- 1 Học trò viết chữ khó đọc, lỗi do đâu?
Bên cạnh những học sinh có nét chữ tròn trịa, sắc nét, như “phượng múa, rồng bay”, thì hiện nay cũng có nhiều học sinh có thói quen viết chữ cẩu thả, rất xấu, khó đọc.

Thói quen viết chữ xấu này của người học không chỉ gây ra bất lợi cho bản thân về kết quả điểm số của các bài kiểm tra, nhất là các môn xã hội. Mà còn gây khó khăn cho thầy cô trong việc chấm bài và cả những hệ lụy không nhỏ cho giao tiếp lâu dài về sau…
Khoảng 20-30% học sinh THPT viết chữ quá xấu
Đó là nhận xét của phần lớn giáo viên khi trực tiếp dạy học và chấm bài kiểm tra của học sinh các lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Như vậy, cứ 10 bài làm thì có đến hơn 2 bài của học sinh viết chữ rất kém. Tỷ lệ % này tăng hơn đối với những lớp chọn học theo khối tự nhiên, có các môn chủ yếu như toán, vật lý, hóa học, sinh học… Chấm bài kiểm tra giữa học kỳ II vừa qua, giáo viên dạy văn lớp 11 của một trường THPT tại Q.Tân Phú (TP.HCM) thở dài ngao ngán với đồng nghiệp về chữ viết quá xấu và cẩu thả của học sinh mình. Giáo viên này nói: “Thay vì nếu bài làm của học sinh toàn sạch đẹp, chữ viết rõ ràng thì việc chấm bài sẽ nhẹ nhàng, xong nhanh. Nhưng do gặp nhiều bài làm chữ viết quá xấu, khó đọc, nên tốc độ chấm phải giảm lại. Và vừa phải chấm bài trong một trạng thái mệt mỏi, bực dọc”. Trong rất nhiều cái khổ khi chấm bài làm môn văn của học sinh, có cái nhọc của giáo viên vì chữ viết quá xấu của học sinh.
Dẫn chứng của giáo viên chấm bài kiểm tra nói trên không phải là trường hợp cá biệt. Thực trạng viết chữ quá kém như trên của học sinh hiện nay nếu ai là giáo viên sẽ bắt gặp rất nhiều, đầy rẫy trong các bài làm, từ kiểm tra thường xuyên, định kỳ cho đến các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Đáng nói là, học sinh càng học lên lớp cao, chữ viết càng khó đọc hơn, vì cẩu thả.
1.001 lý do khiến ngày càng nhiều học sinh viết chữ xấu
Việc học sinh viết chữ xấu, càng lớn tuổi viết chữ càng cẩu thả do nhiều nguyên nhân. Nếu ở bậc tiểu học, học sinh buộc phải rèn chữ viết, vì được giáo viên đánh giá, cho điểm nên chữ viết của hầu hết học sinh rất chuẩn mực, đẹp nét, rõ ràng. Cũng vì ý thức vậy nên nhiều cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” được tổ chức ở bậc tiểu học và THCS. Trong khi đó, với bậc THPT, nhiều học sinh và cả giáo viên lại không quá coi trọng chữ viết. Tất cả đều nghĩ đơn giản rằng miễn là chữ rõ ràng, đọc được là được. Vậy nên dần dà viết không chịu rèn luyện, viết chữ xấu đi, biến tấu vô vàn kiểu nét… Học sinh không ý thức tự rèn chữ, phụ huynh không quan tâm con viết đẹp – xấu thế nào và giáo viên thì cho là không quan trọng…, còn có lý do nữa, xuất phát từ quan niệm chữ viết tay ngày nay không còn quan trọng trước bàn phím của công nghệ tin học đã thay thế các văn bản. Một học sinh bày tỏ thái độ đó với giáo viên khi bị nhắc nhở chữ viết xấu: “Em thấy không quan trọng, vì em thường sử dụng máy tính để soạn bài, soạn văn bản”.
