Sự kiện giáo dục

Học toán tư duy để học sinh không sợ… toán

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nhà toán học cho rằng nếu môn toán được dạy theo đúng như bản chất thì học sinh sẽ không sợ… toán.

Phải chăng học sinh đang học toán không tư duy?

Trước phong trào cho con học toán tư duy rầm rộ trong giới phụ huynh, nhiều nhà toán học cho rằng hiện tượng này mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực. Trước hết là bởi phụ huynh đã nhận thức được nguy cơ về việc con em mình bị dạy sai cách chỉ để đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn. Hơn nữa, dù nhiều người cho con đi học toán tư duy đơn thuần chỉ là theo "trend", nhưng nó cho thấy phụ huynh mong mỏi con mình trở thành người có tư duy độc lập, được phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập.

Học toán tư duy để học sinh không sợ... toán   - Ảnh 1.

Muốn học sinh chịu tư duy thì trước hết phải làm cho các em không sợ toán. NHẬT THỊNH

Nếu trẻ con đi học thấy vui thì tất cả đều… có lợi

Theo GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, hiện nay có hai kiểu học thêm. Một kiểu là học thêm thuần túy, người dạy bám vào chương trình phổ thông nhưng tập trung cho học sinh (HS) làm nhiều bài tập các dạng, nhằm giúp HS cải thiện điểm số khi học trên lớp hoặc khi đi thi. Một kiểu học thêm khác là theo học các lớp rèn tư duy, cho dù chưa chắc đã cải thiện được điểm số ngay, thì đó là kiểu học thêm có ích. Với kiểu học thứ 2, kiến thức được ngấm dần vào người học, đồng thời hình thành trong các em khả năng suy nghĩ để tìm cách giải quyết vấn đề, cho dù đó là vấn đề chưa từng được học. Một khi HS đã có tư duy tốt rồi thì các em sẽ thuận lợi khi học môn khác chứ không chỉ môn toán.

Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều nơi quảng cáo dạy toán tư duy, nhưng họ có thực sự dạy HS tư duy như lời quảng cáo không thì phụ huynh cũng khó biết. Nếu đúng là dạy tư duy thì HS được dạy suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không chỉ đến lớp ngồi làm bài tập. "Ví dụ, có những nơi dạy HS tính nhanh, tính nhẩm tốt thì làm sao gọi đó là dạy tư duy! Đó là dạy tính thôi, dạy kiểu này nó còn hại cho tư duy", GS Vinh nhận định.

Theo GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN, kể cả người lớn chạy theo "trend", nhưng nếu trẻ con đi học thấy vui thì tất cả đều… có lợi. Trẻ học toán cũng như học bất kỳ thứ gì khác, tiêu chí thành công cao nhất là các em thấy thích, thấy hứng thú với việc học. Muốn biết nơi đó có ích cho con mình không thì phụ huynh cứ đến tận lớp xem, thấy trẻ con trong lớp chú ý nghe thầy, sôi nổi làm bài là tốt.

Học toán tư duy để học sinh không sợ... toán - Ảnh 2.

Khi xác định mục đích "học toán để thông minh hơn" thì dạy toán trong trường phổ thông phải dễ hơn. ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh cần được dạy đúng

Nhiều giáo viên dạy toán cũng như các nhà toán học đều cho rằng nếu thầy cô dạy toán đúng với bản chất việc dạy toán, thì chính là dạy tư duy. Lợi ích của việc này có thể không làm HS giỏi toán, nhưng ít nhất sẽ giúp các em không sợ… toán.

Theo ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), không thể đỗ lỗi cho chương trình toán đang được dùng trong trường phổ thông khi có nhiều HS sợ toán. Đặc biệt, chương trình mới được thiết kế hợp lý, giúp thầy và trò dễ dàng tiếp cận với môn toán hơn. Muốn HS chịu tư duy thì trước hết phải làm cho các em không sợ toán, muốn các em không sợ toán thì thầy cô phải dạy kỹ để HS hiểu chắc các nội dung cơ bản. "Nhưng nhiều thầy cô dạy toán đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Thay vì giúp các em hiểu cặn kẽ kiến thức cơ bản thì thầy cô lan man mở rộng ra các vấn đề không cơ bản. Việc cho thêm bài tập khi các em chưa nắm được bản chất bài học chỉ làm rối thêm. Chứ chương trình toán cơ bản của chúng ta hiện nay vẫn giúp được giáo viên rèn tư duy cho HS, làm cho các em không sợ toán", ông Hoan nhận xét.

GS Phùng Hồ Hải nêu quan điểm, toán không phải là môn học chỉ dành cho người thông minh, mà tất cả mọi người học toán là để thông minh hơn. Khi xác định mục đích "học toán để thông minh hơn", thì dạy toán trong trường phổ thông phải dễ hơn. Hiện nay, nhiều HS đang được dạy thứ toán rất khó, không phải khó về yêu cầu sáng tạo mà khó về độ phức tạp. Nếu người dạy quá chú trọng về sự phức tạp thì HS chỉ học được kỹ năng chứ không bồi dưỡng được sự sáng tạo cho HS, các em sẽ trở thành những thợ giải toán.

