Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học trò nhí học làm lính biển

Tạp Chí Giáo Dục

Các “chiến sĩ hải quân tí hon” đọc sách ở thư viện trường trong giờ ra chơi (những HS mặc áo trắng)

Nhiều năm qua, Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã trở thành cái nôi đào tạo văn hóa cho hàng trăm học sinh (HS) của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Quốc phòng 5. Ngoài giờ học, chiến sĩ hải quân ở trung tâm sẽ huấn luyện kỹ năng bơi lội cũng như kỹ thuật quân sự cho các em. Bởi vậy, các em có tính kỷ luật, tinh thần quân đội rất cao và được gọi với cái tên thân thuộc là “chiến sĩ hải quân tí hon”.
“Chiến sĩ hải quân tí hon” vượt khó
Trường THCS Cửu Long được thành lập trước năm 1975 và từng là trường học của con cán bộ sĩ quan thuộc chế độ cũ. Khi nước nhà thống nhất, nơi đây trở thành mái trường của con em chiến sĩ hải quân từ khắp mọi miền đất nước. Trải qua hơn 30 năm phát triển, nó trở thành một ngôi trường chung cho tất cả con em người dân cư trú trong khu vực và được Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 gửi gắm các “chiến sĩ hải quân tí hon” sang học văn hóa. Cô Nguyễn Thị Mai (Quản lý HS về văn hóa của Trung tâm TDTT Quốc phòng 5) cho biết: “Mỗi năm, huấn luyện viên đều đến các địa phương tuyển chọn HS có năng khiếu môn bơi lội để về trung tâm huấn luyện. Các em đang học chương trình văn hóa nên mỗi năm trung tâm gửi khoảng 10-15 em đến Trường THCS Cửu Long học tập, hòa đồng với những HS khác. Hầu hết các em đều là dân ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Quảng Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương…”.
Những ngày đầu vào miền Nam học tập, tiếp xúc với môi trường mới, các em đã gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt cũng như học tập. Với giọng nói chân chất, dịu dàng, ấm áp của miền quê đầy cát và gió – Quảng Bình – em Lê Thị Linh (lớp 7/4) kể: “Những ngày đầu vào trong ni (này) đêm mô (nào) nằm ngủ em cũng khóc ướt cả gối vì nhớ ba mạ (bố mẹ), nhớ bạn bè. Sinh hoạt ở môi trường mới với tính chất kỷ luật thép, em sợ lắm. Trong học tập em cũng gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là môn tiếng Anh vì môn ni em mới học hồi lớp 5 trong khi các bạn ở thành phố thì học hồi lớp 2 lớp 3 rồi. Nhờ cô giáo kèm cặp thêm em mới theo kịp các bạn”.
Trở ngại về giao tiếp cũng là một vấn đề, đôi lúc cô giáo giảng bài nhanh, các em không nghe rõ và cuối giờ phải ở lại để được giải đáp thắc mắc. Cô Trần Thị Ngọc Thảo (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Do các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong khi giáo viên lại nói không thể đúng giọng với vùng quê các em nên đôi lúc các em không hiểu bài. Hơn nữa, tính giải trí ở vùng quê không thể cao hơn thành phố, nhiều em học lớp 7, lớp 8 rồi mà vẫn chưa rõ về máy tính, internet… nên những tiết học vi tính các em phải cố gắng rất nhiều. Ngoài những khó khăn này ra thì các em có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt các em được rèn luyện trong môi trường quân đội nên được định hướng nhân cách, đạo đức rất tốt, có ý thức, nề nếp cao… Nhìn chung là các em rất ngoan, có tinh thần chịu khó để vươn lên hòa nhập với môi trường mới”.
Khó khăn ban đầu rất nhiều nhưng chỉ sau một vài tháng rèn luyện, các em đã hòa nhập chung với môi trường mới và gặt hái được rất nhiều thành tích. Đặc biệt, năng khiếu của các em là bơi lội nên các em trở thành những đại diện xuất sắc của trường thi đấu TDTT do quận, thành phố tổ chức. Được biết, mỗi năm những HS này đều đưa về cho trường hàng chục huy chương trong các cuộc thi đấu TDTT dành cho HS cấp quận và 6, 7 huy chương cấp thành phố.
Rèn luyện tinh thần thép
Ngoài giờ học ở trường, thay vì được về nhà nghỉ ngơi, ăn uống và học tập như những HS bình thường khác thì những “chiến sĩ hải quân tí hon” này lại phải tiếp tục rèn luyện.
Cô Nguyễn Thị Mai cho hay: “Do nhiệm vụ, đặc thù của ngành hải quân cần thiết là bơi lội nên cấp trên chỉ đạo chỉ bồi dưỡng các em năng khiếu bơi lội là chủ yếu. Sau những giờ học văn hóa, các em về trung tâm và tiếp tục học bơi để chuẩn bị cho các trận đấu”.
Học văn hóa cả ngày đã mệt nhoài, về nhà các em lại tiếp tục học bơi, đôi lúc những “chiến sĩ” này cảm thấy khá căng thẳng, mệt mỏi nhưng dần dần rồi cũng quen. Em Hoàng Văn Thìn (lớp 6/3, quê ở Quảng Bình) chia sẻ: “Khi kết thúc việc học ở trường, khoảng 17 giờ đến 19 giờ chúng em học bơi ở hồ bơi trung tâm. Thường chúng em chỉ tập những bài nhẹ nhàng nhưng đôi lúc phải học bơi thành tích cao nên rất mệt. Sau đó về trung tâm ăn uống và học tập. Cũng như các chiến sĩ hải quân ở đơn vị, chúng em chỉ học bài hơn 1 tiếng đồng hồ để 21 giờ 15 điểm danh và đi ngủ”.
Bên cạnh đó, giống như bao chiến sĩ khác, các em cũng được rèn luyện các kỹ thuật của quân đội nhưng chỉ ở mức độ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Em Hồ Văn Võ Hoàng (lớp 6/3) kể: “Sáng sớm, chúng em thức dậy từ 5 giờ 30 để tập thể dục như các anh chiến sĩ. Ngoài ra, chúng em cũng thường xuyên luyện tập kỹ thuật quân sự như tập động tác đội ngũ, võ thuật…”.
Cùng với rèn luyện thân thể thì việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm của một chiến sĩ cũng không thể thiếu khi các em sống ở môi trường hải quân. “Nhiệm vụ chính của các “chiến sĩ tí hon” là tập luyện năng khiếu và học văn hóa. Ngoài ra, các em phải thực hiện nề nếp, quy định của đơn vị. Chiều thứ tư và thứ bảy, cùng với cán bộ công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị, các em sẽ được giáo dục thêm về vấn đề biển, đảo của quê hương để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, cô Nguyễn Thị Mai cho biết.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)