Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học trò trụi lông, xệ cánh…

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện học hành như… khổ sai của một học sinh lớp 1 được một phụ huynh chia sẻ cùng Tuổi Trẻ với một điều ước: thôi ngay việc tìm kiếm học sinh giỏi trong khối tiểu học mà chỉ nên dạy và kiểm tra trong sách giáo khoa.
Học trò trụi lông, xệ cánh...
Con chúng tôi đang quá khổ sở. Hãy để cho chúng, những chú gà con, được sống cuộc đời của gà con. Đừng bắt chúng chưa ra đời đã phải làm gà chọi!

Con tôi học lớp 1. Cháu vừa trải qua một năm khổ sai đúng nghĩa. Cháu hơi nghịch và ít tập trung trong lớp. Biết điểm hạn chế của con, tôi gửi gắm cô giáo là không cần bắt cháu học nhiều, chỉ cần dạy kiến thức cho cháu đủ lên lớp. Tôi đã xem khá kỹ sách giáo khoa lớp 1, và tự tin con mình có thể học được.

Những ngày đầu đi học vui vẻ, tôi tạm yên tâm. Nhưng chỉ sau bốn tuần, bé ra về trong mếu máo, nước mắt lưng tròng. Cô giáo tuyên bố “sách giáo khoa quá dễ, sẽ không ra đề dễ như sách giáo khoa”. Con tôi sách giáo khoa còn làm chưa kịp, không hoảng mới lạ!

Hết học kỳ I, cháu bị dọa sẽ ở lại lớp nếu không tiến bộ. Bài tập của bé đầy những phép tính tổng hợp, những đề giải gián tiếp, mà tôi tin chắc bé có thể thuộc rồi nhanh chóng quên chứ không biết đó là cái gì!

Con tôi rất có năng khiếu về ngoại ngữ và âm nhạc. Nhưng cháu luôn bị đuổi ra khỏi lớp khi có môn này, vì cháu nói chuyện với bạn hoặc chưa biết xin phép cô khi giơ tay phát biểu. Thế là những môn năng khiếu của cháu bị loại khỏi cuộc chơi, còn những môn cháu hơi hạn chế thì lại è lưng cày một cách khổ sở!

Mới đây, đứa em họ là một giảng viên trường đại học có con đang học lớp 2 rỉ tai tôi: “Em nói thiệt với chị, bài tập của tụi nó em phải lấy máy tính bấm để kiểm tra, chứ em tính muốn nhức đầu không ra nổi!”. Chương trình toán lớp 2 mà khiến giảng viên phải dùng phương tiện hỗ trợ, trong khi các bé phải gồng mình tính “chay”, liệu có bất công cho trẻ quá không?

Quay trở lại với đứa con “đặc biệt” của tôi và là học sinh “cá biệt” của trường. Con tôi gặp khó khăn với toán tính tổng hợp, điền dấu lớn, bé, bằng. Cô giáo không bao giờ ra đề điền dấu giữa hai con số, ví dụ 15 và 27, hay giữa 87 và 95. Như thế theo các cô là quá đơn giản! Bé lớp 1 là phải điền cho được dấu gì giữa một bên là phép tính 34+44 và vế còn lại là 34+53. Trong khi đó nhiều bé vẫn luôn nhầm lẫn giữa hai ký hiệu lớn (>), bé (<).

Toán có lời giải thì thôi rồi, đề thi sẽ không cho dạng “Bạn An có 15 cây viết, bạn Bình có 23 cây. Hỏi cả hai bạn có bao nhiêu cây?”, mà phải cho “Trên cành cây có 23 con chim. Số con chim đang bay tới là số liền trước số chim đang đậu. Hỏi trên cành cây có tất cả bao nhiêu con chim?”. Thật sự khi đọc đề toán này, tôi chột dạ, vì tôi cũng không biết chính xác sẽ có bao nhiêu con chim đậu trên cành cây!

Giờ con tôi đã học hết lớp 1, được lên lớp. Từ khi thi xong, cháu luôn năn nỉ tôi cháu không thích đi học, đừng bắt cháu đi học trường đó nữa. Nhìn con khổ sở khi nhắc đến trường lớp mà tôi cũng hoang mang. Làm sao cho cháu đỡ khổ khi đi học?

Việc duy nhất tôi có thể làm là chỉ đạt mục tiêu “lên lớp” chứ không hơn. Nhưng trong khi các bạn trong lớp bị biến thành những chú ngựa đua mà con tôi muốn ra khỏi hàng để hít một chút khí trời, dẫu một chút thôi, thì sẽ lập tức bị loại.

Bây giờ, với kết quả thi trung bình, cháu bị “dọa” sẽ không thể học kịp chương trình lớp 2 vốn kinh khủng hơn nhiều so với lớp 1! Tôi đã hi vọng bám víu vào các trường tư, nơi được cho là dễ thở hơn, nhưng khu vực tôi ở không có trường tư, mà cháu mới 7 tuổi không gửi đi đâu được. Trường quốc tế cũng là một phương án, nhưng học phí lại quá đắt đỏ so với đồng lương viên chức của vợ chồng tôi.

Xin đừng để những đứa trẻ hiếu kỳ, có chút cá tính như con tôi thấy quá khổ sở khi đến lớp như bây giờ. Con chúng tôi đang quá khổ sở. Hãy để cho chúng, những chú gà con, được sống cuộc đời của gà con. Đừng bắt chúng chưa ra đời đã phải làm gà chọi!

Tôi nhớ một câu nói về giáo dục của đất nước Israel: “Trường học phải là nơi tạo ra những đứa trẻ vui vẻ, tò mò”. Còn trường học ở Việt Nam thì sao? Không khác gì một trại gà chọi. Là nơi mà những đứa trẻ đáng yêu vui vẻ cỡ nào bước vào rồi thì khi đi ra không còng lưng cũng đỏ mắt hoặc trụi lông, xệ cánh!

Nếu có một điều ước, tôi không ước giảm chương trình trong sách giáo khoa. Nó quá xa xỉ trong ngôi trường con tôi đang học.

Tôi ước lãnh đạo các trường thôi ngay cái việc tìm kiếm học sinh giỏi trong khối tiểu học, thay vào đó là chỉ nên dạy và kiểm tra trong sách giáo khoa.

Đây là trường trong hệ thống trường công địa phương. Tôi nghĩ tụi nhỏ chỉ cần học nhuần nhuyễn và biết được nội dung trong sách giáo khoa đã là quá giỏi rồi.

 

HOÀNG THỊ LAN (TTO)

 

Bình luận (0)