GS Vinh nói: "Không phải tất cả HS đều cần phải trở thành HS giỏi toán, nhưng các em cần được dạy đúng. Học mà phải tính toán nhiều, luyện bài tập nhiều, thì không ổn".

Học toán tư duy để học sinh không sợ... toán - Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh cho con học toán tư duy với mong muốn con học tốt môn toán ở trường. NHẬT THỊNH

Cần nuôi dưỡng tư duy sáng tạo

Theo GS Hải, mục tiêu của các lớp học thêm luôn rất cụ thể, thường là luyện thi. Cách dạy ở lớp học thêm thường là dạy các dạng bài. Cách dạy đó giết chết cảm xúc của HS đối với toán. HS học toán như là công cụ để đạt những thứ khác, ví dụ có thành tích ở các kỳ thi hay đỗ đạt vào trường này, trường khác. "Theo tôi, khuynh hướng "toán tư duy" là tốt. Tất nhiên sẽ có việc lợi dụng, ăn theo. Nhưng cứ để khuynh hướng ấy phát triển, thực tế sai đến đâu thì xã hội cùng tìm giải pháp chỉnh sửa đến đó", GS Hải nói.

Bỏ thi trắc nghiệm để nâng kỹ năng tư duy?

Theo TS Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm việc cho một doanh nghiệp ở Đức, để nâng cao kỹ năng tư duy cho HS thì trước hết, Bộ GD-ĐT nên bỏ kiểu thi trắc nghiệm đối với các môn khoa học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm là người ra đề dễ kiểm tra kiến thức trên phổ rộng. Nhưng do thói quen học để phục vụ thi cử của người học ở VN, HS cũng học tập các chiến thuật đối phó với kiểu thi này. Một chiến thuật điển hình là làm bài trắc nghiệm bằng cách loại trừ các lựa chọn sai. Theo cách này, thí sinh có thể chọn câu trả lời đúng mà không cần phải tìm ra chính xác kết quả, khi có thể đoán hoặc suy luận được những lựa chọn nào là sai để loại đi. Cuối cùng thì thí sinh đạt mục đích lấy được điểm ở câu hỏi đó, đồng thời cũng mất đi dịp rèn luyện kỹ năng tìm lời giải chính xác, điều này rất quan trọng đối với các môn khoa học tự nhiên.

Một tác hại lớn hơn của cách thi trắc nghiệm đối với HS VN là làm cho các em lơ là rèn luyện kỹ năng diễn đạt, kỹ năng viết ra hoàn chỉnh các biện luận, do điều này không được yêu cầu trong đề thi trắc nghiệm. Khi không rèn luyện cách diễn đạt lập luận thành câu chữ hoàn chỉnh, HS khó thấy được những điểm thiếu sót trong cách biện luận (và kiến thức) của mình.

GS Vinh cũng cho rằng trong giáo dục thì có mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn. Mục tiêu dài hạn là phát triển con người, HS sau này trở thành người tốt, sống tử tế, có khả năng suy nghĩ, khả năng tư duy logic… Ngắn hạn là đạt kết quả tốt ở các bài kiểm tra, bài thi… Nhiều khi mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn sẽ có sự mâu thuẫn, phụ huynh phải biết cân bằng điều đó. Còn với những người làm giáo dục thì chắc chắn không thể chỉ chạy theo các mục tiêu ngắn hạn vì như thế chẳng bao giờ nhìn thấy được cái đích lâu dài.

Theo TS Vũ Thị Ngọc Hà, Viện Toán ứng dụng và tin học, ĐH Bách khoa Hà Nội, tư duy có nhiều loại, trong đó, tư duy sáng tạo là cần nuôi dưỡng nhất. Bên cạnh việc "học chậm", trẻ cần có những "khoảng trống" trong quỹ thời gian và đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp trẻ tự tăng tư duy sáng tạo, tư duy tưởng tượng cho chính mình thông qua quyển sách đã đọc, hay thông qua một vấn đề toán, vật lý nào đó mà các em đang theo đuổi. "Khi ta đưa ra cho đứa trẻ một bài toán là phải cho nó thời gian để trẻ xoay xở giải quyết vấn đề, như thế mới kích thích não trẻ. Nhưng dạy thế thì lại khó giúp trẻ đạt điểm số cao như kỳ vọng, khó giúp trẻ được giải thưởng trong các kỳ thi trong thời gian ngắn. Hơn nữa, thành quả tư duy của mỗi đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cho nên không phải cứ được học "toán tư duy" là tất cả mọi đứa trẻ trở nên giỏi toán, nhưng nó sẽ giúp cho đứa trẻ không sợ toán", TS Hà chia sẻ. 

Theo Quý Hiên/TNO

Bình luận (0)