Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học trên… những thi hài

Tạp Chí Giáo Dục

Học tập, nghiên cứu trên những thi hài không phải là điều xa lạ với sinh viên ngành y. Những giờ thực hành như thế là hành trang quý báu cho các bác sĩ tương lai.

Những người thầm lặng

6 giờ 30 sáng, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Thái Bình, kỹ thuật viên bộ phận tiếp nhận và bảo quản thi hài, Bộ môn giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vào Phòng Xử lý và hóa chất. Khi cánh cửa được mở ra, trước mắt chúng tôi là 3 thi hài được phủ khăn trắng nằm cạnh nhau. Cách đó là những bồn ngâm thi hài. Biết chúng tôi lần đầu tiên bước vào nơi này, anh Bình trấn an: “Lần đầu tiên vào đây nên hơi sợ chút xíu thôi, không sao đâu. Chúng tôi làm việc ở đây nên quen rồi, thấy những thi hài cũng như người sống hiện hữu bên cạnh mình vậy”. Nói rồi, anh đưa chúng tôi xem những cuốn album ảnh về những ngày lễ tri ân dành cho những người đã hiến thi hài cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Mỗi bức ảnh là một số phận, một cuộc đời khác nhau nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung đó là cách họ chọn cách kết thúc cuộc đời thật cao cả và ý nghĩa. 

6 năm gắn bó với nghề, anh Bình đã chứng kiến bao câu chuyện cảm động về những người hiến thi hài. Có những cụ già bất chấp lời ngăn cản của gia đình để khăng khăng được hiến thi hài cho nhà trường sau khi mình qua đời. Nhiều bạn trẻ cũng không ngần ngại điền tên mình vào hồ sơ để làm thủ tục hiến thi hài. “Mỗi năm số lượng người đăng ký hiến thi hài càng tăng. Có nhiều người ở các tỉnh cũng đăng ký nữa. Chúng tôi vừa mới tiếp nhận một thi hài ở Trà Vinh”, nói rồi anh Bình chỉ tay về một thi hài đang chờ được ngâm vào bồn hóa chất. “Khi thi hài vừa được đưa về trường, chúng tôi sẽ tắm rửa, bơm hóa chất vào thi hài rồi đặt họ vào bồn hóa chất trong vòng vài năm. Sau đó, thi hài sẽ được đưa ra để giúp các sinh viên học tập. Hình dáng bên ngoài và các cơ quan nội tạng được bảo vệ nguyên vẹn nên người nghiên cứu có cơ hội được thực hành rất thuận lợi. Sau thời gian 1-2 năm, chúng tôi sẽ đưa thi hài đi hỏa táng rồi gửi tro cốt về cho gia đình hay để lại trường tùy theo di nguyện của người đã khuất”, anh Bình cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một giờ thực hành Bộ môn giải phẫu

Liếc nhìn đồng hồ, anh Bình vội vã di chuyển sang Phòng Kỹ thuật để chuẩn bị mở cửa cho sinh viên vào thực hành. Vừa bước vào phòng, mùi formon nồng nặc xông lên mũi dù chúng tôi đã mang khẩu trang y tế.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Vân, Trưởng bộ phận tiếp nhận xác hiến Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong năm 2014 đã có 810 bộ hồ sơ đăng ký và 22 người hiến xác. Đặc biệt có năm tiếp nhận 177 bộ hồ sơ đăng ký hiến xác của tăng ni phật tử của một chùa tại TP.HCM. Để thực hiện việc tiếp nhận và bảo quản thi hài, có 4 kỹ thuật viên và một thư ký đảm nhận. Có những đêm khuya, chỉ cần nhận được điện thoại của gia đình người hiến xác là họ lại lên đường. Nhiều khi vừa đến nơi, người nhà đột ngột không đồng ý, họ lại lặng lẽ ra về. Nhiều người mới thử việc được vài ngày đã bỏ cuộc vì công việc quá vất vả, độc hại này. “Tôi nối nghiệp ba nên chọn công việc này. Ban đầu cũng chỉ nghĩ đơn giản là vì mưu sinh. Gắn bó lâu dài, tôi chợt nhận ra mình khó lòng mà bỏ nghề được. Tôi ngưỡng mộ những người hiến xác vì họ đã lặng lẽ chọn cái chết ý nghĩa cho cuộc đời. Tôi luôn tâm nguyện còn gắn bó với công việc ngày nào thì phải tận tâm với nghề ngày đó”, anh Bình tâm sự.

Bài học y đức

Mỗi giờ học trên các thi hài là những giờ phút quý giá để các sinh viên ngành y có cơ hội thực hành, tìm hiểu. Phòng thực hành đã không còn là nơi ám ảnh đối với em Lê Xuân Hòa, sinh viên năm 4 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Em đã quen với mùi formon, không còn cảm giác sợ hãi như hôm nào. Lần đầu tiên được thầy cô hướng dẫn cách tách từng bộ phận, được nhìn thấy động mạch, các cơ quan trong cơ thể con người, em bị ám ảnh mấy hôm. Sau mỗi giờ thực hành với thi hài, em và các bạn càng nhận ra khi được tiếp xúc, trải nghiệm những giờ học như thế mới thấy thật ý nghĩa”, Hòa chia sẻ.

“Ngày đầu tiên bước chân vô đây, tôi cũng hơi “ớn” mùi formon, thấy mắt cay xè luôn. Lâu dần cũng quen”, anh Bình kể lại.

Phòng thực hành giải phẫu chỉ có tiếng hướng dẫn của thầy, tiếng trao đổi của sinh viên. Có sinh viên vừa thực hành, vừa cặm cụi ghi chép để có thể nhớ chính xác từng chi tiết của các bộ phận trên cơ thể con người như xương, tủy, đường đi dây thần kinh… Dường như các sinh viên ý thức được rằng hành trình trở thành bác sĩ của họ đều bắt đầu từ những thi hài được hiến tặng. Có lẽ vì vậy mà người ta vẫn gọi những thi hài đó như những “người thầy im lặng”.

BS Lê Quang Tuyền, Phó chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Chúng tôi luôn tôn vinh những người đã hiến thi hài cho khoa học. Việc làm thầm lặng của họ rất có ý nghĩa để sinh viên ngành y có cơ hội được nắm vững giải phẫu, trang bị thêm nhiều kiến thức để trở thành thầy thuốc tương lai. Không ít những công trình nghiên cứu y học có giá trị cũng được thực hiện từ việc thực hành, tìm hiểu trên những thi hài. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức một ngày lễ tri ân những người đã hiến thi hài. Đó cũng là dịp để các em sinh viên thể hiện lòng trân trọng đối với họ, để các em nuôi dưỡng cảm xúc về những bài học y đức khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH”.

Bài, ảnh: Thục Quyên

Bình quân mỗi năm, Bộ môn giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận khoảng hơn 300 lá đơn tình nguyện hiến thi hài. Đến nay, đã có hơn 5.000 người đăng ký hiến thi hài tại trường. Con số này có lẽ sẽ không dừng lại bởi giữa nhịp sống hối hả này, có nhiều người vẫn chọn cách kết thúc ý nghĩa cho cuộc đời mình…

 

Bình luận (0)