Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Học trò làm thiết bị chuyển đổi chữ Braille

Tạp Chí Giáo Dục

Võ Trung Thiên Tường cùng thầy giáo hướng dẫn đề tài – thầy Trương Phúc Thịnh

Với thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille, em Võ Trung Thiên Tường (học sinh lớp 11 Trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam) đã đem đến cho người khiếm thị một hi vọng về việc được đọc nhiều văn bản mà vốn ngày thường họ không thể tiếp cận!

Thầy Trương Phúc Thịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi nói: “Đã lâu lắm rồi ở một trường tỉnh lẻ như trường chúng tôi mới có học sinh đam mê và nghiên cứu thành công một sản phẩm hữu dụng đầy ấn tượng đến vậy”.

Mô hình thiết bị chuyển đổi chữ Braille

“Từ khi đề tài vừa hoàn thành, chưa dự thi, Hội Người mù huyện Thăng Bình đã liên hệ với Tường và nhà trường mong muốn đưa ứng dụng này vào phục vụ cho bà con khiếm thị trên địa bàn”, thầy Trương Phúc Thịnh cho biết. 

Ngay từ những năm học THCS, Tường đã được thầy cô và bạn bè biết đến là một cậu học trò có năng lực giỏi, đam mê môn tin học với nhiều thành tích cao tại các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh. Tường chia sẻ: “Ý tưởng sáng tạo thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille cho người khiếm thị của em nảy sinh từ vài lần bắt gặp các bạn khiếm thị mò mẫm trên những trang chữ nổi Braille. Các bạn ấy bị hạn chế trong việc tiếp cận những tư liệu học tập, trong khi các tài liệu chuyển thành chữ Braille rất hạn chế”. Từ ý tưởng đó, Tường đã bỏ ra một năm nghiên cứu, tìm tòi, đọc tài liệu rồi mới triển khai thực hiện. Tường kể: “Sau nhiều lần đắn đo lựa chọn, em tìm ra cách chế tạo thiết bị với công năng chính là từ ngôn ngữ của người bình thường soạn văn bản Word trên máy tính có thể chuyển đổi thành chữ Braille dựa trên chiếc máy được cấu tạo: 1 vi điều khiển arduino, 2 động cơ bước để điều khiển trục X và Y, 2 mạch điều khiển động cơ bước TP6560, Servo MG95 và bộ nguồn 12V. Thiết bị bao gồm hai phần, một phần tạo lỗ để đục chữ Braille, một phần tiếp nhận cổng kết nối với máy tính hoặc USB. Với thiết bị này, người dùng chỉ việc điều khiển hệ thống dựa trên 3 nút: nhập, in và reset. Với 3 thao tác dễ dàng, văn bản chữ quốc ngữ bình thường trên máy tính hoặc USB đã được kết nối với thiết bị sẽ chuyển sang chữ Braille để dùng cho người khiếm thị”. Tường cho biết thêm: “Suốt hơn một năm ròng rã từ nghiên cứu đến khi bắt tay vào làm với sự hướng dẫn của thầy Trương Phúc Thịnh, nhưng nhiều lúc em cũng gặp khó khăn như để một bộ phận ăn khớp phải thử đi thử lại nhiều lần mới được. Có lúc tưởng chừng phải buông xuôi…”.

Vượt qua hàng trăm đề tài sáng tạo, đề tài của Tường xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc khu vực phía Nam năm 2016. Điều vui nhất với cậu học trò này là thiết bị được ứng dụng vào thực tiễn. Thầy Thịnh cho biết: “Từ khi đề tài vừa hoàn thành, chưa dự thi, Hội Người mù huyện Thăng Bình đã liên hệ với Tường và nhà trường mong muốn đưa ứng dụng này vào phục vụ cho bà con khiếm thị trên địa bàn”.

Ngoài đề tài sáng tạo đoạt giải cao, Tường còn sở hữu một bảng thành tích học tập xuất sắc với nhiều giải thưởng trong môn toán và tin học. Một điều thú vị nữa là Tường từng lập cú đúp thi đỗ vào lớp chuyên tin Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Tuy nhiên sau một năm theo học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cậu học trò này quyết định quay về với… trường làng để theo học tiếp bậc THPT. Bởi theo cậu, học gần nhà để đỡ phần vất vả cho gia đình, phần khác, chỉ cần đam mê và chăm chỉ, cùng với sự hướng dẫn định hướng của thầy cô giáo thì không nhất thiết phải học trường chuyên thành phố mà ở trường làng vẫn có thể thành công.

Chia sẻ về dự định của mình, Tường bảo: “Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille có giá dao động từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Hiện em đang cố gắng hoàn tất để sớm có chiếc máy đảm bảo tốc độ chuyển đổi nhanh hơn để đưa vào ứng dụng. Hi vọng thiết bị này sẽ giúp bổ sung một nguồn tư liệu để giúp người khiếm thị tiếp cận được nhiều hơn các tài liệu mà họ cần, giải bài toán thiếu sách cho người khiếm thị đang là một vấn đề khó vì giá cả chênh lệch quá lớn so với khả năng kinh tế của họ”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)