Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học trò chế tạo thiết bị chống gian lận thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Hai học sinh đã chế tạo ra chiếc máy quét cầm tay dò được các thiết bị chống gian lận công nghệ cao trong phòng thi, kể cả những thiết bị siêu nhỏ hoặc không hoạt động.

Huy và Nguyên cùng thầy giáo hướng dẫn (giữa) tại Hội thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật - Ảnh: X.P

Huy và Nguyên cùng thầy giáo hướng dẫn (giữa) tại Hội thi nghiên cứu khoa học – kỹ thuật – Ảnh: X.P

Đó là Trần Công Nguyên và Ngô Đức Huy, cùng là học sinh lớp 8 Trường quốc tế Việt Úc (TP.HCM).
Trần Công Nguyên kể vì biết có thực trạng các thí sinh sử dụng các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao như tai nghe từ tường, tai nghe bluetooth… để qua mặt giám thị, nên đã nảy ra ý tưởng về việc chế tạo thiết bị dò tìm và phát hiện ra các công cụ gian lận thi cử công nghệ cao.
Nguyên chia sẻ về ý tưởng với Ngô Đức Huy, được người bạn tán đồng, cả hai bắt tay vào thực hiện. Không lâu sau đó, thiết bị ra đời với chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng.
Thiết bị này được chế tạo theo nguyên lý hoạt động của cảm biến tiệm cận điện từ, cảm biến tiệm cận điện cảm, modun cảm ứng, mạch adruno… Với máy quét cầm tay này, nếu thí sinh có mang theo các thiết bị gian lận công nghệ cao hay thiết bị siêu nhỏ thì máy sẽ phát ra tín hiệu, hỗ trợ giám thị phát hiện và xử lý.
Nguyên cũng cho biết thêm, tai nghe siêu nhỏ mà thí sinh sử dụng trong gian lận thi cử, sử dụng từ trường do cuộn cảm âm điện từ phát ra, biến chúng thành tín hiệu điện và chuyển thành sóng âm, bản thân nó là một nam châm siêu mạnh. Do kích thước của tai nghe quá nhỏ nên buộc cuộn cảm âm điện từ phải phát ra một từ trường có cường độ rất lớn. Thiết bị sẽ đo được cường độ từ trường này. Ngoài ra, do trái đất tạo ra một từ trường có giá trị cố định không đổi trên một diện tích rộng khoảng vài ki lô mét vuông, nên thiết bị sẽ phát hiện ra gian lận nhờ so sánh từ trường của trái đất ở điều kiện bình thường và sự nhiễu từ do các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao tạo ra…
Còn Huy thì hướng dẫn, do thiết bị dùng để gian lận thi cử có sử dụng sóng GSM & bluetooth để trao đổi thông tin ra bên ngoài nên cả hai đã chế tạo mạch phát hiện sóng GSM & bluetooth dựa trên hiện tượng cộng hưởng. Mặt khác, các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao khi hoạt động sẽ tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn, vì vậy có thể sử dụng các cảm biến hồng ngoại để phát hiện.
Huy cũng cho biết máy quét cầm tay này đã qua quá trình thử nghiệm và đạt được kết quả rất khả quan, nhờ vậy đã đoạt giải nhì vòng chung kết hội thi nghiên cứu khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2015 – 2016 của TP.HCM.
“Mới chỉ học lớp 8, làm sao có thể có đủ kiến thức để thực hiện sản phẩm công nghệ như thế?”. Ông Dương Ngọc Cường, giáo viên phụ trách hướng dẫn, cho biết: “Nguyên và Huy có tố chất thông minh bẩm sinh, ham học hỏi và khám phá. Nhờ vậy các em có đủ điều kiện để ứng dụng kiến thức của mình giải quyết vấn đề thực tiễn”. Còn Nguyên thì lý giải, từ khi học tiểu học, em đã tham gia và đoạt giải nhất cuộc thi về chế tạo robot do trường tổ chức nên đã có vốn kiến thức về điện, điện tử. Em cũng thường học các kiến thức nâng cao về điện – từ học. Bên cạnh đó còn tìm kiếm các tài liệu, sách vở liên quan đến đề tài trên mạng internet…
Những ngày này, cả Huy và Nguyên tranh thủ sau mỗi giờ học lại tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời các phiên bản tiếp theo của thiết bị như cửa quét thông minh hay thiết bị quét cầm tay, máy quét hồng ngoại. Cả hai hy vọng với giá thành rẻ, hoạt động đơn giản nhưng lại cho kết quả chính xác thì thiết bị này sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho giám thị coi thi và những nhà quản lý giáo dục.

Xuân Phương/TNO

 

Bình luận (0)