Thầy trò cùng làm phim |
Lấy trường học làm trường quay, học sinh trở thành diễn viên kiêm đạo diễn, nhà biên kịch nhưng các em đã khiến khán giả thực sự bất ngờ trước những “tác phẩm điện ảnh” đầu tay đầy ấn tượng…
Nhóm làm phim “cây nhà lá vườn”
Thầy Nguyễn Trường Sơn (Trường TH Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) chia sẻ: “Tuy đã được tập huấn trước đó, nhưng khi bắt tay vào làm phim cả thầy và trò vẫn không thôi bỡ ngỡ và không tránh được những khó khăn nhất định”. Với mục đích tuyên truyền, khuyến khích học sinh tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường, Trường TH Đoàn Thị Điểm làm phim Nơi ươm những mầm xanh. Để “bắt” được những cảnh quay thật tự nhiên về hình ảnh học sinh chăm sóc hoa tại trường, nhóm làm phim của trường đã phải… quay lén. Nhưng đây lại là yếu tố đem đến thành công của phim.
Với tác phẩm Chia sẻ, Trường TH Kim Đồng (Hà Nội) chọn bối cảnh quay tại một tiệm bán kem. Cô Hoàng Yến (giáo viên trường) cho biết, phim “khởi quay” vào tháng 8, thời điểm nắng nóng nên tiệm kem rất đông khách ra vào. Các cảnh quay “đứt quãng” liên tục vì cứ bị khách vô tình chen ngang vào. Ban đầu, nhóm dự định nhờ cô bán kem “vào vai” cô bán hàng nhưng không thành vì tiệm đông khách quá, cô bán không xuể. Thế là cô Hoàng Yến đành xắn tay áo nhập vai cô bán hàng. Với “dàn diễn viên” cây nhà lá vườn nhưng phim đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc.
Chính vì làm phim ngay tại lớp học nên hầu hết các tác phẩm phim thể loại hoạt hình sau khi hoàn thành thường mắc phải những lỗi về ánh sáng. Tác phẩm Chú vịt con của Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) là một ví dụ. Sau khi đã hoàn tất các khâu, bước vào công đoạn lồng tiếng mới phát hiện ra đoạn mở đầu với cảnh chú vịt con đi lạc ánh sáng bị chập chờn. Các “nhà làm phim nhí” đã chữa cháy bằng cách tận dụng chi tiết đó làm thành sấm sét, cơn mưa. Sáng tạo “bất đắc dĩ” này hóa ra lại làm tăng thêm sức hấp dẫn của phim.
Phương pháp dạy và học mới
Bà Nguyễn Thị Lan (Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, Trưởng ban tổ chức dự án) nhận định, sau 3 năm thực hiện dự án, giáo viên và học sinh đã được tiếp cận với điện ảnh và bước đầu vận dụng môn nghệ thuật thứ 7 này như một phương pháp dạy và học mới sinh động, hiệu quả. Học sinh được nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật, kích thích tính chủ động, sáng tạo, góp phần phát triển nhân cách.
Thầy Nguyễn Minh Tấn Lộc (Trường TH Minh Đạo, TP.HCM) cho biết, CLB Điện ảnh học đường của trường ban đầu chỉ ít học sinh tham gia. Sau quá trình tham gia làm phim, nhiều em hăng hái đăng ký tham gia, và đến nay CLB đã tập hợp được rất đông thành viên. Cũng theo thầy Lộc, trường chọn một thể loại hơi khó đối với học sinh là phim tài liệu, lại với chủ đề hơi “khô” thăm khu di tích lịch sử địa phương. Tuy nhiên, chính nhờ quá trình tự tìm kiếm tư liệu viết kịch bản, tự vào vai hướng dẫn viên… các em không chỉ có dịp trang bị thêm kiến thức lịch sử cho mình mà còn truyền đạt cho người xem một cách sinh động.
Hoạt hình là thể loại bấy lâu chiếm vị trí gần như số 1 với trẻ em. Nhưng khi được trực tiếp thực hiện những bộ phim này, các em lại tỏ ra lợi thế khi được thỏa sức bộc lộ năng khiếu và sức sáng tạo. Phim Cuộc thi chạy mà Trường TH Lê Văn Tám (Hà Nội) mang đến cuộc thi này chính do các em tự viết kịch bản, tự nặn các “nhân vật” cũng như nhiều khâu khác. Làm phim “nghiệp dư” nên các em đã phải mất không ít thời gian đầu tư vào thực hiện, đến thao tác đơn giản nhất như di chuyển đám mây, chú sâu bò… cũng phải tập dợt nhiều lần. Và mồ hôi, công sức bỏ ra đã không hề uổng phí khi tác phẩm hoàn thành, các nhà làm phim nhỏ tuổi đã không thể kìm nén những giọt nước mắt ngập tràn hạnh phúc. Từ đây, các em đã hình dung được công việc làm phim là như thế nào, một số em bộc lộ rõ năng khiếu và đam mê nghệ thuật.
MÊ TÂM
Bình luận (0)