Vừa qua, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) đã diễn ra tại Trường THPT Gò Vấp.
Ban tư vấn trả lời câu hỏi của các bạn học sinh |
Năng lực phụ thuộc thái độ học tập
Trước sự phân vân của nhiều học sinh khi chưa định hình một nghề cho bản thân, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) khuyên: Chọn nghề nào cũng phải xuất phát từ sở thích, đam mê, điều kiện gia đình và xu hướng lao động. Khi xác định được nghề cần học rồi thì việc chọn trường không khó. Bởi học trường nào không quan trọng, mà quan trọng là thái độ, ý thức học tập của bản thân mỗi người. “Trong bối cảnh xã hội hiện tại các ngành nghề đều phát triển, vì vậy không phải lo lắng về việc làm sau này, các em hãy cứ học thật tốt thì cơ hội sẽ đến. Năng lực phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm, tâm huyết và kế hoạch của bản thân”, ông Hạ đúc kết.
Giải đáp thêm về thắc mắc của học sinh liên quan đến việc làm, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề đòi hỏi phải có giá trị hành nghề. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người phải có đạo đức nghề nghiệp. Hơn nữa, hiện nay thị trường lao động Việt Nam là thị trường mở, đặc biệt là sự kiện APEC 2017 sắp diễn ra tại Việt Nam với 21 quốc gia tham dự, chúng ta có thêm đối tác thương mại nên cơ hội việc làm mở rộng trong khu vực và thế giới. Vì vậy các em cần xác định phân khúc thị trường lao động mà chọn nghề.
Ông Tuấn cũng lưu ý đến các nhóm ngành nghề đang cần tỷ trọng lao động cao như kỹ thuật công nghệ (CNTT, kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử…), hóa chất – nhuộm – dệt sợi, kinh tế – tài chính – ngân hàng, kiến trúc – xây dựng, du lịch – nhà hàng – khách sạn, sư phạm, thiết kế thời trang… Dù học nghề gì cũng nên có kế hoạch học tập, trang bị nhiều kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ, giải quyết tình huống… Đây là những lợi thế khi dự tuyển các vị trí việc làm ở công ty nước ngoài.
Em Mai Ly (học lớp 12A7) hỏi: “Chúng em nên chọn học nghề có thu nhập cao hay chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân?”. Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho biết nghề nào cũng có thu nhập cao nếu có năng lực thật sự và ngược lại, nếu không có năng lực thì nghề sẽ tự đào thải mình.
Tố chất nào thì nghề nấy
Em Hòa An (học lớp 10C9) chia sẻ rất yêu thích nghệ thuật, ước mơ trở thành nhà thơ, nhà biên kịch và diễn viên nhưng gia đình có truyền thống kinh doanh nên khó chấp nhận ước mơ của em. Vậy em có nên theo đuổi ước mơ của mình? Với vấn đề này, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) cho rằng nghề mình chọn phải có đam mê, chọn cả lý trí và con tim. Ba mẹ là kênh thông tin để tham khảo, hãy thuyết phục ba mẹ bằng sự đam mê, bằng sự chín chắn của bản thân. Tuy nhiên hãy cân nhắc kỹ xem nghề đó có nuôi sống bản thân mình hay không?
Trong khi đó, tập thể học sinh lớp 12A3 hỏi: “Học ngành kỹ thuật cơ khí cần những tố chất gì và ra trường làm việc ở đâu?”. Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM giải đáp: “Để thành công với ngành kỹ thuật cơ khí, người học phải có những tố chất phù hợp như tư duy lôgic, tư duy hệ thống, đam mê kỹ thuật, máy móc… Tốt nghiệp ngành này sẽ là kỹ sư vận hành, bảo trì, thiết kế, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí tại các đơn vị sản xuất, dịch vụ về cơ khí phục vụ an ninh, quốc phòng, ô tô, tàu thủy. Hoặc có thể trở thành chuyên viên tư vấn, điều hành kỹ thuật hoặc nghiên cứu viên tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp… Tương tự, một học sinh hỏi: “Học ngành quản trị du lịch và khách sạn cần những điều kiện gì?”, ông Trần Minh Dương (đại diện Trường ĐH Broward, Hoa Kỳ) thông tin: “Muốn học ngành quản trị du lịch và khách sạn phải có kiến thức về quản trị con người, có kiến thức trình bày, am hiểu văn hóa và lịch sử, địa lý. Đặc biệt là có khả năng phát triển sản phẩm du lịch trở thành sản phẩm đặc trưng và thú vị. Ngoài ra còn phải giỏi nhiều ngoại ngữ để có thể tiếp xúc với du khách nhiều quốc gia”. Một học sinh khác hỏi: “Muốn đi du học nhưng khả năng ngoại ngữ chưa tốt thì sao?”, ông Dương cho biết hiện tại có chương trình học 1-2 năm tại Việt Nam trước khi du học, đây là thời gian để các em tích lũy vốn kiến thức tạm đủ sống ở môi truờng quốc tế và để gia đình chuẩn bị kinh phí. Ngoài ra còn có chương trình nước ngoài 2+2, học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài, giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đặc biệt, có học sinh hỏi: “Tốt nghiệp ĐH xong nên đi du học hay đi làm?”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho rằng đi làm hay du học còn phụ thuộc vào điều kiện tài chính, tuy nhiên ban đầu đều có khó khăn nhất định. “Không ít bạn trẻ tốt nghiệp ĐH xong không đi làm mà khởi nghiệp từ vốn kiến thức đã học và khả năng tài chính của bản thân”, bà Bích nói.
Trần An
Bình luận (0)