Với đặc trưng của chương trình mới, nhất là các môn xã hội, là đa dạng về phương pháp dạy và học, ít ghi chép hơn; chú trọng nhiều đến sản phẩm học tập; việc kiểm tra đánh giá cũng tập trung đến nhiều kỹ năng hơn nên kỹ năng viết của học sinh cũng ít chú trọng lại. Đề kiểm tra hiện nay hầu hết bằng hình thức trắc nghiệm, học sinh chỉ cần dùng bút chì khoanh tròn đáp án. Đó cũng là lý do khiến các em học sinh hiện nay ít viết, ít có cơ hội để ý thức chữ viết như các thế hệ trước đây.
Chữ viết đẹp sẽ có nhiều lợi thế
Các em học sinh có cần ý thức chữ viết của mình hay không? Câu trả lời dứt khoát là: có và rất cần. Tại sao như vậy? Vì, văn là người, “nét chữ, nết người”. Muốn đánh giá thái độ, đạo đức, tác phong của người nào đó, tuy chưa phải là hoàn toàn, hãy nhìn vào chữ viết của họ. Không phải mọi giao tiếp trong đời sống đều thực hiện bằng bàn phím, công nghệ. Viết chữ đẹp, dễ đọc còn thể hiện thái độ nghiêm túc trong giao tiếp và ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mỗi cá nhân. Rèn chữ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và giữ thói quen viết chữ đẹp cũng là một lợi thế lâu dài về sau, để ứng dụng vào nhiều tình huống giao tiếp của cuộc sống. Chẳng hạn, viết một lá đơn xin việc bằng chữ viết tay theo yêu cầu của một cơ quan tuyển dụng nhân sự – tình huống dễ xảy ra hiện nay.
Trong việc học ở nhà trường, học sinh cần phải thấy một thực tế rằng, viết chữ đẹp khi làm bài là một lợi thế. Nó sẽ tạo được thiện cảm cho người chấm, và sẽ được cho điểm tốt hơn các bài có chữ viết kém. Những bài văn điểm 9, 10 trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây hầu hết đều là những bài của thí sinh viết chữ rất chuẩn, khá đẹp và rất đẹp. Với môn ngữ văn, học sinh cần lưu ý thêm rằng, hoạt động viết là một hoạt động tạo lập văn bản để giao tiếp với người đọc, thầy cô. Vì vậy, cần tôn trọng các nguyên tắc trong giao tiếp bằng ngôn ngữ như các bài đã được học. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu học sinh (và cả sinh viên) viết bài học bằng tay (thay vì đánh máy) thì sẽ nhớ kỹ bài học nhiều hơn. Điều này đúng hơn nữa với những người cố viết chữ đẹp. Vì khi cố viết chữ đẹp, sự tập trung tâm trí của người viết vào chữ viết, bài học sẽ nhiều hơn.
Cần giải pháp đồng bộ cho thực trạng viết chữ xấu, khó đọc
Trước thực tế trên, thiết nghĩ cần đến nhiều giải pháp đồng bộ. Một là, cần thay đổi ý thức, quan niệm, thái độ về việc viết chữ của nhiều thầy cô, cha mẹ và học sinh. Hai là, để khuyến khích, ngành giáo dục và nhà trường nên tổ chức nhiều hơn các cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp”, không nên giới hạn ở bậc tiểu học, THCS mà mở rộng ra cả THPT. Ba là, giáo viên bộ môn cần có động thái kiểm tra việc ghi chép của học sinh, chứ không nên “thả nổi” như một số môn học hiện nay. Bốn là, đưa tiêu chí chữ viết (trừ điểm, nếu chữ xấu, khó đọc) vào thang điểm đáp án chấm của các môn học xã hội. Chẳng hạn môn ngữ văn, các yêu cầu trong đáp án chấm bài thi (từ phạm vi nhà trường đến quốc gia) từ trước đến nay không hề có tiêu chí về chữ viết. Đây là điều cần thiết phải có để khuyến khích người học ý thức rèn chữ.
Trước đây, học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Luyện văn (luyện chữ, luyện người) đã từng than rằng sự vô tâm của con người thật bao la như trời biển. “Vô tâm” mà học giả Nguyễn Hiến Lê nói ở đây là sự thờ ơ với rèn luyện diễn đạt khi nói, viết. Đừng để thói quen xấu lâu ngày hình thành nên tính cách xấu. Phải biết thay đổi hành vi từ biểu hiện nhỏ nhặt nhất – chữ viết!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)