức và Q.Tân Phú) được “hộ tống” lên xe để di chuyển tới quán Master Cup – một quán cà phê do người nước ngoài thành lập với mục đích dạy tiếng Anh cho người Việt – ở khu vực Q.7. Tiết học tiếng Anh sẽ kéo dài trong thời gian hơn 1 giờ đồng hồ với những chủ đề không được đưa ra trước. Cô Phan Thị Phương Nhung (giáo viên bộ môn tiếng Anh của trường) cho biết các chủ đề thường được bắt đầu từ những trao đổi của các em học sinh, khi một em gợi lên một vấn đề nào thu hút sự quan tâm của nhiều em khác thì ngay lập tức biến thành chủ đề tranh luận. Đó có thể là những chủ đề rất gần gũi trong cuộc sống như âm nhạc, thể thao, thần tượng…, cho đến các vấn đề lớn hơn như văn hóa các nước, cách chọn nghề nghiệp của học sinh các nước, cuộc sống ở nước ngoài khi đi du học… “Trong mỗi lần trao đổi, tranh luận như vậy, khoảng cách giữa học sinh với tình nguyện viên cũng như sự chênh lệch về khả năng tiếng Anh của các em hầu như không còn. Các tình nguyện viên đều rất trẻ, cởi mở và hiểu tâm lý học sinh nên em nào cũng được trao đổi, tranh luận. Học sinh nào ban đầu còn ngần ngại sẽ được tình nguyện viên đến tận nơi để khuyến khích trao đổi”, cô Nhung nói.
“Trước đây, nhà trường có tổ chức một ngày cố định trong tuần để toàn trường cùng nói tiếng Anh, song cách thức này hầu như không mấy hiệu quả. Sau khi chuyển qua hình thức đưa học sinh tới quán Master Cup, khả năng nghe và nói tiếng Anh của các em đã được cải thiện rõ rệt. Trong 1 năm qua, trường đã tổ chức được 60 tour cho học sinh 3 khối. Trung bình cứ 1,5 tháng là học sinh lại được học giao tiếp tại quán Master Cup”, thầy Trần Đức Thành (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết. |
Thầy Trần Đức Thành (Hiệu trưởng nhà trường) cũng nhìn nhận, ngay từ lần đầu đến đây (quán Master Cup – PV), nhiều em học sinh đã mạnh dạn trò chuyện rôm rả bằng tiếng Anh trong không khí hết sức tự nhiên, gần gũi. Một số em học sinh ban đầu nói chuyện còn ấm ớ, lúng túng phải dùng tay chân để biểu đạt ý mình muốn nói thì chỉ vài chục phút sau đã bớt căng thẳng và hòa nhập rất tốt. “Thông thường, thời gian mỗi buổi học chỉ kéo dài hơn 1 giờ nhưng càng về sau thì không khí trao đổi càng rôm rả. Nhiều em khi kết thúc buổi học còn chưa thỏa mãn với ý kiến mà giáo viên nước ngoài đưa ra liền về tìm hiểu, học thêm từ vựng, cấu trúc câu mới để lần sau tìm gặp chính thầy cô đó để trao đổi thêm”, thầy Thành cho biết.
Học được nhiều hơn về kỹ năng sống
Tính đến thời điểm hiện tại, lớp 10A2 đã có 3 buổi đi uống cà phê tại quán Master Cup, các thành viên trong lớp đang chuẩn bị cho hành trình kế tiếp sẽ được tổ chức sau khi kết thúc học kỳ 2. Em Trương Quang Khải (thành viên lớp 10A2) cho biết ban đầu em và một vài bạn khác còn e ngại, không dám nói vì sợ sai. Nhưng sau vài chục phút ban đầu, với sự cởi mở của các tình nguyện viên, các em đã có sự phản biện, bày tỏ quan điểm của mình, mạnh dạn nói dù cấu trúc câu có sai, ngôn từ phát âm chưa hoàn chỉnh. “Nhiều bạn còn bộc lộ cá tính của mình bằng cách giơ tay hoặc đứng dậy để trao đổi nếu có nhiều người cùng nói một lúc. Qua những buổi học như vậy, em học được phản xạ nói tự nhiên, học cách diễn đạt để cho người khác hiểu rõ hơn”, Khải chia sẻ. Trong khi đó, Lê Hoàng Long (cũng là thành viên lớp 10A2) khẳng định: một trong những điều mà em khắc phục được khi đến với các buổi học tiếng Anh ở quán Master Cup là cách chỉnh sửa giọng để nhấn mạnh vào chỗ mọi người cần nghe, cách lắng nghe những từ khóa quan trọng để hiểu được trọng tâm người khác muốn nói. Bên cạnh đó em cũng học được cách ứng biến mỗi khi trả lời vì không cần phải nhớ máy móc cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Anh.
Không chỉ được giải trí, được nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, các em học sinh còn được trải nghiệm những kỹ năng hết sức thực tế trong cuộc sống. “Qua các chủ đề trao đổi, chúng em được tìm hiểu cách lựa chọn nghề nghiệp của học sinh quốc tế, biết cách tự bảo vệ bản thân, rèn lối sống tự lập, tính kỷ luật… Một số bạn có ý định du học nước ngoài sau khi kết thúc chương trình phổ thông cũng được các tình nguyện viên hướng dẫn cho cách thức tìm trường phù hợp, những website đáng tin cậy để tìm bảng xếp hạng các trường…”, Lê Nhật Huy (thành viên lớp 10A2) cho hay.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)