“Nếu chỉ có một nguyện vọng thành sự thật?”, đây là chủ đề của cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế lần thứ 7 diễn ra tại Đà Nẵng, thu hút 14 thí sinh tham gia tranh tài.
Cô sinh viên Nguyễn Công Thái Bình Dương (thứ 2 từ phải qua) đoạt quán quân cuộc thi hùng biện tiếng Nhật từ nỗ lực tự học |
Mỗi thí sinh đến với cuộc thi đều có một câu chuyện riêng, một nguyện vọng cho riêng mình trước sự lựa chọn duy nhất ấy. Nhưng tất cả đều có chung một tình yêu dành cho xứ sở Phù Tang và quyết tâm thực hiện ước mơ được đến đất nước này bằng nỗ lực tự học tiếng Nhật.
Những nguyện vọng xúc động
11 giờ trưa chủ nhật, sau 2 tiếng đồng hồ, khi lần lượt 14 thí sinh đến từ các trường THPT, ĐH và trung tâm Nhật ngữ trên địa bàn Đà Nẵng hoàn thành phần thi hùng biện của mình, tên người đoạt giải nhất đã được xướng lên. Cô sinh viên ngành kế toán kiểm toán Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng – Nguyễn Công Thái Bình Dương rất xúc động khi tên mình được vinh danh với một suất dự thi cùng bạn bè quốc tế tại Học viện Kake ở xứ sở Phù Tang vào tháng 11 tới. Với Dương, điều ước của bản thân thì thật sự rất nhiều. Tuy nhiên, những điều đó chỉ cần cố gắng là có thể đạt được. Vì vậy em giành điều ước này cho mẹ của mình – người đã luôn hy sinh vì gia đình. “Mẹ đã ước mơ trở thành bác sĩ từ khi còn nhỏ. Giấc mơ vẫn lớn dần theo năm tháng nhưng hoàn cảnh lúc ấy không cho phép nên mẹ không thể thực hiện điều này. Em từng muốn trở thành bác sĩ để thực hiện ước mơ thay mẹ nhưng chính mẹ đã khuyên nên chọn nguyện vọng của bản thân – đó mới là điều mẹ mong muốn nhất. Nếu một điều ước trở thành sự thật, em mong mẹ có thể quay về thời 20 tuổi, được vào Trường ĐH Y Dược, trở thành một bác sĩ giỏi. Em tin, nếu điều ước ấy thành sự thật, mẹ sẽ rất hạnh phúc”, Dương nói.
Cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế lần 7 do Học viện KaKe (Nhật Bản) phối hợp với Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Trung tâm Nhật ngữ Sakura tổ chức. Đây là cuộc thi thường niên nhằm tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng kiểm chứng năng lực ngoại ngữ cũng như tìm cơ hội đến đất nước Nhật Bản để tìm hiểu về văn hóa nước bạn. |
Nếu chỉ có một nguyện vọng trở thành sự thật, thì Nguyễn Ngọc Bảo Nghi, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng ước mơ được một lần quay lại thời cấp 3 để dự lễ tốt nghiệp cuối cùng của đời học sinh. Để lần cuối cùng được mặc áo dài trắng, được hát Quốc ca cùng mọi người dưới mái trường thân yêu, được nghe bài phát biểu của thầy hiệu trưởng, và được ngắm nhìn những gương mặt bạn bè thân yêu, làm hòa với những bạn học mà đôi lần khúc mắc chưa có dịp giải bày… Còn với á quân cuộc thi, Lê Huỳnh Khánh Vân, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh thì ước mơ được du học trên đất nước Nhật Bản, giới thiệu với bạn bè về nét đẹp truyền thống văn hóa quê hương mình cũng như tìm hiểu về văn hóa nước bạn, góp chút công sức nối nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.
Nỗ lực tự học
14 thí sinh đến với cuộc thi là ngần ấy nguyện vọng cho mình, cho người thân yêu nhất. Nhưng để được đứng trên sân khấu nói suôn sẻ ngôn ngữ Nhật là điều không dễ dàng. Phần lớn trong số ấy đều nỗ lực tự học đáng khâm phục. Quán quân Nguyễn Công Thái Bình Dương kể, em thích tiếng Nhật và ước được du học ở đất nước này từ khi còn học cấp 3 nhưng em chưa có điều kiện để thực hiện. Đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, khi học xong năm thứ 2, em mới dành dụm được chút ít tiền sinh hoạt phí mẹ cho để đầu tư một khóa học tiếng Nhật ở Trung tâm Nhật ngữ Sakura. Vừa học tiếng Anh ở trường, vừa học thêm tiếng Nhật cũng vất vả lắm vì hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, thậm chí tiếng Nhật rất khó, nếu không đủ kiên nhẫn thì qua vài tháng là bỏ cuộc. Mỗi khi thấy áp lực học căng quá, em lại nghĩ đến đất nước Nhật, nghĩ đến ước mơ của mình thế là tiếp tục tự học. Ngoài việc học ở trung tâm, em còn học qua nghe nhạc, xem phim, giao tiếp với người Nhật mỗi khi có cơ hội để nâng cao năng lực. Còn thí sinh Nguyễn Ngọc Nghĩa lại chọn cho mình thời điểm thực hiện đam mê sau ngày tốt nghiệp ngành cơ điện tử Trường CĐ Nghề Đà Nẵng. “Tốt nghiệp xong em quyết định đi học thêm tiếng Nhật để tìm kiếm một suất du học hoặc làm việc ở Nhật Bản, vì em rất thích nước này. Nếu vừa làm vừa học thì em sẽ không hoàn thành tốt được cả hai nên em quyết tâm dành tâm huyết cho tiếng Nhật thôi”, Nghĩa chia sẻ.
Cuộc thi khép lại với suất dự thi tiếp theo ở xứ sở Phù Tang chỉ dành cho ngôi vị quán quân, nhưng bằng những nỗ lực khác, tất cả đều tự học tiếng Nhật với quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)