Mang tâm lí “con dại cái mang” và sợ bị “xử lí” nên hầu hết gia đình có con trót vay nặng lãi từ các bạn cùng lớp đều cố gắng tự giải quyết, không thông báo cho nhà trường, chính quyền địa phương. Thế nên khi được hỏi lãnh đạo của cả hai đơn vị này đều lắc đầu “không có chuyện đó”.
“Xử” kín
Vợ chồng làm công chức, cũng có “chức sắc” nên tâm sự với phóng viên, anh chồng chia sẻ: “Biết con vay nặng lãi ai chẳng đau lòng. Nhưng lỗi chính là ở mình, chưa theo sát con cái nên phải chịu chứ biết làm sao”. Đã mấy lần vợ chồng anh phải ngậm ngùi như thế, xót xa mà cầm tiền trả gốc lẫn lãi cho “người ta”.
Trường THPT Thanh Oai B, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Mang tâm lí “con dại cái mang” và sợ bị “xử lí” nên hầu hết gia đình có con trót vay nặng lãi từ các bạn cùng lớp đều cố gắng tự giải quyết, không thông báo cho nhà trường, chính quyền địa phương. Thế nên khi được hỏi lãnh đạo của cả hai đơn vị này đều lắc đầu “không có chuyện đó”.
Anh này cũng cho biết, giờ dù bận thì vợ chồng vẫn thay nhau đưa đi đón về con, ở bên con, hỏi han, trò chuyện với con nhiều hơn nên “tình hình giờ cũng tạm ổn. Cháu không tái diễn việc làm này nữa”.
Về trường hợp của cậu học sinh lớp 12 ở trên, may mắn khi bố mẹ cậu được người thân thông báo chuyện con vay nặng lãi đã quá hạn trả mấy ngày. Dù sửng sốt nhưng anh quá hiểu khi con đã vướng vào việc này thì những người cho vay cũng chẳng phải vừa.
Bản thân là người “yếu thế” cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nên việc đầu tiên anh làm là nhờ người thân quen biết một số “anh chị” làm ở bến xe khách, lơ xe giúp đỡ: đầu tiên là “tra” cho ra ngọn ngành cậu con trai vì sao lại vay, vay ai, để làm gì và cho con viết tất cả ra giấy.
Sau đó mọi người tập trung ra nhà người đứng sau các em học sinh đưa tiền cho con anh vay nợ, nói chuyện phải trái. “Cũng may là người này không quá xa lạ. Vậy là giảm được tiền lãi xuống còn 10 phân (tức 10%). Họ cũng hứa không cho con mình vay nữa.” – Anh thở dài cho biết: “Cả tiền vay lẫn lãi hơn 10 triệu, song như vậy là cũng đủ khó với gia đình mình rồi”.
Gia đình anh khó khăn nhưng gia đình bên nội, ngoại nhà anh cũng là những người có bát ăn, bát để. Nói như vậy để thấy không phải diện “con nhà nghèo” như nhà anh cũng được các đối tượng cho vay. Biết được cái dại của con, mang chuyện nói với giáo viên song như anh thẳng thắn: “Giáo viên thì họ nói sẽ lắng nghe. Nhưng phỏng như vậy thì cũng giúp được gì”.
Từ ngày bé đến giờ anh toàn để con tự đi học vì nhà neo người, bận việc đồng áng. Nay khi con đã vào cuối cấp III, tưởng con biết nghĩ hơn thì nay ngày nào con đi học bố mẹ cũng phải đèo đi, đón về. Vợ anh giọng buồn bã: “Cũng vì vợ chồng mình nông thôn, ít quan tâm nên mới để con đến cơ sự này”.
Một phụ huynh khác tiếp lời: “Quan trọng là chính quyền. Nếu không có người cho vay, học sinh sẽ không có chỗ vay, lấy đâu tiền chơi”.
Nhà trường, chính quyền: Không thấy ai nói gì (?!)
Trao đổi với PV, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai B, Kiều Văn Pháo chia sẻ: “Bây giờ tệ nạn xã hội nhiều. Mới đây thôi ở khu vực này có người chết vì nghiện ma túy. Ngày trước mình cứ nghĩ nó ở đâu xa lắm, chắc chẳng bao giờ về đây. Thế mà đấy”.
Khi được hỏi trường có biết chuyện học sinh cho nhau vay nặng lãi, vị Hiệu trưởng chỉ đáp ngắn gọn: “Hiện trường chưa trả lời được về việc này. Chúng tôi đang cùng với công an địa phương để xác minh. Nếu có trường sẽ tập trung thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở các em trong những giờ chào cờ, sinh hoạt lớp”.
Tuy nhiên một giáo viên khác cho biết: “Năm ngoái có một trường hợp vay lãi của bạn theo hình thức như vậy. Nghe bố mẹ em cho biết thì cũng vài chục triệu chứ không ít. Em này giờ đã ra trường. Còn năm nay trường chưa nắm được có trường hợp nào”. Cũng theo giáo viên này: “Đây chỉ là số rất ít và cá biệt, thường rơi vào những gia đình có điều kiện”.
Là trường học đóng trên địa bàn xã Bình Minh nhưng cũng rất gần xã Tam Hưng, cùng của huyện Thanh Oai nên PV đã tìm đến trụ sở UBND của 2 xã để hỏi về tình hình. Tuy nhiên, câu trả lời chung của hai vị chủ tịch xã đều là những cái lắc đầu “không thuộc địa bàn quản lí” hoặc “biết, không có phản ánh của dân”.
“Hiện xã này có cử một cán bộ công an cùng với Trường THPT Thanh Oai B lo giữ gìn an ninh, ngăn chặn chuyện học sinh đánh nhau. Tất nhiên nếu đúng là có thì xã sẽ phối hợp với CA huyện để làm việc” – ông Phạm Đình Phùng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.
Về chuyện có phụ huynh phản ánh ở xã có người cho học sinh vay nặng lại, ông Phùng và cả vị Phó Chủ tịch xã Nguyễn Duy Nhu đều khẳng định “xưa nay đâu có chuyện này”. Theo ông Nhu “chuyện trong dân họ cho nhau vay ngầm nếu có cũng khó nắm bắt được”.
Phong Đăng / Vietnamnet
Bình luận (0)